“Lá trên cành một chiếc cuối bay xa”. Hình ảnh chiếc lá vàng cuối rời cành, cuốn vào gió, theo chân người tình trong một chiều ly biệt, là một hình ảnh lãng mạn nhưng đắng lòng. Nó cũng là một lời tiễn đưa câm, dấu chấm than của câu chuyện tình đã kể xong. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của ca khúc “Chiếc lá cuối cùng” đã chấm hết ca khúc của ông bằng câu hát này. Ông cũng là tác giả của nhiều tình khúc buồn da diết và day dứt khác như “Nhạt nhoà”, “Nỗi Niềm”, “Dưới giàn hoa cũ” hay “Hoa Soan bên thềm cũ”, “Quán nửa khuya”..v..v..
Tuấn Khanh, tên thật Trần Ngọc Trọng, sinh năm 1933 Ngoài viết nhạc, ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Trần Ngọc. Năm 1953, ông giành giải nhất của đài phát thanh Hà Nội về giọng hát. Nhạc phẩm đầu tiên của ông là "Đò ngang" (viết cùng Y Vân). Ông định cư tại California, Hoa Kỳ. Tại đây, ông mở một tiệm phở mang tên "Hoa soan trên thềm cũ". Ông còn có các bút danh khác nhau như, Thương Hoài, Trần Kim Phú, Hoàng Mộng Ng…v..v..
Trịnh Thanh Thủy: T được biết chú học vĩ cầm từ nhỏ và được giải nhất của đài phát thanh Hà Nội năm 1953 về giọng hát. Chú có thể kể kỷ niệm đáng nhớ ngày chú đoạt giải nhất không?
Tuấn Khanh: Ngày ấy cuộc thi có 120 người phải qua 3 vòng thi: Sơ kết(chọn ra 25 thí sinh), bán kết(chọn ra 8), chung kết(chọn hạng 1,2,3) và gia đoạn cuối biểu diễn. Qua hai vòng đầu tôi đạt giải nhất và cô Thanh Hằng đoạt giải nhì. Khi đến vòng chung kết và biểu diễn chỉ còn 8 người thì tôi gặp chuyện rắc rối, xui xẻo. Nguyên nhân, sau này do ông Thẩm Oánh kể lại tôi mới biết. Số là tác giả bài hát “Tan Tác” lúc ấy là Tu Mi vì muốn đền ơn, trả nghĩa cho cô Thanh Hằng đã giới thiệu cô bạn gái cho ông, nên ông nhúng tay vào phá bỉnh trong phần biểu diễn của tôi. Ông Tu Mi có quen một chuyên viên âm thanh lo phần kỹ thuật cho đài phát thanh Hà Nội. Ông ta bảo với người ấy rằng cứ đi đi để ông ấy trông nom hộ. Khi dự thi tôi mang số báo danh là 1, cô Thanh Hằng là 2. Người mang số 8 thi đầu, người kế tiếp mang số 7, và cứ thế tiếp tục. Mọi chuyện đều xảy ra tốt đẹp tuy nhiên đến lúc tôi cầm micro hát chót thì có chuyện. Tôi hát bài “Cánh chim giang hồ” của Ngọc Bích. Khi tôi mới cất lời “Lờ lững cánh chim giang hồ bay.”, thì micro tắt tị. Ngày ấy hệ thống âm thanh có những chiếc bóng đèn nhỏ thay vì các hàng nút. Chỉ cần xoay lỏng 1 trong những chiếc bóng đèn đó, thì âm thanh đã khác, hoặc tắt hẳn. Ông Tu Mi vặn cái bóng đèn lỏng ra, dòng điện lỏng bị ngắt nên micro không ra tiếng nữa. Tôi bị khớp và mất tinh thần. Ban kỹ thuật ra công sửa, xong tôi phải hát lại. Nhạc vừa dạo, tôi hát “Lờ lững cánh chim giang hồ bay, về phía chân trời xa tắp mây…”. Micro lại hỏng tiếp. Hồn vía tôi tiếp tục lên mây. Cứ thế , tất cả là 3 lần. Kết quả vòng biểu diễn tôi bị xếp hạng nhì. Một thời gian sau, ông kỹ thuật viên tiết lộ bí mật với ông Thẩm Oánh là phó giám đốc đài phát thanh kiêm chánh chủ khảo cuộc thi, việc ông Tu Mi đã cố tình nhúng tay vào. Khi di cư vào Nam, ông Thẩm Oánh gặp tôi có đến bắt tay xin lỗi, kể lại và cải chính lẽ ra tôi được hạng nhất mà vì lý do kỹ thuật đáng tiếc như vậy xảy ra.
Trịnh Thanh Thủy: Trong cuộc thi có Anh Ngọc và Hoàng Giác tham gia không chú?
Tuấn Khanh: Cả hai đều không tham dự. Thời điểm đó người ta gọi ca sĩ nổi tiếng là tài tử hay danh ca. Ca sĩ Anh Ngọc lúc ấy đã nổi tiếng trong Nam được gọi là tài tử Anh Ngọc, trong khi ngoài Bắc có tài tử Ngọc Bảo. Cũng như trong Nam có danh ca Minh Trang(mẹ của ca sĩ Quỳnh Giao, vợ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước), ngoài Bắc có danh ca Minh Đỗ(dì của Kim Tước). Hoàng Giác cũng đã nổi tiếng rồi. Khi ấy ông vừa sáng tác bài “Quê Hương”.
Trịnh Thanh Thủy: Sau khi đoạt giải và trở thành một ca sĩ nổi tiếng? Chú có tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình không và hát ở đâu? Bài nào chú hay hát thời đó? Giữa ca sĩ và nhạc sĩ, nếu phải chọn một chú nghiêng về phía nào hơn?
Tuấn Khanh: Vào trong Nam tôi hát ở các ban nhạc như Bảo Chính Đoàn của Hoàng Trọng, Vũ Văn Tuynh, Vũ Nhân, Hoàng Hưng… Tôi bắt đầu sáng tác nhưng chỉ ngầm thôi. Người khai tâm âm nhạc cho tôi là bác sĩ Tuấn, anh tôi. Ngay từ lúc 10 tuổi tôi có thể cầm một bản nhạc mà xướng thanh ngay. Những bài tôi hát thuở đó thường là: “Mơ hoa” của Hoàng Giác, “Một chiều thu” của Nhật Bằng, “Nỗi lòng” của Nguyễn Văn Khánh, “Người về” của Phạm Duy…Tôi hay hát chung với Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Mộc Lan, Tâm Vấn . . Khi ấy Tâm Vấn chưa phải danh ca. Bà có lối hát riêng nhún nhảy rất lẳng lơ, gợi cảm mà giới trẻ rất thích, nên các thanh niên chết mê mệt.
Từ năm 1955 đến năm 1970 tôi vừa làm ca sĩ và nhạc sĩ. Đến năm 1970, tôi quyết định giải nghệ không hát nữa, để chuyên tâm sáng tác. Ngoài ra, tôi chơi violon cho các nơi để sống. Tôi kéo violon và làm cho đài phát thanh Sài Gòn được 10 năm. Mỗi hợp đồng họ trả 200 đồng, sau lên 250 đồng. Ngày được 2 hợp đồng, có 500 rồi, mà ngày nào cũng có việc làm. Độc thân, thuê gác 500, cơm tháng 5000 một tháng, vừa đủ sống. Tôi cùng làm với nhạc trưởng Võ Đức Tuyết, nhạc sĩ Nguyễn Quí Lãm, Đặng văn Hiền đánh violon, thổi sáo.
Trịnh Thanh Thủy: Trước năm 75, Chú là một nhạc sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư ? Chú có đi quân dịch không?
Tuấn Khanh: Tôi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp cho các đài phát thanh và đánh nhạc trong các ban nhạc quân đội hay tâm lý chiến. Khi họ gọi nhập ngũ tới lứa tuổi 20 thì tôi 21 tuổi, họ gọi 22, thì tôi 23, đều quá tuổi nhập ngũ. Cho đến khi Tổng Động Viên Tết Mậu Thân, các công chức làm trong đài phát thanh phải đi học quân sự năm tuần. Tôi bị gọi tham gia binh đoàn trừ bị để đến khi nếu có biến, cộng sản tiến chiếm đài phát thanh thì mình cũng biết bắn súng để giữ đài.
Trịnh Thanh Thủy: Chú có từng chạy theo khuynh hướng thời thượng hay ý thích của số đông đại chúng khi sáng tác không? Cảm nghĩ của chú khi đi ra khỏi đường lối sáng tác thông thường.
Tuấn Khanh: Tôi có làm hai loại nhạc khác nhau. Loại nhạc có người nghe chọn lọc thường đuợc gọi là “nhạc sang”, tôi đề tên là Tuấn Khanh. Còn loại nhạc dành cho đại chúng, tôi lấy nhiều tên khác nhau như Thương Hoài Thương (Lệ Tình, Tuy Anh Không Nói), Trần Kim Phú (Vì Lỡ Thương Nhau, Tỉnh Giấc), Hoàng Mộng Ngân (Tình Buồn Em Gái)….
Khi tôi viết loại nhạc đại chúng thì loại nhạc này bán rất chạy. Nó không những lợi về phần tài chánh mà còn lợi phần tiếng tăm nổi hẳn lên. Bởi lẽ giới bình dân đông trăm người, chỉ có một trí thức. Trong khi những tác giả có bằng âm nhạc đeo đầy ngực mà chẳng khi nào quần chúng biết tên. Sáng tác nhạc, không phải là học nhạc xong là có thể viết nhạc hay nổi tiếng mà nó đòi hỏi năng khiếu trời cho nữa. Bằng sáng tác của người dân cấp cho mới là cái bằng quan trọng nhất. Thời đó những bài loại này tôi vừa viết ra, quần chúng mua ào ào. Nhà in phát hành 5000 bản, chỉ 1,2 ngày là bán hết. Cứ 7 đồng một bản. Tôi là một trong vài ba tay tự in nhạc lấy không qua nhà xuất bản nào hết. Nhạc sĩ Lam Phương là người có nhạc bán chạy cũng tự in lấy. Nếu qua nhà xuất bản họ mua bản quyền 1 năm, trả mình 1500 đồng. Họ in bao nhiêu bản để bán mình không biết. Giả dụ họ nói in 2 ngàn bản nhưng thực ra in 10 ngàn bản rồi bán, mình cũng chẳng biết. Tuy nhiên in lấy phải có tiếng và có khách mới được, ngược lại chỉ lỗ tiền in. Một bản nhạc như “Quán nửa khuya” in đợt đầu và tái bản đã được 5 ngàn bản, sau lên 10 ngàn và đem được về 200 ngàn đồng. Nhà xuất bản Tinh Hoa điều đình mua lại bản quyền với giá 200 ngàn đồng. Lúc đó, bài hát đã bán chậm rồi nên tôi mừng lắm. Còn những bản nhạc ký tên Tuấn Khanh, nhà xuất bản mua một năm trả 1500 đồng đã mừng rồi, nếu họ mua 3 năm, 4500 thì mừng lắm. Khi đó một tô phở giá 3 đồng.
Trịnh Thanh Thủy: Quan niệm sống của chú với âm nhạc thế nào?Trong gia đình chú có ai học nhạc không? Chú có cho phép hay khuyến khích con cháu mình học và hành nghề ca nhạc sĩ không?
Tuấn Khanh: Tôi sống và làm việc trong ngành này lâu nên tôi hiểu, phải có năng khiếu mới làm nhạc hay sáng tác hay. Con cái tôi thì có năng khiếu nhưng tùy thuộc vào độ nhiều hay ít. Tuy nhiên theo tôi phải thật nhiều mới nổi trội. Ngoài ra còn phải thật thích và có đam mê theo đuổi nữa, nên các con cháu tôi không ai đi ngành này cả.
Trịnh Thanh Thủy: Trong một bài hồi ký của ca sĩ Quỳnh Dao, bà có nhắc đến giai đoạn “Chu Mạnh Trinh”, tức thời gian chú sáng tác nhiều ca khúc rất hay khi chú cư ngụ tại ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh như: “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Một Chiều Đông”, “Mộng Đêm Xuân”, “Đồi Sim”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”, và bài “Ngày Nào Con Trở Về”. Có phải đó là thời sáng tác hưng thịnh nhất của chú không? Chú có thể cho biết lý do tại sao? Điều gì đã thúc đẩy? và hình bóng người thiếu nữ dịu dàng, e thẹn, chờ đợi người con trai trở về có phải thật hay chỉ là hư cấu.
Tuấn Khanh: Giai đoạn ấy à? Điều gì thúc đẩy? Thực ra khi tôi sáng tác toàn là có tâm sự mới sáng tác. Dĩ nhiên là quen người này, người kia rồi nảy sinh tình yêu, cảm xúc thật, mới viết được. Hình bóng các thiếu nữ phảng phất đâu đó đều là người thật, việc thật, không có hư cấu. Có lần cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên Paris By Night hỏi “Thế, tức 10 bài hát là 10 cô, 20 bài , 20 cô ?”. Thật ra với 1 cô, tôi có thể viết mấy bài rồi. Tôi để ý, hễ bài nào tôi viết cho người khác hay lấy tâm sự của người khác mà viết, gọi nôm na là “thương vay, khóc mướn” thì những bài ấy chẳng có bài nào để đời cả. Hoặc có thể nói là “có lửa mới có khói”.
Trịnh Thanh Thủy: Chú có thể kể lại một vài kỷ niệm vui buồn về đời sống quây quần chung quanh các bạn bè văn nghệ ở ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh ngày ấy như Phạm Duy, Anh Ngọc, Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Hoàng Anh Tuấn v..v..
Tuấn Khanh: Ngày còn ở ngõ hẻm Chu Mạnh Trinh, tôi thân nhất là gia đình Phạm Duy. Phạm Duy hay đi lưu diễn nên hay nhờ tôi trông nom dùm ban Hoa Xuân. Tôi còn soạn bài thâu thanh hay gọi ca sĩ hoặc giúp đỡ nhiều thứ cho Vũ Thành, Võ Đức Thu(ở gần đấy) ..v..v.. khi họ cần đến. Chuyện vui thì ngày ấy các con Phạm Duy nghịch phá nhất xóm. Ngày Tết cúng Giao Thừa mà để ngoài sân cúng, đóng cửa đi vào, đợi hết nhang ra thì con gà, trái dưa hấu, biến mất. Mùng hai Tết qua mừng tuổi Phạm Duy, tôi bảo “Năm nay xui quá anh ơi, giỗ Giao Thừa, tụi con nít vào bê mất con gà, quả dưa hấu” . Ông bảo “Em ơi, em đừng có chửi, có khi thủ phạm là con anh”. Tôi cũng buồn cười quá, chắc ông cũng biết rõ con ông nghịch phá như thế nào.
Trịnh Thanh Thủy: Chú biết nấu phở khi nào?
Tuấn Khanh: Năm 1983, tôi vượt biên qua đến Hoa Kỳ thì trắng tay. Tôi liền ngẫm nghĩ cách mưu sinh giúp gia đình. Tôi bắt đầu nghiên cứu cách nấu phở bằng cách cố nhớ lại ngày còn bé được ăn phở thế nào, rồi bắt đầu thực tập. Một hôm tôi mời Duy Quang và bạn bè tới ăn phở tôi nấu. Ai cũng nức nở khen ngon. Trong đám bạn có một bà chủ tiệm phở ở Bolsa đến ăn phở và hỏi tôi có muốn đến giúp tiệm phở của bà không, bà trả 2500 đô một tháng. Số tiền này ngày đó lớn lắm, tôi mừng quá, tính chuẩn bị đi làm cho bà ấy. Tuy nhiên ông mục sư của Hội Thánh Tin Lành tôi quen khuyên, không nên làm vì nếu làm cho họ sau khi họ học hết nghề, sau 1 tháng họ sẽ cho nghỉ việc. Thế là tôi không đi làm cho bà nữa. Tôi lại nghiên cứu thêm một thời gian dài, nhưng chưa mở tiệm được vì chưa đủ tiền mà các con còn nhỏ. Tôi tiếp tục mở tiệm tại gia và mời bạn bè đến ăn. Phải kéo dài tới 14 năm mới ra mở được khi con cái đủ lớn và chúng có thể đảm đương việc mở tiệm.
Trịnh Thanh Thủy: Cảm ơn chú và chúc chú an bình cùng những sáng tác ngày càng sung mãn hơn.
Trịnh Thanh Thủy