Quận Cam đã từ lâu được xem là thủ phủ của người Việt tại hải ngoại, đi đến đâu cũng có thể nói được tiếng Việt, thế nhưng để lưu truyền
được ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ mai sau trong cộng đồng có dễ dàng hơn những nơi khác?
Người ta cứ nghĩ đơn giản là gửi con đến trường Việt Ngữ sẽ giúp cho trẻ biết tiếng Việt thành thục bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Để tìm
hiểu rõ hơn, chúng tôi đã đến thăm trường Việt Ngữ Tin Lành Midway City ở đường Washington Avenue vào một sáng thứ Bảy, ngày 19 tháng
11, 2016 để xem các em học tập như thế nào.
Cô Phượng Thúy đang giúp cho các học sinh lớp một ôn lại bài học sáng thứ Bảy, ngày 19 tháng 11, 2016 tại trường Việt Ngữ Tin Lành
Midway. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)
Tại trường Việt Ngữ Tin Lành Midway City hiện có 85 em học sinh và chín lớp học, được chia theo độ tuổi và khả năng của các em. Từ đó các
giáo viên có giáo án khác nhau để giảng dạy cho phù hợp. Ví dụ như các em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo sẽ được các cô cho học tiếng Việt bằng
cách vẽ, tô màu, hát, kể chuyện. Các lớp lớn hơn thì ngoài học chữ, còn có giải nghĩa, đại ý, đặc biệt cô giáo sẽ lồng vào bài giảng những ví dụ
đời thường gần gũi để các em dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Đặc biệt tại đây còn có lớp song ngữ dành cho những người thuộc sắc dân khác muốn
ghi danh cho con em mình theo học tiếng Việt. Các em đi học đều có học, ôn và thi đua. Tuy vậy đến kỳ trao thưởng tất cả đều có quà để
khuyến khích các em cố gắng học.
Lẽ ra các em được vui chơi nghỉ ngơi sau cả tuần phải đi học, sáng thứ Bảy các em lại phải đến lớp học tiếng Việt, nên không phải em nào
cũng vui vẻ học hành.
Cô Trâm Anh đang ôn lại ý nghĩa các câu ca dao, tục ngữ Việt Nam cho các em học sinh lớp bốn. Trong lớp chừng mười em học sinh, có em
nhanh, em chậm nhưng các em đều ngoan ngoãn và cố gắng học. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)
Cô Hương, Trưởng Ban Trường Việt Ngữ đã được 10 năm, cho biết, “Mình thấy các em nó bị bắt buộc học nên mình rất là thương nó, mình
cũng ráng tìm đủ mọi cách để các em thích học. Có những gia đình phụ huynh li dị nhau, nên các em đến đây mình thấy nó có nét buồn bã,
mình cảm xúc được, cố tạo điều kiện cho các em vui vẻ trong cuộc sống. Thường mình hay nhắc các con học tiếng Việt mai sau giúp đời, giúp
người khác, đồng bào Việt Nam mình tại đây. Mình đưa ra cho nó cái mục tiêu, cái lý tưởng để nó tiếp tục đi học. Một mặt mình cũng giúp cho
phụ huynh có hai tiếng đồng hồ để phụ huynh thư giãn (cười), thành thử với tấm lòng của các anh chị em ở đây giúp được các em thì giúp, có
tình thương mới làm được, không có tình thương khó làm lắm.”
Thêm nữa, tiếng Việt không phải là ngôn ngữ dễ học, có người đã nói vui rằng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt.” Ngoài ngữ
pháp rắc rối, tiếng Việt còn có các thanh điệu phức tạp bắt buộc người nói, đọc thành tiếng hoặc viết phải bỏ dấu cho đúng thì câu cú mới có ý
nghĩa và người nghe, người đọc mới hiểu được.
Cô Trâm Anh dạy lớp bốn nói, “Theo như dạy dỗ bên Mỹ các em phải theo trình độ ngang nhau, nhưng về Việt Ngữ thì không ngang nhau, rất là
khó. Nên mình dạy trong lớp mình phải uyển chuyển, biết em đó không giỏi nhưng mà thấy chuyên cần, có sự giúp đỡ của phụ huynh thì mình
cố gắng dạy. Nhưng nếu quá tệ thì phải gởi xuống lớp vừa với khả năng của em. Trong lớp có hai em, nhưng mà chị hỏi trực tiếp có muốn học
lớp cô không thì hai em trả lời rất muốn học, thì chị nghĩ tâm lý quan trọng. Ví dụ như thích cô giáo đó thì em đó mới đi học được, nếu xuống
một lớp khác các em không thích lắm thì có thể bỏ luôn, nên thôi mình ráng cực một chút.”
Cô Trâm Anh cũng cho biết tình trạng thực tế của lớp, “Chỉ có khoảng 60% là mình đọc, mấy em hiểu viết xuống được, nên mình nghe lớp bốn
nhưng không có đúng theo với khả năng lớp bốn đâu. Phần đông em có thể nói giỏi nhưng các em viết không giỏi. Nên chị nghĩ đây là điểm chị
cần giúp cho các em về phần viết chính tả. Chị nghĩ phải có thêm sự giúp đỡ của gia đình nữa, vì chị một tuần chỉ có hai tiếng, mà các em chịu
học lắm thì 45 phút là cao nhất, không thể lâu hơn được, khi mà học một ngôn ngữ mà ngồi quá lâu các em sẽ bị mệt.”
Giờ hát trong lớp dạy Việt ngữ
Giữa giờ học các em được ra chơi, tập hát những bài hát tiếng Việt tình cảm gia đình như bài “Mến yêu mẹ cha, yêu trên đầu tôi / Mến yêu mẹ
cha, trong quả tim này.” Trong hình là giờ tập hát tại trường Việt Ngữ Tin Lành Midway City ở đường Washington Avenue, thành phố Midway
City giữa tháng 11, 2016. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)
Để khuyến khích phụ huynh tham gia giúp đỡ con em mình, cô Trâm Anh chia sẻ, “Bài tập về nhà chị chấm điểm luôn luôn ghi cái câu là Cám ơn
phụ huynh đã giúp đỡ con em. Nếu phụ huynh nào chưa từng giúp thì đọc được chữ của chị thì họ sẽ cảm thấy nên giúp cho con em, còn phụ
huynh nào đã giúp rồi khi thấy thì có thêm động lực để tiếp tục giúp. Cái đó là chị kinh nghiệm từ chính bản thân con chị mà chị mới nghĩ ra, chị
giúp cho những phụ huynh khác.”
Cô Phượng Thúy dạy gần Việt Ngữ được gần 20 năm, hiện đang dạy lớp 1 tại trường Việt Ngữ Tin Lành Midway, cho biết, “Thuận lợi là trẻ nhỏ
nó còn hăng hái học hơn, đỡ có làm biếng hơn. Cái không thuận lợi là tụi nó còn nhỏ, có những đứa nhỏ nó viết chậm quá, không theo kịp bài
học, thành ra ở nhà cha mẹ có thể có thì giờ giúp đỡ nó trước như giúp nó làm bài tập về nhà hoặc nhắc nhở nó, vào lớp nó theo kịp, dễ cho
cô giáo hơn, chỉ vậy thôi. Lớp cô có một em nhỏ nhất sáu tuổi, lớp nhỏ ngoan nhưng mà tụi nó lúc lắc dữ lắm (cười). Cô phải bắt nó làm việc
liên tục, không cho nghỉ, nó lo ra.”
Cô Thúy nói thêm, “Mình muốn giúp cho lớp nhỏ, giống như con mình nó đi qua rồi, biết được bao nhiêu thì biết, càng nhiều càng tốt, với lại
mình có thì giờ rảnh thì mình giúp, nhiều khi cũng mệt mỏi quá, năm ngoái tôi cũng xin nghỉ tôi đi du lịch vòng quanh thế giới một năm rồi năm
nay tôi mới quay lại.”
Cô Nguyễn Kim, giáo viên Việt Ngữ, kể việc dạy học của cô, “Cô bắt đầu nghỉ hữu cô muốn kiếm việc gì làm cho có ý nghĩa chút xíu. Tại vì
trước kia mình lo con còn nhỏ, đi kiếm tiền lo cơm áo gia đình. Nên giờ giúp cho các em. Đôi khi rất là bực mình, vì có những em hình như phụ
huynh không có để ý đến sự học của các em. Mình rất là buồn, nhưng mà thôi thì mình cứ nghĩ ai cũng phải lo kinh tế gia đình, mình cũng thông
cảm, nhưng vẫn mong là phụ huynh để ý đến các em một chút. Nên nhớ các em 4 tiếng, 6 tiếng, 8 tiếng nói tiếng Anh ở trường rồi, đừng bao
giờ sợ nó quên tiếng Anh. Mình phải sợ nó quên tiếng Việt.”
Công việc dạy học không phải là công việc dễ dàng, dạy tiếng Việt tuy là tiếng mẹ đẻ mà nhiều người vốn rất rành rẽ, nhưng xem ra cũng rất
khó, nó đòi hỏi cô giáo phải hết sức kiên nhẫn và linh hoạt.
Cô Kim kể tiếp, “Cô nói hoài tụi nó không nghe, cô xoay qua bắt tụi nó hát. Hát những cái chữ trong bài, như hôm nay học vần eo, hát meo meo
rửa mặt như mèo. Chứ dạy không thì khô khan. Gặp đứa cá biệt rất là khó, nó bắt mình nói tiếng Anh với nó, thấy đỡ hơn chút thì mình nói
tiếng Việt với nó, tùy theo lúc, mình phải uyển chuyển. Nhiều khi mình chiều nó quá, mình nói nó không nghe, mình cứng quá cũng không được.”
Cô Hương, cô Kim, cô Thúy hay cô Trâm Anh cũng như các cô thầy khác đều là các giáo viên thiện nguyện của trường Việt Ngữ, luôn xem các
em học trò như con cháu trong nhà, luôn muốn đem tình thương day dỗ cho các em, không chỉ dạy chữ mà dạy cho các em những bài học đạo
đức với mong ước những bài học hôm nay có thể giúp các em lớn lên sống có ích cho đời.
Nhưng bên cạnh sự cố gắng của các cô thầy, luôn cần có sự giúp đỡ từ phía gia đình, bởi hai tiếng đồng hồ các cô thầy có với các em vào mỗi
sáng thứ Bảy sẽ chẳng thấm vào đâu nếu ở nhà các em không có môi trường để ôn luyện tiếng Việt. Ban đầu chẳng có con đường nào tồn tại
trên đất, chẳng qua do con người đi riết thành lối mòn, sau đó thành con đường. Ngôn ngữ cũng vậy, ban đầu có thể khó, nhưng nếu có sự
luyện tập thường xuyên, học đi đôi với hành, thì các em mới thông thạo được.
Thủy Ngân/ Viễn Đông