Thính giả Phước Thơ hỏi:
Chúng tôi thường nghe nói, những người có khuynh hướng/có lối sống đồng tính luyến ái là do bẩm sinh, nên họ không thể lựa chọn
kiểu sống nào khác theo ý muốn.
Xin Bác sĩ làm ơn tìm hiểu và giải đáp giùm.
Xin cảm ơn Bác sĩ.
Phước Thơ
Hoa Kỳ
Tải để nghe bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
http://av.voanews.com/cl...902dfa2fa33_original.mp3Quan điểm của y khoa về đồng tính luyến ái
Chúng ta cần phân biệt khuynh hướng (hay chiều hướng, sexual orientation) đồng tính luyến ái và lối sống đồng tính. Một bên là chiều
hướng thích, yêu, ham muốn nhục dục (emotional, romantic, sexual attraction) người cùng phái nam hay nữ và không có cảm giác
được/bị người khác phái thu hút về tình cảm hay tính dục. Bên kia là lối sống đồng tính luyến ái, bao gồm việc thực hành quan hệ tính
dục (sexual activities) hay cả quan hệ vợ chồng giữa người cùng phái, cùng giới tính, cũng như ý thức về "căn cước", bản sắc
(identity) căn cứ trên chiều hướng đồng tính của mình, cảm thấy mình thuộc vào một cộng đồng của những người giống như mình.
Người có khuynh hướng đồng tính không bắt buộc phải sống theo giới đồng tính, mặc dù việc này có thể làm cho họ day dứt, dằn vặt.
Nếp sống là một lựa chọn cá nhân, tùy thuộc vào hoàn cảnh văn hoá, luật pháp của xã hội, gia đình. Ngược lại một số người sinh hoạt
đồng tính (ví dụ nghề nghiệp) nhưng chưa chắc họ có khuynh hướng đồng tính thật sự. Cũng như một số thiếu niên tuổi dậy thì có sinh
hoạt đồng tính trong một giai đoạn nào đó, nhưng chưa chắc sau đó họ sẽ đồng tính dứt khoát.
Khuynh hướng thiên về quan hệ, tình yêu đồng tính lại khác, có nhiều yếu tố tạo thành.
Nhà thơ Việt Nam mà có người cho là đồng tính có lần viết "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?". Tình yêu đồng tính cũng vậy, khó cắt
nghĩa thuần tuý bằng những lý luận khoa học, nhất là đây là một "bãi mìn" về phương diện xã hội, tôn giáo, giáo dục và cả chính trị
nữa đối với bất cứ ai có ý định đưa ra một câu trả lời đơn giản và dứt khoát.
Theo y khoa luồng chính, đồng tính hay không, nghĩa là chiều hướng tính dục, đã được định hình lúc tuổi thơ, trước khi cơ thể thay đổi
theo thời dậy thì (puberty). Đến lúc 2 tuổi là đứa trẻ đã thiết lập "gender identity" ("căn cước về giới") của mình, và ý thức rằng mình
con trai (nam tính, masculinity) hay con gái (nữ tính, feminity) được củng cố lúc lên 5-6 tuổi. Người trưởng thành đồng tính thường mô
tả họ bắt đầu có các cảm giác đối với người cùng phái trong những năm cuối của tuổi vị thành niên, khi dậy thì, hay trễ lắm là bắt đầu
tuổi thanh niên (adolescence); nhiều năm sau họ mới bắt đầu có những hành vi đồng tính.
Hiện nay, các thuyết khoa học giải thích khuynh hướng đồng tính bằng 3 nhóm nguyên nhân, nhưng có thể xen lẫn với nhau:
1. Yếu tố di truyền (do di thể, genes) - Người đồng tính có thể có nhiều người khác trong gia tộc cũng đồng tính.
- Có những di thể, gọi là "gay genes", được phát hiện trên di thể X (X chromosome, vùng Xq28, năm 1993 do Dean Hamer, National
Cancer Institute), tuy cho đến bây giờ vẫn chưa được xác nhận trong những nghiên cứu muốn lập lại (duplicate) kết quả đó. Theo đó,
thì người cha truyền lại các "gay genes" cho con gái mình (con gái XX= có một sex chromosome X từ cha, một X từ mẹ) và người mẹ
truyền "gay gene" cho con trai mình (con trai XY= chỉ có một chromosome X đi với sex chromosome Y).
- Tuy nhiên, vấn đề là đối với những cặp sinh đôi cùng hợp tử (identical, monozygotic twins) có gene hoàn toàn giống nhau, nếu người
này đồng tính, thì người kia chỉ đồng tính trong 30-50% trường hợp. Người ta giải thích hiện tượng này bằng hiện tượng “trên-di-
truyền” (epigenetics). Có nghĩa là cùng một biến đổi (đột biến, mutation) trong gene nào đó làm cho cá nhân đó trở thành đồng tính,
nhưng có những yếu tố khác trong môi trường của nhiễm thể làm vô hiệu hóa cái gene bất bình thường đó, làm cho yếu tố di truyền đó
không thể hiện được. Giống như môi trường tạo nên một cái nút bật tắt (on-off switch) làm cho cái gene có biểu hiện hay không, và sự
thay đổi đó có thể di truyền, đi từ đời cha mẹ qua đời con. Thuyết epigenetic này, cùng với các thuyết về môi trường khác, giải thích
tại sao, cùng một genome giống nhau mà 2 người sinh đôi lại có thể có kết quả khác nhau, người thì thích khác phái, người thì đồng
tính luyến ái, hoặc thế hệ cha mẹ không đồng tính nhưng thế hệ con cái lại khác.
2. Nội tiết (endocrine, hormonal), nghĩa là do tác dụng của các hormones lúc còn trong bụng mẹ. Nói chung, một số khảo cứu gợi ý rằng, thai nhi, trong một giai đoạn nào đó, có thể bị tác dụng của hormone phái nam testosterone
quá cao hay quá thấp so với trung bình (thường thì thai nhi nam sống trong môi trường nhiều testosterone hơn thai nhi nữ). Từ 14-18
tuần tuổi, dịch hoàn, buồng trứng và tuyến thượng thận (adrenal glands) tí teo của thai nhi đã sản xuất một lượng nhỏ hormone tính
dục (sex hormone) vào máu của nó. Thai nhi nam có quá ít tác dụng của testosterone sau này sẽ có khuynh hướng đồng tính, ít bị thu
hút bởi phụ nữ, và hướng về đàn ông con trai hơn. Thai nhi nữ gặp tác dụng testosterone quá nhiều trong bụng mẹ sau này sẽ bị phụ
nữ thu hút nhiều hơn (lesbian). Xin nhớ là tác dụng nội tiết này trên chiều hướng tính dục chỉ xảy ra trong giai đoạn thai nhi đang phát
triển, cơ cấu não bộ đang trong thời kỳ tổ chức trong bụng mẹ, lúc mà các hormone có thể ảnh hưởng trên cơ cấu, tổ chức của não
bộ đứa bé. Bộ óc người đồng tính có thể khác (ví dụ sự liên kết giữa corpus callosum và amygdala khác nhau tuỳ theo chiều hướng
giới tính). Ngược lại, sau khi đã trưởng thành, đàn ông dù bị thiến (mất nơi sản xuất testosterone), hay sau khi dùng thuốc estrogen
(hormone nữ), họ vẫn không vì thế mà chuyển từ thích đàn bà (heterosexual) qua thích đàn ông (gay). Cũng vậy, phụ nữ bình thường,
dù dùng testosterone thêm vẫn không vì thế mà đổi thành gay/lesbian.
Một điểm khá thú vị là trong bàn tay của chúng ta có thể nhìn thấy biểu hiện của tác dụng này trong thời bụng mẹ, gọi là "chỉ số ngón
tay" hay digit index (John Manning, University of Liverpool). Nói chung ở nam giới ngón tay thứ tư (đeo nhẫn cưới, ring finger) đo từ
nếp xếp đến đầu ngón tay, dài hơn ngón tay trỏ một chút. Ở phái nữ, hai ngón này bằng nhau, hoặc ngón trỏ dài hơn một chút. Nam
giới có ngón tay nhẫn ngắn có thể hành vi giống phụ nữ hơn (như đa cảm, thích đàn ông); nữ giới có ngón tay nhẫn dài hơn có thể
thích năng động hơn (hyperactivity), dễ mắc chứng tự kỷ hơn, và dễ có khuynh hướng lesbian hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhận
xét chung chung, có những khảo cứu lại thấy người nam đồng tính có ngón nhẫn dài hơn, và có khảo cứu khác thì ngược lại, ngón
nhẫn họ ngắn hơn (male pattern of digit index). Thật ra ngón tay dài ngắn còn tuỳ theo giống dân, sắc tộc.
Cũng liên hệ đến thời gian thai nhi trong bụng mẹ, người ta cũng nhận xét con trai có nhiều anh trai sanh trước mình dễ đồng tính hơn
người trung bình. Người ta giải thích rằng, sau nhiều lần có thai con trai, hệ miễn nhiễm cơ thể người mẹ sản xuất nhiều kháng thể
(antibodies) chống các kháng nguyên (H-Y antigen) liên hệ đến nhiễm thể Y của nam giới. Do đó, con trai út hay gần út sinh ra thường
nhỏ con hơn và có chiều hướng đồng tính hơn.
3. Môi trường Ví dụ môi trường xã hội như trường học, bạn bè "thoáng" hơn, dẽ chấp nhận hơn tình cảm hay lối sống đồng tính.
4. Tâm lý Ví dụ lớn lên trong gia đình mà phụ nữ đóng vai trò nòng cốt, hay uy quyền, vắng bóng người cha, hay người đàn ông nhiều nam tính.
Y khoa luồng chính Mỹ không khuyến khích những biện pháp tâm lý để thay đổi khuynh hướng tính dục như đồng tính luyến ái, mặc dù
trước đây đồng tính được xếp vào các loại bệnh và hiện nay lối sống còn bị xem như đi ngược với một số luật tôn giáo. Từ năm
1973, sách DSM (Diagnostic and Statistical Manual) của các bác sĩ tâm thần Mỹ không còn xếp đồng tính luyến ái như là một căn
bệnh nữa. Hiện nay, trong danh sách Phân Loại Bệnh (International Classification of Diseases/ ICD) 10 của Tổ chức Y tế Quốc tế
(WHO), homosexuality ("đồng tính luyến ái") không còn được xếp là một bệnh nữa, tuy nhiên những hành vi nguy hiểm cho sức khoẻ
(“Z72.52 high risk homosexual behavior”; như sex qua hậu môn mà không mang condom, làm tình với nhiều người [promiscuity]), hay
những vấn đề đi kèm (vd bệnh trầm cảm/ depression), vẫn được phân loại như là những rối loạn bệnh lý.
Theo AAP (Hàn lâm viện Nhi khoa Hoa kỳ): “Không có bằng chứng khoa học cho thấy là cách cha mẹ nuôi con bất bình thường, lạm
dụng tình dục, hoặc một biến cố gây hại nào đó trong đời ảnh hưởng đến chiều hướng giới tính. Kiến thức hiện nay gợi ý cho rằng
chiều hướng tính dục được thiết lập trong những năm đầu thời thơ ấu.”
(There is no scientific evidence that abnormal parenting, sexual abuse, or other adverse life events influence sexual orientation.
Current knowledge suggests that sexual orientation is usually established during early childhood.)
Các hội bác sĩ tâm thần, tâm lý gia và các nhà hoạt động xã hội Mỹ thì nói như sau:
"Hiện nay, không có đồng thuận của giới khoa học về những yếu tố đặc thù làm cho một cá nhân nào đó trở nên dị tính luyến ái, đồng
tính, hoặc lưỡng tính luyến ái- kể cả ảnh hưởng sinh học, tâm lý, hay xã hội của chiều hướng giới tính của cha mẹ người đó. Tuy
nhiên, những bằng chứng hiện có cho thấy đại đa số các phụ nữ lesbian hay những người đồng tính đã trưởng thành đều đã từng
được phụ huynh “dị tính” (heterosexual, không đồng tính) nuôi dưỡng; và đại đa số các trẻ em được cha mẹ đồng tính nuôi dưỡng đều
trở thành “dị tính” lúc lớn lên. (Currently, there is no scientific consensus about the specific factors that cause an individual to become
heterosexual, homosexual, or bisexual—including possible biological, psychological, or social effects of the parents' sexual orientation.
However, the available evidence indicates that the vast majority of lesbian and gay adults were raised by heterosexual parents and
the vast majority of children raised by lesbian and gay parents eventually grow up to be heterosexual).
Mặt khác, người có chiều hướng đồng tính sống như thế nào, hành vi về tính dục ra sao, có những hoạt động mà y khoa xem là nguy
hiểm cho sức khoẻ hay không, thì đó là khía cạnh về hành vi, về thực hành, tuỳ thuộc vào ý chí và khả năng lựa chọn và quyết định
của mình cho thích hợp với hoàn cảnh.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.