Thính giả Hoàng Mai Hùng, ở Việt Nam, hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Cho cháu hỏi con cháu, 17 tháng, có lên một hạch bên bắp tay trái.
Cháu cho con cháu đi khám Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ kết luận bị u nang huyết mạch trên cánh tay trái.
Bác sĩ cho cháu hỏi uống thuốc sau này có hết không. Và để lâu có ảnh hưởng tới sức khỏe của bé không ạ.”
Tải để nghe bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
http://av.voanews.com/cl...15a8b64d89c_original.mp3Bướu mạch máu của trẻ sơ sinh (infantile hemangioma)Bướu mạch máu (hemangioma) do những tế bào lót các mạch máu mọc quá nhiều tạo thành một cái u/bướu. Thường lúc mới sinh thì chưa thấy gì, trong mấy tuần đầu thì xuất hiện một vết đỏ hoặc tím, là chúng ta tưởng lầm là vết trầy trụa lúc sinh hoặc vết bầm. Sau đó vết bẩm sinh này lớn dần và được bác sĩ định bệnh là bướu mạch máu.Trong năm đầu bướu máu tiếp tục tăng trưởng làm cha mẹ lo lắng, nhất là nếu bướu mạch máu mọc ở mặt, nhất là gần mắt, ảnh hưởng đến thị giác, ở cổ hoặc vùng bộ phận sinh dục dễ bị lở lói, nhiễm trùng hoặc chảy máu. Tuy nhiên thường qua khỏi 6 tháng đầu tiên, chậm lắm là sau 12 tháng tuổi, bướu mạch máu ngưng tăng trưởng trong một thời gian, rồi từ từ biến mất, có lúc khoảng 3 tuổi, có lúc chậm hơn (chừng 10%) đến 8-9 tuổi mới teo lại. Đa số bướu máu biến đi lúc bệnh nhân được 10 tuổi. Bướu có thể biến mất không dấu vết, cũng có khi để lại một cái thẹo mỡ mềm. Trường hợp bàn bướu máu phát triển trên nướu răng, làm chảy máu, nhất là lúc nhai, va chạm vào bướu. Bướu mạch máu cũng làm cho răng gần đó dễ bị hư, vệ sinh kém, đau răng.
Bướu mạch máu ngoài da cần được phân biệt với một loại vết bẩm sinh khác gọi là biến dạng mạch máu (vascular malformation), nghĩa là những mạch máu biến dạng nằm trong da (chứ không phải là u bướu như bướu máu), màu đỏ sẩm, càng lớn tuổi thì càng đậm đen hơn (ví dụ như vết chàm đỏ trên mặt ông Gorbachev gọi là port wine stain; các vascular malformations này tồn tại suốt đời và tự nó không biến mất trừ ra dùng phẫu thuật hoặc laser) .
Trong những tháng đầu, theo dõi bướu mạch máu sẽ thấy to dần. Đây là một hiện tượng bình thường cho đến 6 tháng-1 năm trở đi, bướu sẽ từ từ nhỏ lại mà không cần chữa trị gì cả. Nhất là nếu giải phẫu, coi chừng chảy máu và nhất là nếu không có lý do chính đáng.
Trường hợp chảy máu, lấy băng gạt đè lên trên 10 phút để cầm máu. Nếu lở loét, có thể dùng kem, pommade trụ sinh săn sóc và băng lại.
Trường hợp bướu máu lớn quá nhanh, đè lên các bộ phận khác như mắt, tai, miệng, khí quản, người ta có thể dùng chất corticoid uống, hoặc uống propranolol (thuốc thường dùng trị bệnh áp huyết cao; cần bác sĩ có kinh nghiệm trong lãnh vực này), hoặc chích chất gây xơ vào bướu mạch máu cho nó teo lại (intralesional injection of fibrosing agents).
Propranolol Thuốc hiệu nghiệm nhất lúc dùng trước 6 tháng tuổi, lúc u mao quản đang kỳ tăng trưởng nhanh (growth phase). Propranolol làm tế bào trong lòng mạch máu tăng trưởng chậm lại và mạch máu teo lạ (ức chế yếu tố tăng trưởng nội bì mạch và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi [vascular endothelial growth factor and basic fibroblast growth factor] làm bướu teo lại có thể quan sát được sau 24-47 tiếng. Liều thuốc uống tính theo cân nặng chia làm 2-3 lần/ngày. Tăng liều thuốc dần lên; dùng thuốc 6-12 tháng, bé càng lên cân thì phải tính lại liều theo cân nặng mỗi tháng. Trước khi ngưng thuốc cần giảm liều từ từ trong 1-2 tuần, xuống còn một nửa (các số này chỉ để thông tin, bệnh nhân cần được bác sĩ quyết định trị liệu và hướng dẫn). Không được dùng cho trẻ dị ứng với thuốc, dưới 5 tháng tuổi (tính từ ngày thai kỳ đủ 40 tuần cho trẻ sinh thiếu tháng), bệnh suyễn, tim đập quá chậm, áp huyết quá thấp hay quá cao. Cho uống thuốc sau khi bé bú hoặc sau khi ăn, để giảm thiểu cơ nguy đường máu xuống quá thấp; nếu cháu ói mửa không ăn, bú được cần ngưng thuốc.
Phản ứng phụ: khò khè (wheezing); huyết áp thấp; đường máu xuống thấp; tim đập chậm, bứt rứt, ngủ không yên giấc, tay chân lạnh, bón. Xin nhắc lại và nói rõ, bác sĩ chỉ dùng thuốc trong những trường hợp u bướu máu có thể gây biến chứng như khó thở, đè lên mắt, mọc trong ống tai làm giảm thính giác, trong miệng làm trở ngại ăn uống.
Thuốc ở Mỹ, tên thương mại Hemangeol (propranolol 2,48 mg/ml), chai 120 ml; đắt tiền, giá chính thức chừng 500 đôla Mỹ/chai.
Đại đa số các bướu máu của trẻ sơ sinh không cần chữa, như nói ở trên. Trong một số trường hợp hiếm vì lở loét không lành, chảy máu, hoặc muốn đứa trẻ bớt khổ sở lúc tới tuổi đi học mà bướu lớn làm biến dạng ngoại hình của nó bs có thể quyết định can thiệp bằng giải phẫu (giải phẫu có thể gây biến dạng [disfigurement] khó được chấp nhận), hoặc tia laser sau khi cân nhắc lợi hại của các thủ thuật này so sánh với phương pháp để tự nó teo lại tự nhiên.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền