VIỆT NAM - Theo một tài liệu nghiên cứu, trên 70% của một trăm gia đình giàu nhất Việt Nam “phất” lên nhờ kinh doanh nhà đất. Khoảng 30% số nhà giàu còn lại nhờ kinh doanh trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng; khai thác khoáng sản, chế biến hải sản; dịch vụ. Tài liệu nghiên cứu này của một tác giả, được báo VNEconomy trích dẫn, liệt kê danh sách một trăm gia đình giàu nhất Việt Nam cho thấy, tác giả trở thành bạn bè của họ qua hoạt động tài trợ các cuộc thi của báo Tiền Phong. Sự thân cận, gắn bó nêu trên đã giúp tác giả ghi lại khá xác thực nguyên nhân giúp họ trở thành một trong một trăm người giàu nhất ở Việt Nam hiện nay.
Tài liệu này nói rằng khoảng 70% người giàu nhất Việt Nam nhờ bất động sản, trong đó có ít nhất 33% - tức gần một nửa số họ, phất lên nhờ địa ốc thuần túy, chứ không bằng nguồn kinh doanh nào khác. Khoảng 30% của 100 gia đình giàu nhất Việt Nam còn lại nhờ kinh doanh trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng; khai thác khoáng sản, chế biến thủy hải sản; dịch vụ; và cuối cùng là những người kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông. Tác giả tài liệu nghiên cứu trên cho rằng, lĩnh vực làm giàu của người Việt Nam trái ngược giới “siêu giàu” thế giới. Tác giả căn cứ vào tài liệu thống kê của Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới tại Thụy Sĩ đầu năm 2012 cho biết, giới giàu trên thế giới “đi lên” nhờ kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông; kế đến là khai thác tài nguyên thiên nhiên; thương mại rồi đến lĩnh vực tài chính, đầu tư.
Theo tài liệu này, thế giới không có người “siêu giàu” nhờ kinh doanh địa ốc. Tác giả tài liệu nghiên cứu trên lập luận rằng, cách làm giàu bằng chất xám, bằng chính thành quả lao động trí óc của họ giúp giới “siêu giàu” trên thế giới sống bền vững. Trong khi đó, tài sản mà giới “siêu giàu” ở Việt Nam tậu được lại không bền. Tài liệu nghiên cứu nói rằng người Việt giàu nhanh, nhưng sa sút thê thảm cũng thật nhanh. Không ít người hôm qua còn là tỉ phú, nhưng hôm nay sớm bị phá sản, lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Nhiều người mắc bệnh tâm thần, nhập viện.. Có người tự tử vì không đủ tiền trả nợ vay ngân hàng. Trong những năm gần đây, thị trường nhà đất đóng băng đã ném không ít người trong số siêu giàu ở Việt Nam thành những kẻ khố rách áo ôm.
SBTN