Từ lâu Mỹ được xem là mảnh đất màu mỡ đầy những cơ hội đổi đời, đã thu hút rất nhiều người tìm đến sinh sống và làm ăn. Số người được thân nhân bảo lãnh sang Mỹ đông đảo và nhanh chóng nhất vẫn là những người phối ngẫu của công dân Mỹ hoặc thường trú nhân. Ở một số quốc gia nghèo, xu hướng lấy chồng ngoại kiều Mỹ rất được nhiều người hưởng ứng. Bởi ai cũng phải thừa nhận xứ Mỹ tự do có nhiều điều tốt đẹp hơn hẳn quê hương họ. Trong số những cuộc hôn nhân xuyên biên giới này, hạnh phúc cũng có nhưng đắng cay ê chề cũng có. Và những câu chuyện buồn đằng sau đó, mấy ai được nghe, như chuyện của cô gái từ Camdodia.
Jenny mới tròn ba mươi nhưng với hình dáng xồ xề bên ngoài cộng với nét mặt đượm buồn, trông cô như già đi cả chục tuổi. Jen có một bức hình luôn cất trong bóp, hình chụp cô lúc còn trẻ tươi tắn và thon thả, cô luôn khoe mỗi khi có dịp với vẻ mặt vui vẻ pha lẫn tiếc nuối vô hạn. Jen lấy chồng khi vừa tròn đôi mươi, tuổi thanh xuân rực rỡ nhất của một người con gái. Chồng Jen gấp đôi tuổi cô, ông ta quen Jen qua mai mối.
Trước khi đến Cambodia lấy Jen, ông ta cũng đã có một đời vợ với hai con. Jen đã sống với ông ta được 12 năm, một khoảng thời gian không quá dài nhưng nhiều nước mắt. Đó cũng là lý do khiến cho Jen trở nên già đi nhanh chóng. Chồng Jen không đánh đập hay hành hạ Jen, nhưng kể từ khi lấy chồng, Jen trở thành vợ kiêm luôn người hầu cho cả nhà.
Jen vừa phải đi làm bên ngoài, vừa nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp, chăm sóc con cái và phục vụ chồng lẫn mẹ chồng. Chồng Jen thấy hết sự vất vả của vợ bởi nhiều lần Jen ấm ức khóc lóc với ông ta, nhưng ông này chỉ an ủi qua loa rồi vẫn để mặc cho Jen tự xoay sở. Ông ta chỉ biết đi làm về là phải có cơm canh nóng hổi.
Mẹ chồng của Jen thì suốt ngày đay nghiến Jen và nhìn cô bằng nữa con mắt bởi bà ta cho rằng nhờ có con trai bà, Jen mới có thể được sang Mỹ sống cuộc sống sung sướng. Sung sướng đâu chẳng thấy chỉ thấy nước mắt chan cơm, những tháng ngày tủi nhục nơi xứ người. Có một lần khi được hỏi Jen sẽ chịu đựng chuyện này cho đến bao giờ? Cô lắc đầu nói không biết. Câu trả lời nghe mơ hồ lắm bởi giờ đây, trên vai Jen không chỉ có trách nhiệm với con cái, mà còn có trách nhiệm với ba mẹ ruột.
Số là chồng cô vừa đứng ra bảo trợ tài chính để đưa ba mẹ của Jen sang Mỹ định cư. Dù có chuyện gì đi nữa, Jen cũng phải cắn răng chịu đựng tới cùng bởi chẳng ai giúp đỡ hay bênh vực cho cô và chính Jen cũng không muốn gia đình xào xáo. Cái ơn hay cái nợ này trói buộc tuổi thanh xuân của Jen cho tới hết đời trong cuộc sống ngột ngạt.
Mưu cầu hạnh phúc là quyền của mỗi người. Jen có quyền mơ tới hạnh phúc lứa đôi trên xứ sở tự do, mọi cô gái đều xứng đáng được như vậy. Thế nhưng ai đó đã từng nói “nghèo cũng là một cái tội” Jen không được chọn lựa nơi mình được sinh ra, giờ đây cô đang phải trả giá cho giấc mơ Mỹ.
Không chỉ riêng cô mà rất nhiều người con gái như Jen đến từ Cam, Lào, Việt Nam hay những quốc gia nghèo đói khác. Tất cả họ đều không có ai đứng ra giúp đỡ hay biện minh lấy một câu. Nhưng nếu họ làm gì sai quấy với chồng, với gia đình chồng thì ngay lập tức, họ sẽ bị bêu rếu với những ngôn từ thậm tệ. Ta có thể dễ dàng được nghe những câu chuyện như vậy từ nhiều người sống ở Mỹ lâu năm. Nhưng về số phận hẩm hiu của những cô gái lấy chồng xa xứ thường ít ai nhắc tới, rất ít.
THỦY NGÂN