Phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) tay ba còn rất mới mẻ và gây tranh cãi
Một trẻ sơ sinh vừa ra đời nhờ thụ tinh nhân tạo cho một cặp vợ chồng người Ukraine theo kiểu mới được gọi là "thụ tinh nhân tạo (IVF) tay ba".
Tờ Thời báo (The Times) đưa tin các bác sĩ tại Kiev dùng phương pháp pronuclear transfer - trường hợp đầu tiên được thực hiện theo phương pháp này.
Tuy nhiên đây không phải là trường hợp sinh nở đầu tiên dùng ADN từ ba người.
Bé gái, sinh hôm 5 tháng Giêng, được cho là trường hợp "trẻ sơ sinh hiện đại có ba bố mẹ" thứ hai trên thế giới - một trẻ khác cũng có gen từ ba bố mẹ nhưng là kết quả của một phương pháp hơi khác đã ra đời tại Mexico hồi năm ngoái.
Nhóm bác sĩ tại Kiev, Ukraine, đã thụ tinh cho trứng của người mẹ bằng tinh trùng của người bố. Sau đó họ chuyển các gen tổng hợp này (hạt nhân của trứng được thụ tinh trước khi tinh trùng và hạt nhân trứng nhập làm một) đưa vào trứng được hiến từ một phụ nữ khác.
Đứa trẻ sẽ có gien giống hệt bố mẹ và kèm thêm một lượng rất nhỏ ADN của người phụ nữ thứ hai.
Phần rất nhỏCác bác sĩ phát triển phương pháp thụ tinh nhân tạo tay ba nhằm giúp những phụ nữ có nguy cơ truyền các bệnh rối loại gien nghiêm trọng sang cho con cái, gọi chung là mitochondrial disease, để có những đứa con khỏe mạnh.
Trứng từ người mẹ bị mitochondrial disease và trứng được hiến từ một phụ nữ không bị bệnh này được lấy ra.
Bệnh viện Nadiya tại Kiev dùng kỹ thuật này để điều trị cho một cặp vợ chồng vô sinh, chứ không phải là một cặp bị mitochondrial disease.
Các chuyên gia Anh nói đây vẫn còn ở giai đoạn "thử nghiệm cao".
Ông Valery Zukin, người điều hành thử nghiệm này, cho biết họ linh cảm sẽ đạt kết quả với trường hợp của cặp vợ chồng người Ukraine, vốn không thụ thai được qua biện pháp thụ tinh nhân tạo qua ống nghiệm thông thường.
Ông nói ông còn một bệnh nhân thứ hai - ở hoàn cảnh tương tự - đang hy vọng sẽ sinh con vào đầu tháng Ba.
Anh Quốc đã thông qua luật cho phép thụ tinh nhân tạo tay ba cho những cặp nào bị mitochondrial disease, mặc dù chưa có trường hợp nào sinh con bằng phương pháp này tại Anh.
Kỹ thuật này còn mới mẻ và gây tranh cãi, với các câu hỏi về đạo đức, như liệu đứa trẻ được ra đời bằng phương pháp này sẽ nghĩ như thế nào về chuyện mang gen từ ba người.
Giáo sư Adam Balen, chủ tịch Hội Sinh sản Anh, nói: "Pronuclear transfer (trao đổi nhân tế bào) còn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa được đánh giá hay được chứng minh đầy đủ về khoa học.
"Chúng ta phải rất thận trọng trong việc áp dụng cách tiếp cận này để cải thiện kết quả thụ tinh nhân tạo qua ống nghiệm."
Theo BBC