Dưới đây là những câu hỏi thường gặp và những câu trả lời về việc săn sóc sức khỏe răng miệng. Theo đúng những chỉ dẫn này có thể giúp các bạn ít phải đến "thăm" nha sĩ về những vấn đề của răng, một việc khá đau đớn, cả cho hàm răng lẫn cho túi tiền.
1. Chăm sóc tốt cho hàm răng có giúp ngăn ngừa bệnh tim?
Việc chăm sóc tốt hàm răng không phải là một cách đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa bệnh tim. Dường như có sự liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và bệnh tim, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về việc này và xác định.
Sức khỏe răng miệng kém đã được cho là một nguyên nhân gây ra bệnh tim trong nhiều năm. Trong năm 2012, các chuyên gia của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đã xem xét lại các bằng chứng khoa học sẵn có và kết luận rằng sức khỏe răng miệng kém không cho thấy là nguyên nhân gây ra bệnh tim - và việc điều trị các bệnh nướu cũng đã không được chứng minh là làm giảm nguy cơ bệnh tim.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự liên hệ giữa bệnh nướu răng (nha chu) và các bệnh nghiêm trọng, trong đó có bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy rằng bệnh nha chu có liên quan với việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, và những người bị bệnh viêm nướu mãn tính bị tăng độ dày của các mạch máu ở cổ. Ngoài ra còn có mối tương quan chặt chẽ giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, và bằng chứng cho thấy những người bị bệnh tiểu đường sẽ hưởng kết quả tốt khi được làm sạch răng chuyên nghiệp.
Mặc dù sức khỏe răng miệng không phải là một yếu tố chính để ngăn ngừa bệnh tim, việc quan trọng vẫn là nên chăm sóc răng và nướu như sau:
Đánh răng ít nhất hai lần một ngày.
Dùng chỉ nha khoa đúng cách hàng ngày.
Thay bàn chải đánh răng mỗi ba tháng - hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị cong.
Kiểm tra sức khỏe răng và làm sạch răng thường xuyên.
Nếu bạn muốn phòng ngừa bệnh tim, hãy hỏi bác sĩ về những cách đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ bệnh tim chẳng hạn như bỏ hút thuốc và duy trì một trọng lượng khỏe mạnh.
2.Bàn chải đánh răng điện có tốt hơn bàn chải đánh răng tay (manual)?
Bạn có thể đánh răng hiệu quả với một bàn chải đánh răng tay. Tuy nhiên, một bàn chải đánh răng điện tốt hơn một bàn chải đánh răng tay, nhất la khi bạn bị viêm khớp hoặc các bệnh khác làm cho việc đánh răng thành khó khăn. Chuyển động mạnh mẽ hơn của lớp lông bàn chải điện có thể giúp loại bỏ mảng bám nhiều hơn và làm cho nướu răng được tốt hơn.
Nếu chọn sử dụng bàn chải đánh răng điện, nên chọn loại bàn chải dễ cầm và dễ dùng. Nha sĩ khuyên chọn bàn chải có đầu xoay-dao động hoặc có đầu dùng sức đẩy ultrasonic để làm chuyển động lông bàn chải. Các yếu tố như có thể điều chỉnh mức mạnh nhẹ, theo giờ và pin có thể sạc lại, không quan trọng lắm. Theo đúng hướng dẫn của nhà chế tạo khi thay đầu bàn chải hầu bàn chải đánh răng tiếp tục làm việc có hiệu quả.
Dù chọn một bàn chải đánh răng điện hoặc bàn chải đánh răng tay, nên nhớ rằng điều quan trọng nhất là phải đánh răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày.
3.Nguyên nhân gây ra chứng răng nhạy cảm, và cách chữa?
Khi bạn bị chứng răng nhạy cảm, những hoạt động bình thường như đánh răng, dùng chỉ nha khoa, ăn và uống, có thể gây ra cơn đau nhói trong răng của bạn. Răng nhạy cảm thường do men răng bị mòn hoặc chân răng bị lộ ra. Đôi khi, tuy nhiên, đau răng có thể là do các yếu tố khác như sâu răng, răng nứt hay sứt mẻ, trám răng hay tác dụng phụ của một thủ thuật nha khoa như tẩy trắng răng.
Nếu bị chứng răng nhạy cảm, hãy đến gặp nha sĩ. Nha sĩ có thể xác định hoặc loại trừ những nguyên nhân gây đau răng của bạn. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, nha sĩ
có thể khuyên bạn nên:
-Dùng kem đánh răng ít gây nhạy cảm. Sau nhiều lần sử dụng, kem đánh răng này đôi khi có thể giúp giảm đau do răng nhạy cảm.
-Dùng Fluoride. Nha sĩ của bạn có thể xức fluoride vào nơi nhạy cảm của răng để tăng cường men răng và giảm đau. Nha sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng flouride ở nhà.
-Giảm độ nhạy cảm hoặc dùng chất gắn kết. Thỉnh thoảng, chân răng bị lộ có thể được điều trị bằng cách áp dụng nhựa kết dính vào chân răng nhạy cảm. Có thể phải gây tê tại chỗ.
-Giải phẫu ghép nướu. Nếu chân răng của bạn đã bị mất mô nướu chung quanh, một lượng nhỏ mô nướu có thể được lấy từ các nơi khác trong miệng của bạn và gắn vào chỗ bị hư. Điều này có thể bảo vệ chân răng bị lộ và làm giảm độ nhạy cảm.
-Lấy tủy răng. Nếu chiếc răng nhạy cảm gây đau dữ dội và phương pháp điều trị khác không có hiệu quả, nha sĩ của bạn có thể khuyên nên lấy tủy - một phương pháp dùng để điều trị các vấn đề trong tủy răng. Lấy tủy được coi là kỹ thuật hiệu nghiệm nhất để chữa chứng răng bị ê buốt.
Để ngăn ngừa răng nhạy cảm trở lại, nha sĩ có thể có những đề nghị giúp bạn duy trì sức khỏe răng miệng. Hai ngày một lần, chải răng bằng bàn chải lông mịn và kem đánh răng có fluoride. Dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Tránh chà răng quá mạnh, tránh dùng kem đánh răng có chất mài mòn, và đánh răng và dùng chỉ nha khoa quá thường xuyên. Nếu bạn nghiến răng, nên hỏi nha sĩ cách bảo vệ răng. Nghiến răng có thể làm gãy răng và gây ra sự nhạy cảm.
Bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống có tính acid, chẳng hạn như đồ uống có ga, trái cây họ chanh, rượu vang và sữa chua - tất cả đều có thể làm mất một lượng nhỏ men răng theo thời gian. Khi bạn uống các chất lỏng có tính acid, nên sử dụng ống hút để hạn chế việc chất acid tiếp xúc với răng. Sau khi ăn hoặc uống một chất có tính acid, uống sữa hoặc nước để cân bằng nồng độ acid trong miệng của bạn.
Nên tránh đánh răng ngay sau khi ăn hoặc uống các chất có tính acid, vì acid làm mềm men răng làm cho nó dễ bị xói mòn khi chải răng.
BS Nguyễn Thị Nhuận