Trẻ sơ sinh dùng núm vú cao su kiểm soát nhịp tim tốt hơn (Credit: ABC Licensed)Nghiên cứu của Australia cho thấy trẻ sơ sinh sử dụng núm vú cao su có thể được bảo vệ chống lại nguy cơ đột tử do ngưng thở đột ngột bởi công cụ bé nhỏ này giúp tăng cường kiểm soát nhịp tim.
Phó giáo sư Rosemary Horne từ Viện Nghiên cứu Y khoa Monash cho biết nhiều nghiên cứu bệnh dịch học cho thấy việc sử dụng núm vú cao su bảo vệ trẻ khỏi hội chứng đột tử sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome - SIDS). Tuy nhiên, tại sao núm vú cao su có tác động này hiện vẫn là một ẩn số. "Kể từ năm 2005, một số nghiên cứu đối chứng cho thấy núm vú cao su có tác dụng bảo vệ nhưng nó có tác động như thế nào khi núm vú cao su rơi khỏi miệng trẻ khoảng 15 phút sau khi chúng ngủ?” bà Horne đặt câu hỏi.
Trong nghiên cứu trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa tại Mỹ, bà Horne và đồng nghiệp cho rằng việc sử dụng núm vú cao su giúp cải thiện khả năng kiểm soát nhịp tim của trẻ sơ sinh.
Theo bà Horne, SIDS liên quan tới hiện tượng hệ tim mạch của trẻ không điều chỉnh phù hợp với những thay đổi về nhịp tim và huyết áp và trẻ không tự tỉnh dậy khi ngưng thở hoặc khi huyết áp giảm đột ngột. Như vậy, núm vú cao su hoặc tăng khả năng đánh thức trẻ hoặc cải thiện kiểm soát nhịp tim. “Nhận định cho rằng cho trẻ ngậm núm vú cao su khi ngủ tăng khả năng đánh thức là trái ngược với trực giác,” bà Horne nói. Mặc dù cũng tìm hiểu tác động của núm vú cao su với khả năng đánh thức trẻ, nghiên cứu mới nhất của bà Horne tập trung vào tác động của nó với huyết áp và nhịp tim.
Khi trẻ ngủTrong nghiên cứu, 37 trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh được theo dõi trong khi ngủ ban ngày lúc 2-4 tuần tuổi, 2-3 tháng tuổi và 5-6 tháng tuổi. Mặc dù tất cả trẻ đều nằm ngửa khi ngủ ở nhà, tư thế khuyến cáo để đề phòng hội chứng SIDS, trong nghiên cứu, trẻ được đặt nằm ngửa và nằm sấp vì nằm sấp là yếu tố nguy cơ lớn gây hội chứng SIDS.
Trẻ được chia thành hai nhóm, sử dụng núm vú cao su và không sử dụng. Trẻ được đo mức biến thiên huyết áp và nhịp tim. Với những trẻ sử dụng núm vú cao su, khi trẻ mút làm tăng độ biến thiên nhịp tim, một phép đo hệ tim mạch điều chỉnh nhịp tim khi huyết áp thay đổi ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, khi trẻ dùng núm vú cao su được so với trẻ không sử dụng trong thời điểm không mút, sự khác biệt về mức biến thiên nhịp tim chỉ rõ rệt ở trẻ nhỏ nhất trong nhóm 2-4 tuần tuổi. Trong nhóm này, trẻ dùng núm vú cao su có mức biến thiên nhịp tim cao hơn những trẻ không sử dụng thậm chí khi chúng không mút.
Bà Horne nhận định hiện tượng này cho thấy việc sử dụng núm vú cao su có thể cải thiện khả năng kiểm soát nhịp tim ở trẻ sơ sinh và có thể là cơ chế bảo vệ chống hội chứng SIDS.
Vẫn bí ẩnBà Horne thừa nhận phát hiện chưa giải thích được điều bí ẩn. “Tôi không nghĩ mức biến thiên nhịp tim là toàn bộ câu chuyện,” bà Horne nói. "Thời điểm có nguy cơ SIDS cao nhất là lúc trẻ 2-3 tháng tuổi. Nếu núm vú cao su là tác dụng phòng ngừa, chúng ta nên nghĩ tác động phải rõ nhất ở lứa tuổi này và với tư thế nằm sấp.”
Theo bà Horne, nghiên cứu cho thấy mút núm vú cao su có tác động đáng kể tới áp huyết và nhịp tim. “Chúng tôi cũng nghiên cứu tác động kiểm soát áp huyết và sự phối hợp giữa áp huyết và nhịp tim như một phản xạ,” bà Horn nói. Bà Horne cho biết từ năm 2005, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo dùng núm vú cao su cho tất cả trẻ sơ sinh khi chúng bắt đầu bú mẹ.
Tuy nhiên, các tổ chức nghiên cứu SIDS ở Australia và New Zealand còn lưỡng lự chưa thực hiện theo do cơ chế bảo vệ sức khỏe của trẻ nhờ núm vú cao su chưa sáng tỏ.
Source: ABC Australia