logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
chung  
#1 Đã gửi : 08/02/2017 lúc 09:49:58(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Không thể có một Vũ Huy Quang thứ nhì trên đời này, dù là trong đời thường hay khi cầm bút. Bởi vì, anh độc đáo một cách tự nhiên, cả trong giao tiếp lẫn chữ nghĩa. Khi ngồi nói chuyện với anh vài câu, bạn biết ngay không mấy ai có nhiều kiến thức sách vở như anh, nhưng cái nhìn luôn luôn mang theo nhiều chất vấn, nêu lại rất nhiều vấn đề không mấy người nhìn thấy. Khi đọc vài trang văn của Vũ Huy Quang, bạn biết ngay anh có một vị trí riêng trong văn học bất kể anh viết không nhiều, vừa đẹp về văn và vừa khó tính với những gì có tính hệ thống.

Vũ Huy Quang khó tính với chữ nghĩa -- cân nhắc, suy tính từng chữ một những gì anh viết. Anh cũng dễ nổi giận với những chữ anh nghĩ là không thích nghi, dù của anh hay của người khác. Cách anh soạn Bản Lên Tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do cho nhà văn Dương Thu Hương cho thấy chữ nghĩa anh khó tính. Lúc đó là khoảng một hay hai năm sau 1990, thời chưa có Internet, cũng chưa có điện thoại di động. Phương tiện truyền thông tối tân nhất là dùng máy fax. Anh lúc đó ở cùng với mẹ trong một căn nhà ở Garden Grove.

Anh điện thoại, bảo tôi tới nhà anh, cho đọc bản thảo Bản Lên Tiếng, phân tích từng chữ một và anh nói rằng anh viết hay rất mực, rồi bảo tôi đi tìm một số nhà văn ký tên chung. Tôi nói, tôi ký thì không có gì, nhưng người khác thì khó, chỉ trừ Phạm Việt Cường và Khánh Trường thôi, chỉ cần đọc bản văn cho hai tên này nghe qua điện thoại là đủ. Thêm nữa chứ, còn cụ Nghiêm Xuân Hồng, tôi nói thêm, nhưng phải đưa bản giấy cho cụ đọc. Kể như thế để thấy rằng, anh quan sát tình hình trong nước kỹ hơn rất nhiều người khác, và nhìn rất xa; lúc đó, tôi chưa đọc cuốn tiểu thuyết nào của Dương Thu Hương, chỉ mới đọc các bản tin liên hệ.

Cuộc đời của anh nhiều sóng gió, trong đời thường, đời văn và cả về tình cảm. Anh là người nói khéo, nói dịu dàng, nói đúng giọng Bắc Kỳ 1954, biết cách nói tinh nghịch làm người đối thoại bật cười, nhưng đời thường lúc nào cũng bất trắc. Sau khi gia đình anh tan vỡ và hai con của anh đi theo mẹ, anh về ở với mẹ anh ở Garden Grove, và nhiều năm sau cũng theo mẹ về Bắc California. Viết văn hay, nói khéo, nên có nhiều hình bóng giai nhân trong đời anh. Tuy nhiên, đôi khi anh nổi giận, và những lúc đó, anh thường nói lớn tiếng, có khi gay gắt, dễ làm nhiều người mất lòng. Một lần, anh từ Bắc Cali về thăm Quận Cam, anh tới nhà tôi ngủ, kể cho vợ chồng tôi nghe rằng anh tốt bụng, muốn chỉ dẫn cho nam diễn viên Đơn Dương cách vào cao đẳng cộng đồng học để rồi sẽ thành công trong giới điện ảnh Mỹ, nhưng rồi anh nổi giận sao đó, lớn tiếng… Nổi nóng là không nên, tôi chỉ nói thế với anh.

Anh là người mê học, mê đọc. Anh học những gì anh thích, và anh tìm đọc những cuốn sách thuộc loại cấm kỵ. Khi còn ở Quận Cam, anh kể về tiệm sách Mỹ ở Laguna Beach có tên là Bookstore 540, nơi cũng là một tiệm cà phê. Tôi không nhớ chính xác tên tiệm này, vì đóng cửa lâu rồi. Anh giải thích về con số 540, rằng đó là nhan đề một cuốn sách khoa học viễn tưởng, nói về một thời sẽ tới, khi nhiệt độ nóng tới 540 độ (độ F, hình như, cũng có thể là 504 độ, hay 405 độ?), các trang giấy tự động bốc cháy, lúc đó nhân loại sẽ không còn sách nữa; tôi lại chưa đọc cuốn sách đó, vì mình quan tâm loại khác.

Anh bảo là tôi phải chở anh lên tiệm này cho biết, đó là nơi anh gặp các cuốn sách cấm. Thường thường, sách cấm ở Mỹ là khái niệm chỉ thấy ở các thư viện công cộng và trường học, nơi sách cần thích nghi cho công chúng mọi trình độ, hoặc riêng cho giới học trò. Nước Mỹ là tự do, sách cấm thường có nghĩa là sách bị cộng đồng kỳ thị, hoặc sách không bán được – nghĩa là, không mấy nhà xuất bản muốn in, và nếu in cũng không mấy tiệm sách muốn bày ra, vì sẽ chẳng mấy ai mua. Tiệm sách/cà phê này nhìn ra biển, cà phê dĩ nhiên đắt nhưng chẳng ngon gì.

Về sau, anh Vũ Huy Quang về Bắc California, rồi cư ngụ theo mẹ. Và rồi anh nói rằng anh khám phá ra một tiệm sách San Francisco, nơi anh gặp một vài cuốn sách cấm, hoặc sách đã tuyệt bản. Tôi hỏi sách gì. Anh nói, đó là sách về Cộng sản Đệ tứ Quốc tế, về Trotsky và về Trần Độc Tú. Nghĩa là về người khai sáng chế độ Cộng sản ở Liên Xô, và người khai sáng ra Cộng sản Trung quốc – cả hai đều bị thanh trừng. Tôi nói, tôi không bận tâm về những chuyện đó, sao anh cứ đứng cuối thế kỷ mà mải nói chuyện đầu thế kỷ.
UserPostedImage
Nhà văn Vũ Huy Quang trong đời thường, và trong tranh.

Trước đó, anh quan tâm về những người Đệ tứ Quốc tế ở Pháp. Anh liên lạc với cụ Hoàng Khoa Khôi, một người Đệ tứ, một phong trào đã bị ông Hồ, đại diện cho lập trường CS Đệ tam Quốc tế ở Việt Nam càn quét. Lúc đó, cũng có người đồn rằng nhà văn Đỗ Kh. Là Đệ tứ, có lẽ vì Vũ Huy Quang sang Pháp là tìm gặp ngay nhà văn này. Chẳng biết đúng hay sai, nhưng thời này nhiều tin trật lắm. Thêm nữa, Đỗ Kh. rất là thơ mộng, chẳng mê làm chi mấy ông cụ chỉ còn sống với sách cổ.

Thực sự, tôi không bận tâm chuyện chính trị và lịch sử. Thời nó thế, thì chẳng bận tâm làm gì. Nhưng Vũ Huy Quang không phải là người của chính trị, bất kể anh bước giữa những lằn ranh và đã hứng cả những trận mưa đạn và mưa hoa từ hai phía. Những gì anh viết trong một thập niên cuối đời, không thích hợp với báo đời thường, nơi bài cần ngắn và cần đi sát cuộc đời, trong khi các bài nghiên cứu của anh rất phức tạp và dài. Có bao nhiêu người tại California chịu đọc các nghiên cứu về chuyện Mao Trạch Đông và Trần Độc Tú? Có ai muốn đọc chuyện di chúc của Tôn Dật Tiên? Hay chuyện Trotsky? Nhưng bài của anh được một số giới nghiên cứu tán thưởng, quan tâm, sau khi đăng ở một số mạng, trong đó có Talawas và blog của nhà văn Nhật Tuấn (em của nhà văn Nhật Tiến). Về sau, anh có tình thân với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, anh gửi bài cho blog http://boxitvn.blogspot.com/ -- nhưng tôi đoán, chẳng ai bận tâm chuyện đầu thế kỷ làm gì.

Có một thời, tôi thất nghiệp, và anh cũng thế. Lúc đó, cụ Nghiêm Xuân Hồng, nhà nghiên cứu Phật học tuyệt vời thơ mộng, mỗi tháng hễ lãnh tiền già, là điện thoại bảo anh Vũ Huy Quang chở cụ ra một tiệm ăn, rồi bảo nhớ gọi Phan Tấn Hải nữa nhé. Cụ già rồi, đâu có ăn gì, chỉ ngồi hỏi chuyện và nghe chuyện từ anh Quang và tôi. Những buổi như thế, anh Quang cười tươi hẳn ra, nói chuyện vui kể gì, chủ yếu chuyện trong đời thường hay làng văn. Tôi còn nhớ hình ảnh đôi khi chở cụ Nghiêm Xuân Hồng về nhà, một căn biệt thự khổng lồ ở Fountain Valley của con trai cụ. Đường tới nhà cụ đẹp tuyệt vời, có cổ thụ bên đường, có các băng cỏ viền các khu phố, có nắng và có gió rất mực bình yên.

Một lần, Vũ huy Quang chạy xe từ San Jose về Quận Cam, đưa cho tôi một tape ghi âm, bảo hãy nghe đi, vì đây là thần chú của Đức Phật. Anh nói, anh chứng kiến là khi để máy cassette giữa vườn cỏ, mở băng này ra, khi thần chú này hát lên, chim từ đâu bay tới trong vườn. Tôi nói, nhà tôi làm gì có vườn, mà thần chú thì phải trang nghiêm, tôi học từ nhỏ tới giờ, biết là linh nghiệm từ lâu rồi, đâu cần phải nghe máy. Anh nói, anh bảo đảm là tôi chưa từng nghe. Đúng vậy, thần chú này được hát rất hay. Về sau, khi có mạng YouTube, tôi dò ra rằng đó là bài Chú Đại Bi, bản tiếng Sanskrit do một nữ nhạc sĩ Mã Lai tên là Imee Ooi phổ nhạc và hát. Không chỉ bài này, nhiều bài khác do nữ Phật Tử này phổ nhạc cũng hay tuyệt vời, trong đó, tôi nghĩ, một tác phẩm bất tử sẽ là Ca Khúc Từ Bi (The Chant Of Metta) soạn ra từ bản Pali Kinh Metta Sutta. Nhưng dùng thần chú để triệu hồi cả đàn chim đáp xuống vườn cỏ, có lẽ chỉ riêng anh Vũ Huy Quang nghĩ ra.

Một lần, anh Vũ Huy Quang kể rằng, mẹ anh kể là trong khu nhà giành cho người già, có một bà cụ người Trung Quốc. Tới ngày Lễ Giáng Sinh, khi mọi người, nơi đó đa số là Mỹ da trắng, cùng hát bài Oh Mary, bà cụ người Hoa này hát bài Đông Phương Hồng, rồi bà hô khẩu hiệu “Hoan hô Mao Trạch Đông.” Bà cụ này hát và hô khẩu hiệu bằng tiếng Tàu. Rồi anh Quang cười vui kể gì. Tôi có dùng máy ảnh để quay video khi anh kể bà cụ người Hoa hô khẩu hiệu, dài hơn một phút, phóng lên YouTube.

Sau khi mẹ anh từ trần vài tháng, tôi lái xe lên Half Moon Bay thăm anh. Lúc đó, anh còn giữ căn chung cư 2 phòng do Sở Xã Hội California cấp cho mẹ anh, nơi anh sẽ phải trả lại, vì không còn tiêu chuẩn chăm sóc bà cụ nữa. Trong đêm đó, tôi ngồi trả lời anh và hướng dẫn anh về sử dụng máy tính, bảo vệ và gỡ các trở ngại email. Chỉ tới đâu, anh ghi xuống giấy tới đó. Vợ tôi chỉ lên vách tường, ngạc nhiên vì những mẩu giấy ghi chú về máy tính dán đầy tường. Anh nói, nơi anh ở gần Tòa Tổng Lãnh Sự VN, và có một cậu gì trên ấy nói, lúc nào bác Quang hỏng máy là cứ gọi cậu ấy tới sửa máy tính miễn phí. Tôi nói thôi, đừng, vì thời này có phần mềm keylogger, hễ gài vào máy xong, là từ xa ngàn dặm họ biết mình gõ những gì.

Để hiểu được Vũ Huy Quang mê sách như thế nào, hãy nghe anh giải thích trong bài “Sự Thê Thảm Của Cách Mạng Trung Quốc” trên blog nhà văn quá cố Nhật Tuấn hồi tháng 9/2012, trích:

“...Thỉnh thoảng tôi được vài người bạn từ phương xa đến thăm. Được hân hạnh gặp khách phương xa ghé đến, nhưng ai mà ít phương tiện, thì tôi cũng hân hạnh đến thăm họ. Người nào người nấy trên 70 cả rồi. Tâm sự hồi lâu với nhau, sau rồi những người ấy đều có chung câu hỏi,”Nếu không còn việc gì vui ngoài việc đọc sách, sao không chia xẻ với bàn dân thiên hạ những điều đọc được?” Dù tôi nêu bất cứ lý do gì để thoái thác, như “Đọc rồi viết bài điểm sách cũng không dễ. Đọc mà dịch ra thành sách, thì gặp nhiều khó khăn khác. Nào trích dẫn, ảnh minh họa, xin phép xuất bản, xin phép dịch thuật, kỹ thuật ấn loát…Có một mình, kém kỹ thuật, nên không làm gì.” Họ bảo, “Nếu cứ kể lại chuyện đọc sách…như bạn bè mỗi lần ngồi với nhau thế này cũng vui, thuật lại được tới đâu hay tới đó. Chả lẽ đọc xong rồi yên lặng? Sách ở đâu mà ra? Sách là do đời đem đến. Đọc rồi, sao không trả nợ đời, nợ người?” Tôi ngẫm nghĩ, thấy cũng có lý. (Phục nhất, là các cô làm ở Thư Viện tỉnh tôi ở, lần nào cũng niềm nở giúp đỡ cho tôi việc mượn sách). Cho nên tôi có bài viết không phải điểm, chẳng phải dịch này…”(ngưng trích)

Có một số cuốn sách anh không tìm được ở thư viện công cộng, nhưng lại nằm trong nhóm sách tham khảo anh cần tìm, anh mới nhờ mua giùm trên Amazon. Như thế, anh dò ra những bí ẩn trong cách mạng Trung Quốc thời đầu thế kỷ 20. Đó là những cánh cửa tối ám, theo cách anh diễn tả, khi viết về Trần Độc Tú (1879 -1942), người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng bị Quốc tế Cộng sản đưa ra khỏi Trung Ương, và là người Vũ Huy Quang viết trong bài “Cánh Cửa Tối Ám”:

“…tôi nẩy ra ý dịch chút ít về Trần Độc Tú, một trong những người khổng lồ không chỉ của Trung quốc, mà cả nhân lọai.

Trần Độc Tú (1879-1942), sinh quán An Huy, lãnh tụ đầu tiên của đảng Cộng sản Trung quốc 1921, cũng là lãnh tụ phong trào Tân Thanh niên 1915 và Cách mạng Văn Hóa 1917, sinh ra Ngũ Tứ Vận Động 1919 sau này. Hiếm ai bị vu khống, mạ lị, hiểu lầm, và bị nhiều bi kịch như ông – cũng như ít ai được ngưỡng mộ ngày càng nhiều như ông. Vết tích về họat động Trần chỉ có rất ít người thu thập được rồi viết ra, hoặc vài đồng chí cũ sống sót, hoặc học giả ngoại quốc khảo cứu, hoặc do người đời sau sưu khảo các tài liệu cũ mà thành, như Thomas C. Kuo. Sách ông này xuất bản 1975, được đánh giá cao.

Sau đây là những ghi nhận của Kuo về tư tưởng chính trị Trần Độc Tú lúc cuối đời, Chen Last Political view, dịch từ trang 238-248: “Chen Tu-Hsiu and the Chinese Communist Movement” - T.C.Kuo.”(ngưng trích)

Than ôi, viết như thế, chỉ có học giả mới đọc thôi.

Tương tự, Vũ Huy Quang nghiên cứu về bản di chúc Tôn Dật Tiên (1866 – 1925) đã viết trong bài “Di Chúc Tôn Dật Tiên” rằng:

“…Xem ra Quốc phụ Tôn Văn không hiểu Tây phương, không hiểu Trung quốc, lại cũng không hiểu nội bộ nhân sự của Đảng mình lẫn Quốc tế Cộng sản. Lịch sử trớ trêu hơn nữa, khi mà di chúc Tôn Văn, cả Lục địa, cả Đài Loan đều dấu nhẹm đi, không hề nhắc tới. Theo tác giả Lyon Sharman, đây là văn bản gây bối rối tột bậc cho giới lãnh đạo - cả Quốc lẫn Cộng. Cho nên hầu hết dân Trung quốc không hề biết di chúc Quốc phụ….”(ngưng trích)
UserPostedImage
Nhà văn Vũ Huy Quang (phải) và nhà văn Nhật Tuấn.

Anh đọc sách tuyệt vời như thế. Không mấy ai bằng. Nhưng khi thơ mộng, Vũ Huy Quang cũng làm thơ tuyệt vời, như một bài thơ anh viết, và thi si Khế Iêm đăng trên Tạp Chí Thơ Tân Hình Thức, trích:

LÀM THƠ CŨNG PHẢI CÓ DÂN CHỦ

Thế này thì chết. Thế
này thì tôi cũng đến
chết. Thơ, nghe nói là
có một bọn chuyên môn
là thơ dở. Kể ra
đọc thì cũng hiểu chứ
không phải là không. Nhưng
mà đọc riết rồi cũng
nhập tâm. Thành ra tôi
lại cũng làm thơ Tân
hình thức. Có điều vừa
làm thơ tôi lại vừa
tưới cây. Vừa làm thơ
vừa tưới cây. Lại vừa
cười tủm tỉm. Vì làm
thơ cũng phải có dân
chủ.”
(hết bài thơ, ngưng trích)

Vũ Huy Quang tuyệt vời là thế. Nghĩ tới anh, là thấy những nụ cười.

Tuy là Vũ Huy Quang chơi thân với những người Đệ tứ Quốc tế, anh cũng có giao tình với những người Đệ tam, hay từng có một thời có khuynh hướng Đệ tam. Do vậy, tạp chí Diễn Đàn ở Pháp đã viết về anh rất trân trọng khi có tin anh từ trần, trích:

“Vũ Huy Quang (1942-2017)

Nhà văn Vũ Huy Quang đã từ trần ngày 14.1.2017 tại Hoa Kỳ

Chúng tôi đau buồn thông báo với bạn đọc và bạn bè, nhà văn Vũ Huy Quang đã từ trần ngày 14 tháng 1 năm 2017 tại Pacifica (bang California) sau một thời gian chống trả bệnh ung thư, thọ 74 tuổi.

Vũ Huy Quang sinh ngày 9.7.1942. Đại uý Quân lực Việt Nam Cộng hoà, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác và biên dịch văn học tại Mỹ trong khi làm nhiều công việc lao động nặng nhọc. Ông cộng tác với nhiều tờ báo, trong đó có Diễn Đàn. Tác phẩm đã xuất bản: Nơi trại trừng giới, Chín truyện ngắn, Mười truyện tân liêu trai... bản dịch: Đường lên trời, Nhục Bồ Đoàn...

Những năm gần đây, Vũ Huy Quang ít sáng tác. Thi thoảng, anh viết những bài chính luận đầy nhiệt huyết trên lập trường trốt-kít. Vốn dị ứng với phương tiện truyền thông hiện đại, "Thăng Long Văn Sĩ" ít giao dịch với bạn bè ở xa, giới hạn tiếp xúc trong vòng bạn bè tại chỗ, bên li rượu. Những người có may mắn được gặp Vũ Huy Quang không bao giờ quên óc trào phúng, tự riễu mình, tính khí độc đáo (thậm chí lập dị), nhiệt tâm và sự độc lập suy nghĩ của anh. Càng mến văn phong Vũ Huy Quang, lại biết anh chịu đọc và tinh thông văn học Anh ngữ, Pháp ngữ, bạn bè càng tiếc rằng tác phẩm đã hoàn thành quá ít và khiêm tốn so với vốn sống và tiềm năng sáng tác của nhà văn. Có lẽ vì, đối với anh, tình bạn cao hơn văn học. Và mãi mãi còn lại trong hồi ức của người ở lại, là tình bạn của Vũ Huy Quang.”(ngưng trích)

Phụ nữ nghĩ gì về nhà văn Vũ Huy Quang? Tôi không thể biết chính xác suy nghĩ của những phụ nữ từng có cảm tình với anh. Và nếu biết, cũng không ghi ra giấy làm chi. Nơi đây, xin mời đọc Phan Thị Trọng Tuyến, một nhà văn nữ thuộc thế hệ sau anh một thập niên, trong bài “Nhớ Vũ Huy Quang, Thăng Long Văn Sĩ” trên ấn bản tháng 2/2017 của Tạp Chí Thơ Tân Hình Thức (www.thotanhinhthuc.org) nhìn về Vũ Huy Quang:

“...Chỉ mới vài tháng trước đây thôi, ngồi quán, chúng tôi nghe anh kể chuyện. Về những người bạn. Cũ và mới. Mỹ và Việt. Người anh thích nhiều và ít thích. Thích nhiều với giọng ân cần, quý mến. Thích ít thì cũng kể về họ, phần lớn vì tôi nhắc họ, những người tôi biết qua anh. Mỗi người một nét chấm phá qua một giai thoại, đôi chi tiết, dăm ba câu đối thọai hay cãi cọ... mà anh với cách diễn tả hóm hỉnh, thông minh, đôi mắt đen (trại) trừng (giới) đôn hậu, đôi môi bậm vừa ra dáng khinh khỉnh vừa che răng khuyết (?), nụ cười má lúm đồng tiền, khiến các đương sự mang vẻ “nhân gian“ rất mực người đời và có duyên như anh khiến tôi nghe mình rất gần họ và cũng thích họ, như anh... Trong các bài bút ký hay tạp bút, truyện ngắn, giọng văn, y như cách nói của anh, trôi chảy, di dỏm, nhẹ nhàng, lôi cuốn, sắc sảo...”(ngưng trích)

Nhìn chung, Vũ Huy Quang viết truyện là hay tuyệt vời. Tuyển tập “Chín Truyện Ngắn” của anh là thượng thừa, không dễ mấy ai quên. Hay như tuyển tập các chuyện Tân Liêu Trai của anh, lãng mạn, thơ mộng…

Tôi vẫn tự hỏi, làm thế nào, một người như anh, đọc sử, khám phá ra những “cánh cửa tối ám” chết chóc trong lịch sử, lại có thể viết về những mối tình rất mực đằm thắm trong nhân gian.

Trong truyện “Tiếng Hát Giết Người” viết theo thể Tân Liêu Trai, Vũ Huy Quang kể về cháng trai tên Sinh, một hôm vào một sân khấu để nghe đàn hát, lần đầu nghe một nữ ca sĩ trẻ có “giọng ca hồn nhiên ngây thơ, bài nào cũng gợi lại thời thơ ấu của Sinh, lúc vui lúc buồn...” và rồi khi chàng bước ra về, tình cờ gặp cô, được cô gỡ chiếc gù ở mũ tặng chàng, và chiếc gù này hễ chàng cầm tới là toát ra mùi hương, người khác cầm thì không sao… Vũ Huy Quang viết:

“…Từ nhỏ sống đời khô khan chưa được nghe giọng êm diu như thế bao giờ. Sinh cảm động lảo đảo theo giòng người ra cửa để ra về, thì tình cờ làm sao, chạm mặt cô nàng, lúc ấy hát xong cũng ra về cùng lúc.

Sinh ngây ngất, vừa yêu vừa giận, trợn mắt nhìn nàng. Mỹ nhân thấy lạ tủm tỉm cười rồi tháo chiếc gù ở mũ mà tặng cho Sinh. Nàng nghĩ bụng: người đâu có người lạ đời, mắt thì như mắt giặc mà miệng thì lầu bầu chả thốt được lời cảm ơn nào...

Sinh cầm cái gù về nhà, giở sách thánh hiền ra đọc, tự cho hình sắc là giả dối, sắc đẹp chỉ lừa gạt người, âm thanh là huyễn mộng nên tránh xa đi là hơn. Bèn treo cái gù nơi góc nhà, bạn đến chơi hỏi han cũng chỉ ậm ừ qua chuyện. Một hôm bào huynh ở xa tới thăm em, Sinh dọn lại nhà cửa để đón tiếp, nghĩ mình sống thanh bạch lâu nay, mân mê cái gù muốn vứt bỏ (ý không muốn giữ đồ kỷ niệm của đàn bà con gái) thì lạ thay cái gù nhỏ mềm mại bỗng như tỏa mùi hương thơm. Sinh ngạc nhiên lắm, để ý nghiệm rằng người khác cầm vào thì không sao, cứ hễ mình sờ tới lại như có mùi hương kín đáo tỏa ra quyện vào nơi tay vậy…” (ngưng trích)

Tuyệt vời thơ mộng… Cô ca sĩ này chỉ là hư cấu, hay là có trong đời thực của nhà văn họ Vũ? Hay có phải, giọng ca của cô đã hóa thân vào bài thần chú, mà anh đã tình cờ nhận thấy sức mạnh triệu hồi chim trời về nơi sân cỏ trước nhà?

Chỉ có một điều biết được chắc thật rằng: những trang giấy của Vũ Huy Quang sẽ ở lại với đời này, và sẽ “như có mùi hương kín đáo tỏa ra quyện vào nơi tay” những độc giả cầm tới sách của anh.

Phan Tấn Hải

GHI CHÚ: Lễ cầu-siêu cho nhà văn Vũ Huy Quang sẽ cử hành lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy 11 tháng 2/2017 tại: Chùa Liên Hoa, 9561 Bixby Ave, Garden Grove, CA 92641.
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.245 giây.