Hỏi đáp Y học: Viêm da tiết bã nhờn Thính giả Huệ Nguyễn, hiện cư ngụ tại bang Massachusetts, có câu hỏi như sau:
"Tôi tên là Huệ Nguyễn, 80 tuổi, ở Springfield, Massachusetts. Cách đây sáu năm, trên tóc phía trước trán tôi có một vài chấm trắng. Tôi đi bác sĩ da thì bác sĩ cho tôi bôi loại thuốc seborrheic dermatitis, tôi tra trong từ điển y khoa thì có nghĩa là viêm da tăng tiết bã nhờn. Ở Việt Nam nếu chấm chấm thì mình tưởng là lang ben nhưng bác sĩ Mỹ gọi là viêm da tăng tiết bã nhờn và bác sĩ dặn mua dầu gội đầu tốt nhất để gội. Mỗi ngày hai lần, xức vào đó. Kéo dài bốn năm sau thì bã chấm tăng lên độ khoảng một chén nước, phủ cả tóc ở trên. Tôi đăng ký bác sĩ gia đình, gặp bác sĩ da lần nữa thì họ lại cho bôi thuốc đó và họ nói không còn cách nào khác nữa. Giờ tôi sợ vết đó sẽ đi xuống trán tôi và xuống mí mắt. Tôi gọi bác sĩ để bác sĩ có cách nào mà chữa được lành thì càng tốt, còn không thì giữ nó lại để không cho nó lan xuống mí mắt hay trán của tôi. Tôi cám ơn!"
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Tải để nghe Viêm da tiết bã nhờnViêm da tiết bã nhờn (seborrheic dermatitis)Trả lời thính giả Huệ Nguyễn, Springfield, Massachusetts
1) Trước hết, một số điểm căn bản về thuật ngữ, cơ thể học và bệnh học:
Từ tiếng Anh dermatitis có nghĩa là viêm da, bệnh da. Seborrhea có nghĩa là tiết quá nhiều chất nhờn (sebo=sebum= mỡ heo, chất bã nhờn, rrhea= chảy ra).
Dưới gốc của các sợi lông,tóc, có những tuyến bã nhờn (sebaceous glands) tiết ra chất nhờn, đi vào bế mặt da qua qua các ống nhỏ dẫn vào nang lông (hair follicle).
Chất bã nhờn có tác dụng làm chậm lại sư bốc hơi nước khỏi da, và cũng có tác dụng chống nhiễm vi khuẩn.
2) Viêm da tiết bã nhờn gặp ở trẻ sơ sinh cũng như người lớn.
Ở đây chúng ta bàn về bệnh ở người lớn.
Những nơi có tóc, lông kèm theo nhiều tuyến bã nhờn là những vùng da có ban của bệnh này xuất hiện. Các mảng da đỏ, có vảy trắng đục, nhầy ( không phải vảy bạc như trong bệnh vảy nến) xuất hiện trên da đầu (vùng ranh giới tóc trước trán, sinh ra gàu [dandruff]), mặt (trán, da lông mày, vùng giữa mặt, hai bên cánh mũi, vùng râu mọc, dưới cằm), hai vùng sau tai, ót, và ngực nhất là người có lông ngực nhiều, nách, háng, vùng hậu môn. Ban đối xứng hai bên (symmetric distribution).
Bệnh thường tái đi tái lại theo những cơn bộc phát (flare-up), nhất là lúc bị stress, bị bệnh khác. Những người bị nhiễm HIV bị bệnh này 30 lần nhiều hơn người bình thường. Người bệnh thần kinh Parkinson (run tay chân) cũng bị nhiều hơn người thường, có lẽ da họ bị bất động nhiều hơn.
3) Nguyên nhân gây bệnh chưa được hiểu rõ. Bệnh liên hệ đến sự hiện diện (tồn tại) của một loại nấm li ti Malassezia (Pityrosporum ovale) trên da. Nấm này da người nào cũng có, tuy nhiên chúng ta không hiểu tại sao có người nấm gây ra viêm da, người khác lại không. Thuốc chống nấm được dùng để chữa bệnh có kết quả. Có những yếu tố di truyền cũng như môi trường.
4) Bệnh nhân cần giữ vệ sinh thân thể suốt đời. Rửa, tắm sạch bằng xà phòng làm giảm bớt bã nhờn trên da. Hoạt động ngoài trời có thể làm giảm bệnh.
5) Chữa trị:(OTC có nghĩa là mua không cần toa ở Mỹ)
-Thuốc thoa chống nấm:
• Selenium sulfide [Selsun Blue 1% OTC, Selsun 2.5% (toa), Exsel],
• Pyrithione zinc[Dandrex, Zincon, Head and Shoulders](OTC)
• Nizoral, Lamisil, Lotrimin, Monistat (OTC)
- Sodium sulfacetamide lotion 10% [Klaron, Ovace] (toa, prescription)
- Coal tar: Coal tar topical solution, OTC: Denorex Medicated (9%). Neutrogena T /Gel (OTC)
-Coal tar + salicylic acid (Ionil T, X Seb T Plus, Tarsum ) (OTC)
-Thuốc chống viêm (corticoid): Hydrocortisone cream 1% (Cortaid, OTC)
-Trường hợp nặng, khó trị: các chất làm tan chất sừng : salicylic acid, coal tar (thuốc đen như dầu hắc, trích từ than đá, dùng trong thuốc gội đầu/shampoo hoặc trong bánh xà phòng, coal tar có thể gây ung thư) sau đó thoa các chất corticoid.
-Có thể dùng dầu đậu phộng, dầu olive, dầu khoáng /mineral oil qua đêm cho mềm các vảy da, sau đó dùng coal tar shampoo, chất tẩy (detergent)
-Trong trường hợp khó trị, bác sĩ có thể dùng ngắn hạn những thuốc corticoid thoa mạnh hơn như mometasone (Elocon), rất mạnh như clobetasol propionate (Temovate), fluocinonide (Lidex)
-Trường hợp cùng cực, bác sĩ có thể nghĩ đến dùng thuốc uống isotretinoin (Accutane) để giảm chất tiết bã nhờn.Thuốc có thể gây quái thai, cần bác sĩ chuyên về da quyết định cho toa.
Những điều nêu lên ở đây hoàn toàn có tính cách thông tin, hầu giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn bệnh của mình và những lựa chọn có thể có lúc điều trị. Xin tham khảo với bác sĩ của mình.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền (VOA)
Sửa bởi người viết 31/05/2013 lúc 04:21:14(UTC)
| Lý do: Chưa rõ