THƯA QUÝ BẠN, bà Noailles (Nữ bá tước Anna De Noailles, 1876-1933) là một nhà văn kiêm nhà thơ Pháp, bà nói một cách bóng bẩy: “Tâm hồn mỗi con người là một khu vườn bí mật” (Chaque âme de l’homme c’est un jardin secret). Còn các cụ ta thì nói đơn giản: “Tính nết con người chẳng ai giống ai”. Vâng, đúng như thế, sau đây xin mời quý bạn xem xét cách cư xử khác hẳn nhau của hai người mẹ. Một người thì sẵn sàng hy sinh bản thân vì con, một người thì có cách đối xử có thể nói là lạ lùng không giống ai hết. Trong phần thứ II này, nghe lời kể của tác giả tức người trong cuộc, quý bạn sẽ hiểu rõ ngọn nguồn.
Rao bán nội tạng lấy tiền chữa bệnh cho conNhững ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội rộ lên chuyện một người mẹ rao bán tim và và nội tạng của mình để lấy tiền chữa cho con bị bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia).
Người mẹ này tên là Trần Thị Hoa, 27 tuổi, quê ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Tuy mới 27 tuổi nhưng chị Hoa đã phải một mình vật lộn với muôn vàn khó khăn để có tiền trang trải cuộc sống và điều trị căn bệnh quái ác cho con trai tên Trương Hoàng Phúc, 7 tuổi.
Trong bài viết đăng tải trên trang cá nhân Facebook, chị Hoa mong mọi ngươi đừng ”like” tức ghi ”yêu thích” mà hãy chia sẻ thông tin này đến những ai cần gan, thận, giác mạc mắt hay bất cứ cơ quan nào trong cơ thể của chị kể cả tim, chị sẽ hiến tặng tất cả để lấy tiền chữa bệnh cho con.
Thoạt đầu, khi chị đăng bài viết này, nhiều người nghĩ rằng chị bị bệnh hiểm nghèo nên muốn hiến xác, nhưng sau đó đọc kỹ họ mới biết chị muốn bán nội tạng kể cả trái tim của mình để cứu con.
Muốn tìm hiểu thực hư câu chuyện, một phóng viên đã tìm đến khoa Điều trị Toàn diện, Bệnh viện Châm Cứu Trung Ương – nơi cháu Trương Hoàng Phúc con trai chị Hoa đang điều trị chứng teo cơ do di chứng của sốt co giật.
Chị Hoa cho biết chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 chị em toàn là con gái. Từ khi chị còn rất nhỏ, bố đã bỏ nhà đi theo một người đàn bà khác.
Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mới học hết lớp 1 chị Hoa đã phải nghỉ, theo mẹ và các chị đi trồng cao su và đóng gạch ngói thuê. Năm 19 tuổi, chị đánh liều xuống Sài Gòn rồi xin được làm tiếp viên cho một nhà hàng. Cũng tại đây, chị quen với bố của cháu Phúc – người đàn ông đã gieo rắc cho chị bao nhiêu cay đắng, tủi hờn.
Chị Hoa kể: “Chúng tôi đến với nhau một phần cũng do hoàn cảnh nghèo khó xô đẩy. Tôi lại có thai trước nên không có cưới hỏi đàng hoàng, chỉ dẫn nhau đi đăng ký kết hôn rồi làm mâm cơm mời bạn bè. Sau đó tôi theo chồng xuống An Giang sinh sống. Thời gian mang bầu tôi ốm nghén nên xanh xao, yếu ớt. Chồng đưa tôi về quê nhờ mẹ và các chị chăm sóc rồi lại trở lên Sài Gòn. Cháu Phúc sinh ra nặng hơn 4kg, hồng hào khỏe mạnh trông đáng yêu lắm. Nhưng mới được 14 ngày tuổi thì cháu bị vàng da và sốt rất cao, bệnh viện An Giang phải chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 đường Sư Vạn Hạnh ở trên Sài Gòn điều trị.
Nằm bệnh viện nửa tháng, các bác sĩ tại BV Nhi Đồng 1 phát hiện ra cháu mắc bệnh Tan máu bẩm sinh. Căn bệnh này có hai biểu hiện chính là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, vì vậy mới 2 tháng tuổi cháu đã phải truyền máu thường xuyên. Nếu không được truyền kịp thời, cháu sẽ bị sốt cao, xanh như tàu lá do máu không còn hồng huyết cầu, có thể tử vong.
Từ lúc bị bệnh, tháng nào cháu Phúc cũng phải truyền máu một lần, chi phí điều trị hết sức tốn kém.
Ít lâu sau, cháu Phúc lên cơn sốt cao, bị co giật dẫn đến bại liệt và teo chân. Chân phải của cháu yếu, nhỏ và ngắn hơn chân trái khoảng 3cm, lúc nào cũng đi tập tễnh và rất hay ngã” – chị Hoa nghẹn lời.
Cũng trong thời gian đó cuộc sống hôn nhân của chị Hoa chẳng khác gì địa ngục. Chị bị chồng đánh chửi, hành hạ như cơm bữa, mặt mũi chân tay lúc nào cũng sưng vù.
Mãi đến khi cháu Phúc được hơn 2 tuổi chị Hoa mới biết chồng mình đã từng có một đời vợ. Quá đau khổ, nhiều đêm chị ôm con bỏ trốn nhưng cứ đến bến xe lại bị chồng bắt lại.
Sau rồi Hoa cũng được giúp làm thủ tục đơn phương ly dị để giải thoát cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Chị Hoa kể tiếp: “Hôn nhân đổ vỡ, con lại mắc phải căn bệnh quái ác, đã một thời gian dài tôi bị trầm cảm, suốt ngày chỉ biết lầm lũi làm việc, chẳng tiếp xúc trò chuyện với ai. Để có tiền điều trị bệnh cho con, tôi làm rất nhiều việc, từ bưng bê, phục vụ, bán quần áo cho đến làm mẫu ảnh… Trong khi đó bố cháu hoàn toàn không ngó ngàng gì tới con, cũng chẳng có lấy một đồng trợ cấp.
“Các bác sĩ nói căn bệnh Tan máu bẩm sinh mà cháu Phúc mắc phải rất khó chữa và phải truyền máu cả đời. Một lần tình cờ, tôi đọc được một bài báo nói ở Viện Huyết học Và Truyền máu Trung ương có 204 ca ghép tế bào gốc thành công, như vậy tôi nghĩ rất có thể cháu Phúc sẽ được chữa khỏi bằng phương pháp đó. Ngay lập tức tôi quyết định vun quén, bán toàn bộ tài sản và đưa con ra ra Hà Nội tìm cho cháu cơ hội sống.
“Tại Viện Huyết học Và Truyền máu Trung ương, bác sĩ nói nếu được cấy ghép tế bào gốc thì khả năng Phúc khỏi bệnh rất cao. Chi phí của ca phẫu thuật khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng nếu có bảo hiểm y tế thì sẽ được giảm còn 600 triệu.
Cháu Trương Hoàng Phúc con trai chị Hoa
“Thế nhưng cùng một lúc phải chữa di chứng bại liệt, thải sắt và truyền máu cho con, đến thời điểm này tôi kiệt quệ quá rồi, không còn tiền tiếp tục được nữa”, chị Hoa chấm nước mắt khóc.
Cũng theo lời chị Hoa thì số tiền ít ỏi chị mang ra Hà Nội dự định cấy tế bào gốc cho con, sau 6 tháng đã tiêu tán hết vào thuốc thang, bồi bổ sức khỏe cho cháu và ăn uống, sinh hoạt. Tháng đầu tiên ra Hà Nội, do đi vội vàng không có giấy chuyển viện, cháu Phúc không được hưởng bảo hiểm y tế và đã tốn hơn 8 triệu đồng.
Chị nói: “Hàng ngày tôi vẫn xin đi bán nước, bán đồ ăn để có thêm chi phí điều trị cho con. Vừa rồi do quá cùng quẫn, tôi đã suy nghĩ và quyết định hy sinh bản thân để mong cho con được sống.Tôi không thể làm được gì hơn ngoài việc bán đi các bộ phận nội tạng kể cả giác mạc mắt và tim của mình. Tôi chấp nhận tất cả để có 600 triệu đồng ghép tế bào gốc cho con. Hiện đã có người đặt vấn đề mua tim của tôi dưới hình thức tôi hiến tặng và sẽ trả số tiền đó cùng các chi phí khác cho đến khi cháu Phúc bình phục”.
Chị khóc và nói tiếp: “Nhiều người nói tôi lên mạng rao bán tim và nội tạng là phạm pháp, lừa đảo nhằm trục lợi. Nhưng không phải như thế, chẳng có người mẹ nào muốn rời xa con. Tôi không thể sống nếu mất đi đứa con trai duy nhất. Nếu tôi chết, đã có chị ruột tôi trông nom dạy dỗ cháu. Chị tôi cũng yêu quý cháu lắm. Vì vậy tôi sẵn sàng hy sinh để con tôi được sống trọn vẹn một kiếp người”.
Chị Hoa chăm sóc con trong bệnh viện
Cùng chăm sóc cháu Phúc tại bệnh viện, chị Trần Thị Hiền (30 tuổi, chị ruột của chị Hoa) chia sẻ: “Suốt 7 năm qua, em gái tôi luôn chăm chỉ làm việc để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho con, không hề kêu ca hay than thở điều gì. Tôi không biết Hoa lên mạng rao bán tim và nội tạng. Đến khi đọc được những dòng rao bán đó tôi khóc rất nhiều, vừa buồn lại vừa thương em. Người ta chửi mắng em tôi dữ lắm, nói em lên mạng rêu rao như vậy là để mọi người thương tình giúp đỡ. Nhưng tôi xác định là không hề có chuyện đó. Tôi biết khi phải quyết định như vậy Hoa rất đau khổ, ray rứt không sao chịu nổi. Song nghĩ cho cùng, bất cứ ai ở trường hợp Hoa thì cũng sẵn sàng hy sinh cho con chứ chẳng riêng gì Hoa. Anh em mà người ta còn hy sinh huống chi mẹ con. Gặp trường hợp tôi thì tôi cũng làm như vậy”.
Tội nghiệp quá, đã nghèo lại nảy cái eo. Đối với luật pháp VN, mua bán nội tạng hay các bộ phận của cơ thể là vi phạm pháp luật. Chị Hoa muốn bán nhưng không có giấy tờ gì chứng minh là thân nhân chẳng hạn để hiến tặng thì BS hay bệnh viện nào dám làm chuyện đó? Làm “chui” theo kiểu Trung Quốc thì các bác sĩ Việt Nam không liều như vậy, bị rút bằng và ở tù như chơi.
Người mẹ dọa nếu nhà gái không cho vay tiền sẽ phá đám cưới con traiKính thưa quý vị độc giả,
Ít lâu nay, câu chuyện về một nam ca sĩ nổi tiếng lên mạng “tố” mẹ ruột lợi dụng danh tiếng của mình để vay tiền khắp nơi khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Có lẽ, tôi cũng hiểu được phần nào cảm giác đớn đau mà anh ca sĩ ấy đang phải gánh chịu. Nam ca sĩ đó vì bất đắc dĩ mới phải làm chuyện mà nhiều người cho là bất hiếu.
Thưa quý vị, hiện thời tôi cũng đang rất bế tắc và có cảm giác mình bị đẩy vào chân tường mà không tìm được lối ra. Và người khiến tôi sống dở chết dở như hiện nay chính là mẹ chồng tương lai của tôi.
Thật xót xa, bà cũng là “con nghiện” cờ bạc giống như mẹ của nam ca sĩ kia. Mấy hôm nay, đầu óc tôi như muốn nổ tung khi nghĩ về những rắc rối mà mình đang gặp phải. Vì tìm mãi không được lối ra, nên tôi viết thư này, rất mong nhận được lời khuyên từ chuyên gia tâm lý và quý vị.
Tôi năm nay 28 tuổi, là một cô gái tỉnh lẻ ra Hà Nội lập nghiệp. Tôi và anh quen nhau qua công việc. Yêu nhau được khoảng 6 tháng, chúng tôi dọn về ở cùng nhau.
Gần một năm sống thử cũng đủ để tôi nhận thấy anh chính là bến đỗ tốt nhất của đời mình. Anh chín chắn, biết quan tâm, san sẻ mọi việc và thực sự yêu tôi. Đầu năm vừa rồi, anh đưa tôi về ra mắt gia đình.
Về nhà, mẹ anh rất niềm nở, thoải mái. Bà còn làm rất nhiều món ngon thết đãi tôi. Thấy mẹ anh vui vẻ, tôi mừng thầm trong bụng, nghĩ mình thật may mắn khi có người mẹ chồng dễ tính.
Thế nhưng, trong lần đầu ra mắt, một người họ hàng đến chơi đã kéo tôi vào một góc thì thầm nho nhỏ: “Bác nói thật, thằng Minh nó đẹp trai, tốt bụng, công việc ổn định, thu nhập khá, nói chung là rất tương xứng với cháu. Bác nhìn người chuẩn lắm, bác biết cháu là người biết vun vén, lo cho gia đình lại xinh đẹp, nết na. Thằng Minh lấy được cháu đúng là phúc lớn nhà nó. Nhưng bác nói trước để cháu biết, mẹ chồng cháu tuy tính tình không chê vào đâu được nhưng có máu cờ bạc. Bác chỉ sợ sau này về làm dâu, cháu khổ với bà ấy về vấn đề tiền nong. Suy nghĩ kỹ rồi hãy quyết định cháu ạ”.
Nghe bác ấy nói, tôi chỉ nghĩ đơn giản, có thể người họ hàng này chỉ vì ghét em dâu nên nói xấu bà. Hơn nữa, nếu mẹ chồng tôi có như vậy thật thì cũng chẳng sao, vì người tôi lấy là chồng tôi chứ đâu phải mẹ chồng. Cốt chồng tôi chu toàn với vợ con là được, mẹ chồng đề đóm, bài bạc cũng chẳng liên quan.
Dù nghĩ vậy nhưng tôi vẫn hỏi anh về chuyện của mẹ. Anh cũng không giấu giếm gì. Đến giờ tôi vẫn nhớ những lời tâm sự khô khan của anh về bà, nhưng tôi biết nó ẩn chứa những nỗi cay đắng, tủi hờn.
Anh nói, mẹ nghiện đánh đề, cờ bạc từ lâu. Bà chẳng chịu làm ăn, chăm lo cho gia đình. Có bao nhiêu tiền bà đều đổ vào thú vui nguy hiểm ấy. Đã nhiều lần bố anh phải cầm cố sổ đỏ, bán xe, rồi đến bán nhà để trả nợ cho vợ nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Đến khi chẳng còn gì trong tay, bố đành làm đơn xin ly hôn và một mình nuôi hai anh em. Nhưng thật không may, ông đã mất trong một tai nạn giao thông. Sau đó, hai anh em lại về sống với người mẹ suốt ngày chỉ biết lô đề, bài bạc.
Người yêu của tôi và em gái anh đã phải tự lập rất sớm để lo cho bản thân. Tôi nghĩ, một chàng trai còn trẻ mà chịu khó vất vả như vậy thì rất đáng quý nên càng yêu anh hơn. Anh làm lương cũng tạm, tháng nào cũng dành ra một phần để đưa cho mẹ tiêu nhưng dường như mẹ anh vẫn chê ít.
Thỉnh thoảng tôi đến nhà chơi, mẹ anh lại nói bóng gió với tôi để xin tiền. Những lúc như vậy tôi vẫn kín đáo đưa cho bà một ít gọi là để mẹ mua thuốc tẩm bổ. Thế nhưng tần suất bà hỏi xin ngày càng nhiều hơn, tôi đưa ít thì bà nhăn mặt, nói những lời rất khó chịu.
Thậm chí, có lần giữa đêm bà tìm đến chỗ chúng tôi sống thử, đập cửa rồi nói mẹ có việc gấp, cho mẹ vay mấy triệu. Khi anh hỏi lý do cần tiền thì mẹ nói vòng vo mãi. Cuối cùng, khi mẹ bắt đầu tỏ ý trách móc, tôi cũng đành để anh đưa tiền cho mẹ.
Sau đó đôi tháng, mẹ anh ít khi hỏi xin tiền chúng tôi. Tôi cũng hi vọng bà đã thay đổi. Đúng lúc này, tôi biết mình mang thai. Anh về thưa chuyện với mẹ. Và bà đã đến bàn bạc với bố mẹ tôi để tổ chức đám cưới. Bố mẹ tôi dù thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn nhưng vẫn ủng hộ con gái vì thấy chàng rể tương lai được người, được nết.
Thế nhưng, cuối tuần trước, mẹ anh lại nợ nần bên ngoài không trả được, người ta đến tận nhà đòi tiền. Hôm đó bà gọi điện cho chúng tôi nói có việc gấp về nhà ngay. Chúng tôi vội vã về trong đêm, cảnh tượng thật hãi hùng.
Người ta đến đòi nợ chật kín nhà. Một người đàn ông còn đang quát tháo yêu cầu bà trả tiền cho họ, trong khi bà đang ngồi dúm dó trên ghế. Người yêu của tôi hỏi mẹ thiếu nợ bao nhiêu, chẳng chờ bà đáp, người đàn ông dữ dằn nói luôn rằng 600 triệu đồng.
Tôi và anh chết sững khi nghe con số khủng khiếp đó. Anh chạy lại, lay lay vai mẹ và nói: “Mẹ đã hứa thay đổi mà, sao lại làm vậy? Mẹ không thương chúng con hay sao?”.
Mẹ anh khóc lóc thảm thiết, quỳ xuống chân chúng tôi cầu xin: “Các con trả nợ giúp mẹ với. Mẹ hứa từ nay chừa không chơi nữa”. Hôm đó, anh bảo mọi người về cho anh có thời gian thu xếp thì mới trả được. Mãi đến gần sáng nhóm người lạ mặt kia mới đi hết.
Nhìn cảnh tượng lúc đó, thật sự tôi sợ hãi và chán nản vô cùng. Tôi định nói với anh rằng nếu cứ tiếp tục giúp mẹ thì chắc chắn sẽ chỉ “tiếp tay cho giặc”, bà sẽ không bao giờ thay đổi. Hãy để mẹ, ít nhất một lần nếm trải cái giá việc làm của mình. Nhưng nhìn anh đau đớn, tôi lại không dám mở lời.
Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đấy. Hai hôm sau, khi tôi chưa kịp hoàn hồn thì bỗng nhận được cuộc gọi từ mẹ tôi. Bà hỏi cặn kẽ về chuyện gia đình anh.
Trong khi tôi lúng túng chưa biết nói sao thì mẹ tôi bảo, mẹ anh vừa gọi điện thoại đến hỏi vay 400 triệu đồng. Nhưng giọng điệu bà tỏ ra rất uy hiếp, rằng nếu bố mẹ tôi không cho vay tiền thì bà sẽ không cho chúng tôi cưới hỏi gì nữa, thậm chí nếu chúng tôi cứ quyết sống với nhau thì bà sẽ phá và làm cho tôi đau khổ.
Nghe mẹ tôi nói mà tôi choáng váng. Đến nước này tôi đành kể rõ sự tình nhà anh cho mẹ biết. Mẹ tôi bảo: “Con phải suy nghĩ thật kỹ về việc có tiếp tục với Minh được không. Người nghiện cờ bạc rất khó dứt bỏ. Nếu con về làm dâu nhà đó, suốt đời sẽ phải trả nợ cho họ thôi”.
Tôi thấy mẹ tôi nói cũng đúng, đến giờ chưa làm dâu mà tôi đã phải gánh không ít nợ cho mẹ anh rồi, nếu lấy về thì không biết sẽ thế nào. Thế nhưng tôi không thể bỏ Minh. Tôi yêu anh và quan trọng hơn, giọt máu của anh đang ngày một lớn trong người tôi.
Minh Nguyệt (Quảng Ninh)
Đoàn Dự ghi chép