Một lớp học không có bàn ghế, mọi hành động không bị đánh giá đúng hay sai, học viên không phải nghe lời thầy cô giáo, không phải dùng trí nhớ để ghi nhớ các bài học mà tự do làm những gì mình thích, cảm xúc được ưu tiên số một. Đó là các lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm Life Art.
Học ‘Điên’ để tự tin hơn‘Điên’, ‘Cuồng’, ‘Tự sướng’, ‘Buông thả’, ‘Thoát xác’ là những khóa học kỳ lạ của Trung tâm Life Art, doanh nghiệp xã hội đầu tiên ở Việt Nam chuyên sâu về nghiên cứu, thúc đẩy, và thực hiện phương pháp phát triển cộng đồng qua quá trình sáng tạo.
Các lớp học ở Life Art đều sử dụng phương pháp dùng nghệ thuật để phát triển con người. Đến đây bạn không nhất thiết phải giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp. Bạn mặc trang phục gì cũng được, miễn là thoải mái để tự do chuyển động. Mỗi lớp học tối đa chỉ có mười sáu người.
Chia sẻ về lí do thành lập Life Art với những khóa học mà nhiều người mới chỉ nghe tên đã thấy tò mò, Phan Ý Ly (32 tuổi, giám đốc Life Art, thạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam tốt nghiệp chuyên ngành Phát triển Con người qua Nghệ thuật và Truyền thông tại Đại học Winchester, Anh) cho biết, cô thành lập Life Art vì nó thoả mãn nhu cầu được hiểu người khác và kết hợp cả “cơn thèm được sáng tạo, lăn lê bò toài” của cô.
Phan Ý Ly là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thạc sĩ ngành Phát triển Con người qua Nghệ thuật và Truyền thông tại Đại học Winchester, Anh. (Credit: ABC) “Các lớp học ở đây nằm ở mảng phát triển con người, tạo một không gian an toàn cho học viên. Họ có thể làm những điều mà ngoài xã hội vì những định kiến họ không dám làm, như nói ra sự sợ hãi của họ, rồi tự độc thoại. Có bài tập cá nhân như vẽ ra sơ đồ cuộc đời, đánh dấu các mốc thăng trầm, vui, buồn... chứ không chỉ là liệt kê sự kiện. Học viên phải trải nghiệm và vận dụng mọi giác quan, trong đó có trực giác để làm giàu vốn sống trong tâm hồn và tri thức, từ đó có cái nhìn và đường đi của riêng mình trong cuộc sống,” Ly lý giải về phương pháp dạy của lớp học.
Phan Ý Ly cho biết, nhiều người tìm đến Life Art vì họ đã chán ngấy các khóa học làm theo chỉ dẫn, ngồi nghe thụ động. Họ muốn tìm đến một không gian cho chính họ. Họ sẽ để ý ‘cái tôi’ nhiều hơn, biết lắng nghe trực giác mình nhiều hơn và tự do thể hiện cái tôi sáng tạo hơn.
“Lớp ‘Điên’ dành cho người ta tự do hơn trong suy nghĩ về mọi vấn đề, dành cho những người muốn tự tin hơn trong cuộc sống. Lớp ‘Cuồng ‘dành cho những ai muốn nhảy múa tự do mà không cần tuân theo bất cứ khuôn khổ nào. Những cái tên lạ của lớp học lấy cảm hứng từ sự gợi ý của chính những học viên đã từng tham gia trải nghiệm ở đây,” Ly giải thích.
Những hoạt động ‘dị’ nhưng ‘chất’Dù mới xuất hiện ở Hà Nội từ tháng 4 năm 2010, Life Art đã đón hơn 2000 lượt người đến trải nghiệm. Có người đến vì tò mò trước những cái tên ‘dị’, có người đến vì muốn trải nghiệm phương pháp mới, nhưng rồi rất nhiều người đã quay lại Life Art để thỏa ‘cơn thèm tự do’.
NT Huyền (32 tuổi, ngành viễn thông) cho biết chị tìm đến các lớp học ở Life Art vì nó gần như đúng với những gì đã từ rất lâu chị tìm kiếm: một không gian tự do diễn tả bản thân, khám phá bản thân bằng các chuyển động của cơ thể trong âm nhạc, hay nói cách khác dùng nghệ thuật để diễn tả, giải tỏa cảm xúc trong sâu thẳm con người.
“Sau khi tham gia Life Art, mình có cảm giác yêu mọi ngõ ngách nơi cơ thể của mình. Trong cuộc sống hiện đại thực dụng và vội vã như hiện nay, tìm được một không gian để tự do vẽ cảm xúc của mình, và được tôn trọng như thế, thực sự là đáng quí,” Huyền chia sẻ.
Còn với NT Anh (24 tuổi, SV ngành Tài chính) mức học phí 740.000VNĐ/3 buổi trải nghiệm là khá cao. Nhưng bạn rất hài lòng với những gì khám phá ra được ở Life Art.
Tuấn Anh bảo, lần đầu tiên tiếp xúc với những bài tập giao tiếp bằng cơ thể là một cực hình. Cảm giác như cơ thể bạn tan chảy, rất run, toàn thân nóng bừng vì mỗi lần tiếp xúc với bạn khác giới là trong đầu cứ suy nghĩ lung tung, không thể tập trung được vào mục tiêu của bài tập.
“Tuy nhiên, sau 1 thời gian, hiểu được môi trường tại Life Art hơn, thì mình đã có 1 sự thay đổi thực sự lớn: không còn ngại va chạm, tiếp xúc bằng cơ thể với người lạ, dễ dàng biểu đạt được bản thân hơn trong giao tiếp, dễ dàng chia sẻ hơn. Sau khóa học mình thấy tự tin hơn trước đám đông. Học được cách tôn trọng lẫn nhau, nâng niu và cảm thụ cảm xúc của người khác,” Tuấn Anh chia sẻ.
Đang là sinh viên, thường xuyên phải lên lớp nghe giảng bài nên Tuấn Anh là người thấy rõ nhất sự khác biệt của phương pháp dạy mới tại Life Art.
Tuấn Anh bày tỏ: “Môn học ở trường thiếu sự trải nghiệm, việc truyền tải chỉ mang tính 1 chiều. Còn tại Life Art, những điều mình được tiếp thu giống như việc bản thân mình được làm chủ, mình được sở hữu không gian của bản thân, mọi bài tập giống như thứ gia vị được ngấm dần đều vào cơ thể qua mọi giác quan, qua mọi loại cung bậc cảm xúc để học viên có thể tự cảm nhận bằng trí não, trái tim”.
Source: RFI
Sửa bởi người viết 01/06/2013 lúc 10:27:14(UTC)
| Lý do: Chưa rõ