Phải thuê người đóng vai chú rểNgày cưới của chị, bà con xa gần ai cũng tấm tắc khen ngợi vì thấy “chú rể” đẹp trai, cao lớn, khỏe mạnh. Ấy vậy mà mấy hôm sau, mọi người đều té ngửa vì chồng chị là một kẻ tật nguyền, hai chân bại liệt, giọng nói ú a ú ớ không rõ tiếng, không phải là “chàng rể” bữa làm đám cưới.
Người phụ nữ “thuê” chồng trong ngày cưới chính là chị Kiều Thị Thu, sinh năm 1979 (năm nay 38 tuổi) tại huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Trào, sinh năm 1978 tại huyện Biên Giang, tỉnh Hà Đông (nay là phường Biên Giang, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Do nhân duyên trời định, chị Thu – một phụ nữ lành lặn nhưng có thể nói là rất xấu gái – kết duyên với người chồng bị khiếm khuyết về cơ thể đó.
Trong đám cưới thì người phụ nữ nào dù xấu hay đẹp cũng muốn sánh bước với người mình yêu ra mắt họ hàng. Nhưng anh Trào bị liệt hai chân không thể đi được, anh chị đành phải thuê người khác “đóng vai” thay thế, người ở ngoài Bắc vốn hay sĩ diện.
Người xấu xí, người khuyết tật Không khó để tìm đến căn nhà nhỏ của hai vợ chồng đặc biệt này. Anh Trào đang tỉ mỉ với công việc gấp các khăn giấy ướt, mỗi khăn cho vào một chiếc bao nhỏ đã in sẵn nhãn hiệu. Các bao đó sẽ được công ty cho chạy qua một loại máy để ép miệng bao lại, rồi đưa vào máy làm lạnh trước khi giao cho những người phân phối đến các nhà hàng ăn uống, vậy là đã có thứ khăn lạnh cho khách sử dụng.
Anh Trào cho biết: “Vợ tôi làm trong công ty chuyên sản xuất khăn lạnh. Tôi không đi lại được nên ở nhà lo việc cơm nước và bán mấy thứ tạp hóa lặt vặt. Giờ người ta mở nhiều cửa hàng quá nên mình buôn bán không ăn thua gì, tôi bảo vợ tôi nhận việc ở công ty về nhà cho tôi làm phụ, kiếm được đồng nào hay đồng nấy”.
Anh Trào là con thứ 3 trong một gia đình nhà nông, có 4 anh chị em. Hồi nhỏ, bố mẹ bận công việc đồng áng nên không chăm bẵm được anh. Trong một lần sốt cao, anh bị co giật không rõ nguyên nhân. Lúc đó bố mẹ chỉ tìm thầy lang thuốc Nam, cho uống lá lẻo quanh quẩn, vì vậy bệnh chỉ tạm đỡ, gần như không dứt.
Hơn một tuổi, anh Trào không biết đi, cũng không bập bẹ biết nói, hai chân rất yếu nhưng gương mặt xinh xắn, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, phát triển bình thường mặc dầu chỉ ngồi hay nằm một chỗ, không mè nheo quấy khóc mà cũng không thích chơi với các trẻ con khác.
Lớn lên, dần dần Trào cũng nhận ra sự thiệt thòi của mình khi mỗi ngày ngồi bên cửa sổ nhìn bạn bè cắp sách tới trường. Người nhà nông không coi việc học là quan trọng, ai cũng bận rộn, không ai chỉ dạy cho Trào nên đến nay một chữ cắn làm đôi anh cũng không biết.
Theo thời gian, căn bệnh tàn phá các cơ trên khuôn mặt anh. Miệng méo nên Trào không thể phát âm như người bình thường. Chỉ người nhà, bà con hàng xóm láng giềng vẫn quen tiếp xúc mới hiểu anh muốn nói gì, còn người lạ nghe tiếng được tiếng không.
Hai chân Trào bị teo, không đi lại được còn hai tay thì luôn luôn run nhẹ. Nhìn anh cố gắng gấp những chiếc khăn giấy ướt thật đều để cho vào túi trông rất vất vả. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt gia đình anh đều lo liệu đầy đủ, hàng ngày vợ đi làm, con đi học về, cơm nước đã xong xuôi.
Cơ duyên trời địnhSức khỏe không tốt, chẳng bao giờ Trào mơ ước đến việc có một gia đình êm ấm như những người bình thường. Chàng trai tội nghiệp này nghĩ rằng cả đời anh sẽ chỉ lê la quanh quẩn trong góc nhà, góc bếp, giúp bố mẹ những công việc lặt vặt. Anh hiểu căn bệnh teo cơ có thể làm cho anh không thọ bởi vì ít vận động, sức khỏe rất kém.
Tình cờ chị Kiều Thị Thu, một người rất xấu xí trong xã với da mặt sần sùi và cái miệng đưa ra giống như mõm chuột, buổi tối được bà bác họ nhờ đi với mình đến nhà bố mẹ Trào có chút công việc. Gặp Trào, thấy chàng trai có vẻ hiền lành, gương mặt sáng sủa, ngồi bẹp trên nền nhà, hai chân mềm oặt quẹo về phía sau, đang vót những chiếc nan tre đều tăm tắp để đan thành những chiếc giỏ đựng cua, đựng cá cho người ta đến lấy mối đem bán. Thấy chàng trai làm việc chăm chỉ, khéo léo với hai bàn tay khẳng khiu, gầy guộc trông thật tội nghiệp, chị vừa ngạc nhiên lại vừa thương xót. Thỉnh thoảng anh nhìn lên, đôi mắt tinh nhanh, cái miệng trông giống như người cười nhưng không phải cười. Chung quy anh vẫn giữ gìn, từ đầu đến cuối không nói một tiếng nào cả.
Lúc về, đi trên đường làng, Thu hỏi, bà bác trả lời: “Đâu phải nó cười, tại mồm nó méo đấy nhưng là… méo đẹp, trông như người cười”. “Thế anh ấy có nói chuyện được không bác?”. “Được chứ, nhưng nói không rõ tiếng, phải người quen lắm mới hiểu”. Cuối cùng, bà bác cười, nửa đùa nửa thật: “Nó ngoan lắm mày ạ, lại siêng năng nữa, hay mày lấy quách nó đi cho rồi”. Thu cũng cười, đập nhẹ vào cánh tay bác: “Bác này! Cứ đùa thôi. Ai lại lấy người tàn tật!”. Được thể, bà bác họ lại càng làm tới: “Được chứ sao không được. Nó trúng gió bị liệt chứ có phải cái giống nhà nó thế đâu. Hễ mày muốn lấy nó, tao làm mối cho”. Và bà nói tiếp: “Cái giòng nhà nó bảnh trai, hồi nhỏ nó xinh lắm. Mày không được đẹp, lấy nó, vợ chồng chí thú làm ăn, may mà giời thương lại, đẻ mấy đứa con giống bố thì cứ gọi là phúc bẩy mươi đời”. Thu bị thuyết phục, hơi lưỡng lự: “Để cháu nghĩ lại xem sao”.
Những lần đến chơi tiếp theo, Thu tự động gợi chuyện với Trào. Cô nhận thấy anh nói không rõ tiếng nhưng đúng là rất hiền lành tử tế mà lại siêng năng chăm chỉ, có thể tin tưởng được.
Về phần Trào, thấy cô gái cùng xã tuy mặt mũi xấu xí nhưng tỏ ra có tình cảm với mình, anh không dám tin đó là sự thật. Mãi cho đến hôm bà Đoài – bác họ của Thu – đến chơi, nói đùa với Trào trong lúc có mặt cả bố mẹ của Trào ở đấy: “Cậu Trào này, con Thu nhà tôi nó quý cậu lắm đấy, cậu có muốn lấy nó tôi làm mối cho”. Trào sung sướng cười ngỏn ngoẻn nhưng chỉ đỏ mặt không biết trả lời thế nào, còn bà Tý mẹ Trào thì hỏi dồn: “Thật không bà? Bà có thể làm mối cô Thu cho cháu Trào nhà tôi được phải không?”. Bà Đoài cười: “Được chứ sao không được. Tôi là bác họ, bố mẹ nó còn phải gọi tôi bằng chị con chú con bác ruột nữa mà…”. “Vậy thì trăm sự nhờ bà. Nếu nhân duyên của cháu thành, chúng tôi biết ơn bà”. “Ơn với nghĩa gì, thấy cậu Trào tuy khiếm khuyết nhưng chịu thương chịu khó nên tôi cũng quý, tôi bảo là bố mẹ con Thu nghe ngay”.
Lúc hai vợ chồng bà Tý tiễn khách ra cổng, ông Tý còn nhắc lại: “Xin bà làm ơn giúp giùm. Trăm sự nhờ bà…”. “Vâng, không dám. Ông bà cứ yên tâm, tôi nói là được”.
Bà Đoài về nói chuyện với bố mẹ Thu, ông bà cũng bằng lòng, cả nhà đều buồn về việc Trào tàn tật nhưng chẳng ai nỡ nói ra.
Sắp đến ngày cưới, chú rể hai chân bại liệt không thể đi đứng được thì biết làm sao. Bà Đoài vốn tính mau lẹ bèn bàn là nên… thuê tạm chú rể nào đó. Nhân Trào có người em họ con cô con cậu ở xã Đồng Mai, ít người bên này biết mặt, bố mẹ Trào bèn sang đấy năn nỉ nhờ cậu em con bà mợ Trào giúp giùm. Cậu ta chỉ cười: “Giúp thì cháu giúp được nhưng cháu chưa có vợ, đóng vai chú rể sợ mấy đứa con gái tưởng cháu lấy vợ thật, nó không thèm lấy cháu nữa thì sao…”. “Đẹp giai, lại cao lớn, mạnh khỏe như cháu thiếu gì đứa muốn lấy, sợ gì mà sợ”. “Nhưng cô phải cho cháu tiền thuê đồ cưới ca-vát, áo vét chẳng hạn. Giầy tây thì cháu có rồi…”. “Được, cô chú bán đi con lợn là dư sức làm. Coi như cô chú “thuê” cháu đóng vai chú rể cho cháu bằng lòng”. “Vậy thì tốt, cháu đồng ý, chiều mai đi làm về cháu sẽ đến tiệm đồ cưới thuê một bộ đồ vét thật đẹp”.
Đám cưới diễn ra êm đẹp. Những người quen biết hiểu hoàn cảnh Trào bị bại liệt phải nhờ người em họ ở bên Đồng Mai đóng vai “chú rể”, ai cũng thông cảm. Còn những người không biết, họ tấm tắc khen chú rể cao lớn, đẹp trai trong khi cô dâu… không được đẹp. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, mãi về sau mọi người mới biết “chú rể” hôm ấy là chú rể giả.
Nhớ lại chuyện chung sống, chị Thu kể: “Ban đầu thì không yêu thương lắm đâu, nhưng càng ngày tình cảm cứ lớn dần, sau mình thấy chuyện tàn tật của anh ấy không đáng kể nữa. Nhiều người bảo tôi xấu xí nên mới lấy một người như thế. Lúc đầu tôi cũng nghĩ như vậy nhưng dần dần tôi thấy anh ấy đúng là một người chồng tốt. Mặc dù kinh tế gia đình phần lớn do tôi gánh vác, anh chỉ làm công việc lặt vặt trong nhà và vá xếp được những những chiếc khăn ướt, nhưng đối với tôi thế là đủ”.
Gần 11 năm chung sống, hạnh phúc của anh chị gần như viên mãn khi có hai cậu con trai xinh xắn, khỏe mạnh. Cậu con trai lớn năm nay đang học lớp 5, còn cậu con bé mới vào lớp 1. Kinh tế mặc dầu khó khăn song gia đình họ rất êm ấm.
Bữa cơm của cái gia đình bé nhỏ, ấm cúng với 2 đứa con trai.
Tình đẹp trên đôi nạng gỗ Căn nhà trọ đơn sơ nằm sâu trong một con hẻm ở Sài Gòn của gia đình anh Đạt những ngày gần đây lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói. Chỉ còn vài ngày nữa thôi, lễ cưới của anh Đạt và chị Huyền sẽ diễn ra. Thế nhưng để có được niềm vui trọn vẹn hôm nay, cả anh Đạt và chị Huyền đều đã phải vật lộn với số phận bằng tất cả nghị lực của mình.
Chị Huyền bán cà phê và các thứ lặt vặt tại nhà.
Đã từng định tự tử vì nghĩ sống cũng chỉ làm tội cho bà ngoạiLúc 2 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Lệ Huyền (sinh năm 1980 tại An Giang, năm nay 37 tuổi), trải qua một cơn sốt tê liệt khiến chân tay không thể cử động được. Thời điểm đó bố lại bỏ nhà đi theo người đàn bà khác, để lại một mình mẹ cô bé gồng gánh nuôi con. Mẹ của bé và bà ngoại đã chạy chữa khắp nơi nhưng cũng chỉ cứu được hai cánh tay, còn hai chân bé thì đành chấp nhận khuyết tật.
Năm 8 tuổi, lại một bất hạnh khác ập đến với cô bé: Mẹ đi cất hàng bằng xuồng, xuồng bị lật chìm trong cơn nước lớn.
Sau này, chị Huyền kể: “Lúc đó gia đình ngoại tui nghèo lắm. Hai người dì em ruột má tui thương ngoại tuổi cao sức yếu, mà cũng thương đứa cháu mồ côi tàn tật là tui, nên người ta nói cũng nhứt định không chịu lấy chồng, đặng ở nhà mần ăn, nuôi ngoại, nuôi cháu”.
Dù ngheo và tàn tật nhưng Huyền cũng được đi học. Mỗi lần Huyền đi hay về học, “dì Tư” tức người “dì nhỏ” của Huyền đều phải đưa đón bằng chiếc xe đạp cũ. Dì được phép chở Huyền tới tận cửa lớp rồi dựng xe, bồng Huyền vô lớp, lúc về cũng vậy. Nhưng đến khi Huyền học hết lớp 5, sắp thi vô lớp 6 thì trường Trung học Cơ sở (tức trường Cấp 2) ở xa, phải đi qua đò, không đem xe đạp qua được nên Huyền bắt buộc phải nghỉ học. Lúc ấy Huyền 11 tuổi.
Để khỏi tiếp tục trở thành gánh nặng cho ngoại và dì, Huyền lén đi bán vé số để có tiền phụ giúp gia đình. Chị Huyền gạt nước mắt kể lại: “Các dì thường phải chở từng bao gạo 50kg vô trong đồng bằng xe đạp, tới từng nhà bán chỗ này vài ký, chỗ kia vài ký. Thấy các dì vất vả quá, tui không đành tâm. Tui lén nhờ người hàng xóm cũng đi bán vé số lấy giùm vé ở đại lý, rồi tay cầm xấp vé, lết bằng cái mông đi bán. Nhứt là những bữa trời mưa, đường ướt thì cực lắm. Một lần, dì Ba bất ngờ bắt gặp, dì ôm lấy tui mà khóc. Từ bữa đó tự dì đến đại lý ký tên nhận vé số giùm, tui không phải nhờ người ta nữa”.
Chị kể tiếp: “Tuy còn nhỏ nhưng nhiều lúc cực quá, tui đã nghĩ đến cái chết bởi vì thấy sống chẳng ích gì, chỉ làm tội cho ngoại và hai dì mà thôi. Nhưng lạ lùng là tui hổng biết tự tử bằng cách nào. Nhảy xuống sông thì sợ chết đuối, ngoại với hai dì buồn, còn uống thuốc ngủ thì không biết tên thuốc, bởi vậy nên tui vẫn lê lết sống nhăn…”.
Anh Chung Chí Đạt sinh năm 1981 tại Củ Chi, tức ít hơn chị Huyền 1 tuổi. Năm 2011, 30 tuổi, anh đi làm công nhân, bị tai nạn giao thông gãy nát chân trái, bệnh viện phải cắt bỏ. Gia đình vốn khó khăn, cha anh mất sớm, vì vậy sau khi bị tai nạn, Đạt rơi vào tâm trạng chán nản, cũng muốn tìm đến cái chết. Những ngày nằm trong bệnh viện, Đạt tự hỏi không biết khi trở về nhà mình sẽ làm gì.
Anh Đạt rất chăm chỉ sửa xe gắn máy và sửa quạt điện.
Huyền thì biết trên Sài Gòn có trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật, bèn xin phép bà ngoại và hai dì rồi lên đấy học về nghề may, được ăn ở miễn phí ngay tại trung tâm. Sau khi học xong, Huyền được trung tâm giới thiệu tới làm việc tại một công ty may mặc ở quận Tân Bình.
Sự may mắn bắt đầu đến với Huyền. Ở Tân Bình có Trung tâm Huấn luyện Thể dục & Thể thao cho người khuyết tật. Huyền kể: “Từ ngày tui vô trung tâm, quen biết được với nhiều người, thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi người nên không còn ý định tìm đến cái chết nữa. Tui nhận ra rằng có rất nhiều người khuyết tật như mình, thậm chí còn cực nhọc hơn nữa nhưng họ đều cố gắng vươn lên, chưa bao giờ oán trách số phận mà thay vào đó là không ngừng cố gắng để có chút hy vọng một ngày mai sẽ khá hơn. Vì vậy tui phải bắt chước mọi người”- Huyền chân thành chia sẻ.
Năm 2011, chị Huyền chính thức trở thành vận động viên bơi lội của đội tuyển thể thao người khuyết tật thành phố Sài Gòn. Trong 5 năm thi đấu, chị đã gặt hái rất nhiều huy chương vàng, huy chương bạc toàn quốc ở bộ môn bơi ếch và bơi ngửa. Chị hào hứng kể: “Đôi chân tui không hoạt động được, nhưng hai tay thì làm việc hết sức lực. Khi bơi tui có cảm tưởng như mình đang phải vật lộn với những khó khăn, cực nhọc, nhưng vẫn phải cố gắng tiến về phía trước bằng hết khả năng”.
Nhờ những thành tích cao trong thi đấu, chị Huyền có thêm tiền để mua xe gắn máy ba bánh. Mỗi lần đi thi đấu, được giao lưu với bạn bè, chị cảm thấy cuộc sống thật thú vị và tươi vui hơn rất nhiều.
Về phần anh Chung Chí Đạt, sau khi được sự khuyến khích của người thân, anh lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống, đi học nghề sửa xe gắn máy và mở tiệm sửa xe tại nhà. Anh kể: “Một hôm, có ông khách đến sửa xe, thấy tui khuyết tật nhưng rất khéo tay nên có lòng tốt muốn dạy cho tui thêm nghề sửa quạt điện. Vậy là tui chịu khó theo lời ông chỉ dẫn để có thêm một nghề mới”. Dù tiền bạc kiếm được không nhiều nhưng cũng khiến anh cảm thấy hạnh phúc với tháng ngày mà mình đang sống.
Yêu nhau là cùng nhìn chung về một hướng.
“Cuộc đời lấy đi của tui một chân nhưng lại cho bù đắp cho tui một người vợ vô cùng tuyệt vời. Nhiều khi tui thấy mình rất may mắn” – anh Đạt cười sảng khoái.
Ba năm trước anh Đạt và chị Huyền quen biết nhau nhờ một người bạn giới thiệu. Quý mến tính tình của chị Huyền nên anh Đạt tìm cách quen thân. Chị Huyền kể rằng ngày nào anh cũng mua đồ ăn sáng đem qua cho chị, hỏi han ân cần. Mỗi khi chị bệnh anh đều không quản vất vả để chăm lo cho chị. Thế rồi chị cũng xiêu lòng trước tấm chân tình của anh.
Nhiều lần hai anh chị ngỏ lời muốn làm đám cưới nhưng gia đình chị Huyền không đồng ý. “Ngoại tui đã mất mấy năm nay. Hai dì lên Sài Gòn chơi, cả hai dì đều không muốn cho tui lấy anh Đạt vì sợ tui khổ. Các dì bảo hai đứa đều tật nguyền thì sao mà sống? Thế nhưng sau khi thấy tình cảm sâu nặng của hai đứa với nhau, hai dì bèn đồng ý cho tui và anh Đạt làm đám cưới” – chị Huyền vui vẻ kể.
Họ kết hôn sau khi được gia đình đồng ý
Ngày 22/5/2016, chị Huyền và anh Đạt đã chính thức nên vợ nên chồng. Lễ cưới của anh chị được sự hỗ trợ của Trung tâm Thể dục Thể thao Người khuyết tật quận Tân Bình và những người quý mến anh chị.
Vậy là sau rất nhiều khó khăn, bây giờ anh Đạt và chị Huyền đã dìu nhau trên con đường hạnh phúc. Trời đã lấy đi của họ đôi chân nhưng trời chẳng bỏ ai cả.
Thiếu gia giả nghèo để thử lòng người yêu Huyền Thương và Trường gặp mưa bên hông Nhà thờ Đức Bà.
Người thợ sửa xe ô-tô và cô gái xinh đẹp Huyền Thương quen với Trường giữa năm 2011 khi cô đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Báo chí, còn Trường thì mới ở bên Mỹ về Việt Nam được một thời gian sau hơn 10 năm du học và làm việc ở bên ấy. Hiện anh đang phụ ba mẹ trông coi một gara ôtô (gia đình anh có công ty chuyên về ôtô).
Huyền Thương kể: “Hôm đó tôi có chút công việc đến bãi đậu xe cạnh gara nhà anh Trường. Anh ấy lấm lem, tự nhận là thợ sửa ô tô ở xưởng, nói vài câu chuyện rồi xin số điện thoại của tôi và cho số điện thoại của anh để nếu các giảng viên trong trường có cần thì tiện liên lạc”.
Huyền Thương kể tiếp: “Hồi ấy tôi mới học năm thứ nhất nên còn ngốc nghếch. Thỉnh thoảng thấy anh gọi đến, chuyện trò có vẻ thật thà và hay nói đùa nên tôi cũng bắt chuyện. Một hôm, ở trong ký túc xá nhà trường, tôi gọi cho anh, than đói bụng. Quả nhiên, một lúc sau anh vẫn ăn mặc theo kiểu người làm công, đi xe Honda đem đến một bịch thức ăn toàn những thứ ngon đưa cho tôi. Tôi hỏi: “Anh nghèo thì làm sao có tiền mua những thứ này?”. Anh cười: “Nghèo thì nghèo chứ thợ chuyên môn đâu có bết đến nỗi không có tiền mua nổi một ít đồ an”. Chúng tôi ăn chung với nhau rất vui”.
Huyền Thương cho biết: “Thật ra anh ấy cũng chẳng đẹp trai gì lắm, người hơi thấp, chỉ cao bằng tôi là cùng, mặt tròn, hơi mập nhưng rất tốt bụng nên dần dần hai đứa yêu nhau lúc nào không hay”.
“Anh ấy hơi thấp nên chỉ cao bằng tôi là cùng…”.
Cô kể tiếp: “Suốt thời gian yêu nhau, tối nào anh Trường cũng đi xe Honda đến ký túc xá, đậu xe dưới sân nhìn lên cửa sổ phòng tôi trên lầu, rất muộn mới về. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn xuống, giơ tay làm bộ đấm cho anh ấy một đấm, anh ấy cười, hôn gió tôi một cái trước khi ra về. Đặc biệt, không bao giờ anh ấy tặng quà, thỉnh thoảng chỉ mua cho tôi những thứ cần thiết đối với một sinh viên nội trú như mì gói, cháo khô đóng gói, đường, sữa, bột đậu nành và dặn tôi đói bụng thì chịu khó ăn uống, hết anh ấy lại mua chứ đừng có nhịn, người gầy đi, không tốt. Anh hỏi tôi đã có điện thoại chưa, tôi nói có rồi nhưng cũ quá, cứ trục trặc hoài, anh bèn mua tặng tôi một chiếc cũng không lấy gì làm đắt lắm song dù sao cũng tốt hơn cái cũ của tôi”.
“Yêu nhau được ít lâu, cho đên khi tôi lên năm thứ hai, anh ấy nói đến chuyện kết hôn, tôi bật cười: “Anh làm thợ sửa ô tô, em còn đang đi học, lấy nhau rồi nhịn đói à? Ráng đợi em học xong đã”. “Mấy năm nữa thì em học xong?”. “Hết năm thứ tư”. “Trời đất ơi, hơn 2 năm, anh đợi sao nổi? Anh lái xe giỏi lắm. Ở bên Mỹ…”. “Bên Mỹ làm sao?”. “À không, ý anh muốn nói ở bên Mỹ người ta vừa lấy chồng vừa đi học cũng được. Chúng mình lấy nhau, nếu nghèo, ban ngày anh đi sửa ô tô, tối đi lái taxi hay chạy xe ôm, vậy là mình dư sức để sống”. Biết là anh yêu lắm, tôi lưỡng lự: “Thôi được, muốn cưới thì cưới nhưng em thấy tội nghiệp anh quá à…”. “Không có gì tội nghiệp. Anh sẽ làm cái đám cưới thật bảnh cho em thấy tay thợ sửa ô tô này cũng có tiền chứ chẳng phải nghèo”. Anh nói nhưng tôi không tin lắm, tôi chấp nhận một cái đám cưới đơn giản nhưng thật vui vẻ, cô dâu chú rể hòa hợp, yêu thương nhau như mọi người nghèo khác.
Đến khi được anh mời về nhà giới thiệu với ba mẹ, tôi rất ngạc nhiên vì nhà anh là một biệt thự sang trọng, hai chiếc xe hơi bóng loáng đậu trong sân, có người làm công bưng nước ra mời khách. Ba mẹ anh chuyện trò với tôi rất vui vẻ, ông cho biết ông là chủ một doanh nghiệp chuyên về xe hơi và có gara sửa xe cho khách. “Nghe Trường nói hai cháu dự định làm đám cưới, hai bác mừng lắm. Trường là con một, hai bác đã lớn tuổi rồi, cũng nóng lòng mong có cháu bế…”. Tôi chỉ cúi đầu khẽ dạ.
Và Trường đã tổ chức đám cưới “thật bảnh” như lời anh đã nói, với sự ủng hộ hết lòng của ba mẹ.
Đoàn Dự