Đầu năm, đi lễ chùa, may sao cận kề giờ Thầy thuyết pháp. Tôi và người nhà tranh thủ lễ Phật rồi tìm chỗ, ngồi nghe Thầy giảng kinh. Mọi người đang chăm chú nghe Thầy giảng, đột nhiên Thầy dừng lại hỏi các trò:
- Các con có biết TÂM là gì không?
Cả hội trường im lặng. Các trò Tây đã là một nhẽ, vì Thầy hỏi bằng tiếng Việt. Còn các trò Việt người thì khẽ ngoảnh đầu nơi khác, người cúi xuống chỉnh lại cái khăn, hay cái mũ, nếp áo cho con, người thì khẽ lầm rầm trong miệng, nhưng hình như chỉ để đủ mình nghe thấy…
Thầy cầm micro trên tay, ánh mắt chăm chú theo dõi khuân mặt các trò, và (có lẽ) Thầy cũng rất hy vọng sẽ có trò nào đó trả bài, nhưng tịnh yên một hồi lâu, không thấy trò nào phản ứng nên Thầy đành giảng tiếp.
Một lát Thầy lại hỏi:
- Thế các con có biết TÂM mình ở đâu không?
Các trò Tây im lặng rồi cùng hướng mắt sang phía các trò Việt. Lần này đã có trò Việt húng hắng trong miệng, nhưng (thật tiếc) lại cũng chỉ đủ để cho chính mình nghe thấy. Rồi cả hội trường trở lại trạng thái… thiền.
Gương mặt Thầy dường như phảng phất đôi nét thất vọng. Thầy bảo: Vậy là không có trò nào trả lời phải không? Nói rồi Thầy lại tiếp tục giảng kinh. Được một lát Thầy lại nhìn các trò Việt, hỏi:
- Thế các con có biết làm cách nào để đè được TÂM mình xuống hay không?
Các trò Tây hình như có phần căng thẳng, bởi người ngoảnh cổ, người dõi mắt như muốn thăm dò phản ứng của các trò Việt, nhưng cũng như mọi lần, các trò Việt vẫn chỉ ngồi „thiền“ rất… lặng.
Rồi giờ thuyết pháp của Thầy cũng kết thúc. Các trò Việt lại vội vã ào lên sắp lễ (khổ thế đấy, đi lễ chùa nhưng hệt đi chạy loạn, ai cũng tất tưởi, nháo nhác, hệt như sợ mình không đến lượt, hay các Bồ Tát sẽ đóng cửa, không tiếp mình nữa?!), rồi cũng lại tất tưởi bước tới chánh điện để sì sụp khấn vái…
Một đệ tử Tây bước lại nơi chúng tôi đang đứng, giọng vẻ rất chân thành:
- Tôi cảm nghĩ người Việt các bạn rất ít khi phát biểu?
- Sao ngài nghĩ vậy? Tôi hỏi lại.
- À – đệ tử Tây nọ nói – vừa rồi Thầy hỏi, nhưng tôi không thấy ai trả lời cả.
- Có thể mọi người e ngại hoặc sợ lời mình nói ra sẽ sai, không đúng với lời Thầy mong muốn. Tôi đáp (nói đúng hơn là chống chế).
- Nếu đơn giản thế thì có thể hiểu được. Đệ tử Tây nói. Nhưng chúng ta đến đây là để học hỏi lẫn nhau, và để nghe Thầy giảng pháp. Chuyện sai-đúng chúng ta có thể tranh luận. Mọi sự tranh luận đều có đúng-sai, nhưng quan trọng hơn là chúng ta biết mình sai-đúng ở chỗ nào, từ đó sẽ có lời giải đáp. Đệ tử Tây nói.
Tôi đáp:
- Có thể ngài chưa hiểu hết về người Việt chúng tôi. Trước những cuộc tranh luận mang tính đại chúng thế này, người Việt chúng tôi thường có hai thái độ: một là im lặng, hai là sẽ lẳng lặng bỏ đi nơi khác.
Đệ tử Tây nhìn tôi, không hiểu:
- Thế có nghĩa là sao?
Tôi đáp:
- Ngài đừng hiểu lầm. Sự im lặng có hai nghĩa của nó. Một là tôi không hiểu nên tôi sẽ im lặng, sự im lặng ấy có thể hiểu như một sự đồng ý với quan điểm của Thầy, nghĩa là Thầy nói đúng thì tôi cũng đúng, và Thầy nói sai thì tôi cũng sai; hai là tôi biết nhưng tôi sẽ không thèm nói ra.
Đệ tử Tây có vẻ chăm chú hơn, nói:
- Rắc rối thế sao? Nếu Thầy hỏi tôi, mà tôi không hiểu, tôi sẽ hỏi Thầy cho tường tận, còn nếu tôi biết, mà được Thầy hỏi, tôi sẽ nói ngay những gì tôi đang nghĩ. Như thế không phải tốt hơn sao?
Tôi đáp:
- Đúng là thế, nhưng người Việt tôi như vậy, chúng ta đâu có quyền để buộc họ lên tiếng.
Đệ tử Tây nói:
- Dĩ nhiên tôi hiểu điều đó. Tự do tín ngưỡng và tự do phát biểu ở Đức là quyền của con người mà. Nhưng được tự do mà không biết xử dụng nó là mình đã tự phủ nhận mình, và đó còn là một cái tội. Ngài thử nghĩ xem, hàng ngày, hàng tháng Thầy thuyết pháp cho mọi người, dĩ nhiên Thầy cũng mong mọi người hiểu được những gì Thầy nói. Nhưng khi được Thầy hỏi, mọi người lại đều im lặng, không nói rõ mình không hiểu hay hiểu mà sợ không dám nói, như thế có phải thiệt thòi và tội lỗi không?
Tôi cười rồi cố tìm một lời giải thích cho phù hợp. Tôi nói:
- Biết giải thích thế nào cho ngài hiểu bây giờ? Nhưng ngài hãy nghĩ giản đơn thế này: Ngài đang sống ở đây – nơi mà ngài có quyền nói, làm tất cả những gì mà pháp luật cho phép. Ngắn gọn lại là ngài được bày tỏ, được phát biểu những suy nghĩ của ngài ở bất cứ đâu, và trước bất cứ người nào cho dù đó là bà thủ tướng hay ông tổng thống nước Đức, mà không sợ bất kỳ ai buộc tội, hay tìm cách để bịt miệng hay trừng phạt ngài. Nhưng người Việt chúng tôi, có lẽ từ lâu rồi, chúng tôi chỉ được quyền phát biểu trong „khuôn khổ“, giản đơn là: trong gia đình cũng phải được bố mẹ cho phép; ngoài xã hội cũng phải được các „sếp“ cho phép, nghĩa là: những lời phát biểu phải được người khác „ưng chuẩn“. Ngược lại, ngài hiểu rồi, hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Đệ tử Tây khẽ gật gù, đáp: Tôi hiểu. Nhưng các ngài đừng quên mình đang ở nơi này. Như thế quả thực là đáng tiếc.
Tôi đáp:
- Ngài nói đúng. Nhưng đó là lý do mà người Việt chúng tôi không dám, hoặc ít khi dám bày tỏ quan điểm của mình. Có lẽ nó đã trở thành một thói quen mang tính tự vệ và lâu ngày nó trở thành cốt cách của một dân tộc…
Cuộc trò chuyện sẽ còn kéo dài, nếu không có người quen của vị đệ tử Tây nọ tới viếng chùa. Chia tay tôi, vị để tử Tây chắp tay trước ngực, nhoẻn cười và cầu chúc tôi cùng người thân một năm mới tốt đẹp.
Năm mới đi lễ chùa, từ lâu và trải qua biết bao thế hệ, đã trở thành một tập tục mang tính truyền thống của người Việt. Lễ Chùa không chỉ giản đơn là nhu cầu về mặt tâm linh, mà ẩn chứa trong mỗi con người dù ít, dù nhiều một tấm lòng hướng thiện. Tuy nhiên giữa thời âm thịnh, dương suy hay còn gọi là Thời Mạt Pháp hôm nay, không chỉ nơi đây mà ngay cả nơi đất Việt xa xôi, hình ảnh các chùa chiền cùng những dòng người lũ lượt xiêm áo, mâm, thúng lỉnh kỉnh, ngồn ngộn… ào ào đổ đến các chùa để dâng hương, sánh lễ… không thể không gợi cho chúng ta động lòng trắc ẩn.
TÂM là gì? TÂM ở đâu? Làm sao để chế ngự được TÂM mình? Nó không phải là một câu hỏi thuần đơn mang tính Phật pháp, cũng không chỉ cho riêng ai, mà nó là một câu hỏi cho tất cả những ai còn thực sự quan tâm tới Phật pháp, tới sự tồn vong của đất nước và còn có tấm lòng hướng thiện.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Việt Hà