Liệu các loại thực phẩm này có thể giúp phòng ngừa bệnh viêm khớp xương mãn tính và Alzheimer? (iStockphoto) (Credit: ABC Licensed) .Các nhà khoa học Úc cho rằng chế độ ăn có nhiều nấm sò, hành, khoai lang, lá bạc hà, quế và lá đinh hương có thể giúp phòng ngừa các chứng viêm nhiễm mãn tính.
Giáo sư Gerald Muench thuộc nhóm nghiên cứu y học phân tử từ Đại học Tây Sydney và cộng sự đã công bố báo cáo về khả năng chống viêm nhiễm của một số loại thực phẩm phổ biến trên số ra gần đây của tạp chí ‘European Journal of Nutrition’.
“Nấm sò hiệu nghiệm hơn nhiều so với mật ong nâu hay nấm khuy,” ông Muench cho biết.
Viêm nhiễm mãn tính liên quan tới nhiều căn bệnh do tuổi tác như bệnh viêm khớp xương hay Alzheimer. Một số loại thức ăn từng được xác định có khả năng chống viêm nhiễm nhưng ông Muench và cộng sự quan tâm tìm ra loại nào hiệu nghiệm nhất.
“Ý tưởng của chúng tôi là xác định loại thực phẩm hiệu nghiệm nhất nên được khuyến cáo trong chế độ ăn,” ông Muench nói.
Thực phẩm phổ biếnCác nhà nghiên cứu thu thập 115 loại thực phẩm từ siêu thị, gồm rau, quả, nấm, đồ uống, thảo mộc, gia vị và lấy chiết xuất từ các loại thực phẩm bằng cách làm nóng trong 10 phút trong lò vi sóng và sau đó hòa với nước.
Sau đó các nhà nghiên cứu thử nghiệm mức độ hiệu nghiệm của thực phẩm trong việc giảm các dấu hiệu viêm nhiễm như cytokine và các gốc tự do bằng cách đưa các chất được chiết xuất vào đại thực bào đã được kích hoạt để mô phỏng hiện tượng xảy ra khi cơ thể phản ứng với sự tấn công của vi-rút hoặc vi khuẩn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy hành, lá bạc hà, khoai lang, quế, cây đinh hương và nấm là 6 loại thực phẩm có tác dụng chống viêm nhiễm hiệu nghiệm nhất.
“Chúng tôi không nghĩ nấm sò có tác dụng chống viêm nhiễm cao như vậy. Đây là một phát hiện đáng ngạc nhiên,” ông Muench cho biết.
Sử dụng làm thuốc điều trị?Ông Muench cho rằng kết quả là ‘bước khởi đầu tốt đẹp’ nhằm tìm ra những loại thức ăn có thể hữu ích trong việc phòng ngừa các bệnh do viêm nhiễm mãn tính. “Thí nghiệm cho thấy đây là những loại thực phẩm hiệu nghiệm cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn,” ông Muench nói. “Thực phẩm càng hiệu nghiệm bạn càng không cần ăn nhiều để có tác dụng điều trị cho cơ thể.”
Theo ông Muench, thực phẩm được làm nóng trước khi thử nghiệm cho thấy chúng vẫn có tác dụng chống viêm nhiễm sau khi nấu chin. Tuy nhiên, họ vẫn cần thử nghiệm ở động vật và người để xác định chính xác tác dụng thực tế của các loại thức ăn.
Ông ước tính có thể cần ăn khoảng 200 gram thực phẩm chống viêm nhiễm mỗi ngày để có tác dụng với cơ thể. “Đây là điều có thể làm được,” ông Muench nói, đồng thời nhấn mạnh cần thử nghiệm chính xác hơn để xác định lượng thực phẩm cần dùng sẽ có tác dụng chống viêm nhiễm.
Ông Muench và nhóm nghiên cứu cũng cần thử nghiệm các hóa chất chống viêm nhiễm có thẩm thấu vào máu hay không.
Nghiên cứu do cơ quan Sức khỏe Dự phòng của CSIRO tài trợ và là một phần trong nghiên cứu về vai trò của chế độ chất dinh dưỡng lành mạnh trong việc làm chậm thời điểm phát bệnh Alzheimer.
Source: ABC Australia