Thính giả Nguyễn Văn Thượng, California, hỏi:
“Tôi tên Nguyễn Văn Thượng, 63 tuổi, từ Việt Nam qua ở California, nay được 7 tháng. Cách đây hai năm mắt phải tôi bị tăng nhãn áp cấp tính. Tôi đi Bệnh viện St Paul ở Sài Gòn được mổ cấp cứu và được bắn lazer vào mắt trái để phòng ngừa. Một năm sau được tái khám và thay thủy tinh thể. Thị lực bây giờ thì mắt trái là 10/10, con mắt bị mổ là 9/10.
Nhưng sau khi bị nhãn áp tăng và bị mổ, thị lực là 9/10, nhưng thấy nó sáng hơn nhiều lắm. Cái đồng tử bị giãn, nên nhìn thấy ánh sáng rất chói. Ban đêm con mắt đó nhìn tốt hơn hơn mắt bên kia, nhưng ban ngày thì bị chóa. Muốn khắc phục chuyện đó, thì con mắt bị bệnh phải mang kính đen, còn mắt kia thì để trắng, thì nó sẽ đồng. Như vậy rất khó coi.
Tôi muốn hỏi Bác sĩ có cách nào để phục hồi đồng tử lại cho đều hay không, và thứ nhì là cách chăm sóc mắt sau phẫu thuật.
Xin cám ơn Bác sĩ”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Cơn cườm nước cấp tính, cườm khô và yếu mống mắt sau khi mổ
Đây là một lãnh vực hẹp trong chuyên môn y khoa về mắt, bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên về mắt để định bệnh và tư vấn. Những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin rất tổng quát, không có mục đích giúp bệnh nhân tự giải quyết lấy.
Trước hết chúng ta sơ lược một số điểm về cách con mắt làm việc.
Trong một cái máy chụp hình, nhìn vào phía trước, chúng ta thấy một thấu kính (camera lens) để cho ánh sáng đi vào phía sau và ánh sáng in hình lên phim hoặc trên màng phim tiếp nhận.
Mắt chúng ta cũng tương tự như một cái máy chụp hình, ánh sáng cũng đi qua một bộ phận như một cái thấu kính, bộ phận đó là thủy tinh thể (lens).
Phía trước thủy tinh thể của mắt, chúng ta có một bộ phận gọi là mống mắt (iris), như một cái màng chặn ánh sáng vào phía sau mắt, chỉ để một lỗ hở gọi là con ngươi hoặc đồng tử (pupil) cho ánh sáng đi qua, chiếu vào võng mạc (retina).
Mống mắt là bộ phận làm màu mắt của chúng ta khác nhau: mắt nâu, mắt xanh, mắt xanh lá cây.
Chung quanh mống mắt, phía sau, có một bộ phận gọi là ciliary processes sản xuất một dịch (thuỷ dịch, aqueous humor) đi từ phòng sau mắt, qua con ngươi ra đến phòng trước, rồi được thoát ra vào các tĩnh mạch nhỏ. Nếu đường thoát của thuỷ dịch bị tắt, dịch ứ đọng quá nhiều trong cầu mắt, là áp suất tăng, gọi là glaucoma (cườm nước).
Lúc chúng ta nhìn từ xa về gần, thuỷ tinh thể cũng cần thay đổi hình dạng để thích ứng (tăng khả năng hội tụ ánh sáng), (accommodation), cũng nhờ đến một cơ (ciliary mucle) nằm trong bộ phận này.
Glaucoma với góc đóng (Angle closure glaucoma):
Đôi khi, móng mắt phình ra trước, làm cản trở hệ thống hình lưới trong góc dẫn lưu (trabecular meshworks in drainage angle), tựa như một tờ giấy nằm gần ống thoát nước của cống rảnh, nếu tờ giấy đột nhiên rơi vào trên miệng ống cống, nước sẽ không thoát đi được.
Lúc chỗ thoát nước hoặc dẫn lưu của mắt bị tắt nghẽn, áp suất trong tròng mắt gia tăng đột ngột, thì có hiện tượng gọi là cơn cườm nước cấp tính do góc đóng (acute angle closure glaucoma attack). Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như sau:
Mắt mờ (blurred vision)
Đau nhức dữ dội ở mắt
Nhức đầu
Vòng hào quang ngũ sắc chung quanh ngọn đèn hoặc nguồn ánh sáng (rainbow colored halos around lights)
Buồn nôn (buồn mửa, mắc ói) (nausea), ói mửa (vomiting)
Đây là một trường hợp cấp cứu thật sự về bệnh mắt. Nếu có những triệu chứng trên, cần gọi bác sĩ y khoa chuyên về mắt ngay. Nếu không được chữa trị gấp rút và kịp thời, có thể gây mù lòa (blindness).
Giải phẫu bằng laser có thể dùng để chữa trị cho nhiều loại glaucoma (cườm nước) khác nhau.
Trong cườm nước góc đóng (angle closure glaucoma), người ta dùng tia laser để tạo nên một cái lỗ (đục thủng) ở mống mắt (iris), để nước thủy dịch lưu thông dễ dàng hơn, đi về phía bộ phận thoát nước ở góc dẫn lưu (iridectomy).(Trong cườm nước góc mở (open angle glaucoma), tia laser tác dụng ngay trên chỗ thoát nước thủy dịch (ở góc dẫn lưu nói ở trên), để kiểm soát áp suất trong mắt. Thủ thuật này tiếng Anh gọi là trabeculoplasty).
Cataract:
Trong bệnh cataract, hoặc cườm khô, có một vết đục trong thủy tinh thể của mắt (lens).
Lúc cườm khô (cataract) mới xuất hiện, người bệnh thường không thấy thay đổi gì trong khả năng mình trông thấy, nhưng từ từ theo thời gian, vết đục càng ngày càng ảnh hưởng tới thủy tinh thể mắt, làm cho người bệnh biết mắt mờ đi (blurred vision), hình thể sự vật bị méo mó, người bịnh xốn mắt, khó chịu lúc nhiều ánh sáng và dễ bị chóa mắt lúc nhìn vào một ngọn đèn (glare). Cataract không chữa bằng thuốc uống được. Cách chữa duy nhất là giải phẫu (mổ), bằng cách lấy cái thuỷ tinh thể đã vẫn đục ra khỏi cái vỏ (capsule) chứa đựng nó và thay thế vào đó bằng một kính nhân tạo bằng plastic (intraocular lens). Thuỷ tinh thể nằm sau một cái màng chắn hình tròn có lỗ ở giữa, gọi là móng mắt (iris) màu đen, nâu, xám, xanh theo giống dân, cái lỗ chúng ta gọi là con ngươi (màu đen) (pupil). Ánh sáng từ ngoài đi qua cái lỗ này trước khi đi đến thuỷ tinh thể rồi đi qua phía sau mắt, hội tụ trên võng mạc (retina). Ánh sáng vào nhiều hay ít là do cái lỗ này lớn hay nhỏ. Lúc ra nắng, nhiều ánh sáng, có một bắp cơ hình tròn rất nhỏ trong mống mắt (iris sphincter muscle, pupillary sphincter) co nó lại, làm cho độ mở (aperture) ít đi, ánh sáng vào phía sau ít đi. Cơ được điều khiển qua những sợi thần kinh của hệ thần kinh tự động đối giao cảm, đi qua ngã thần kinh sọ số 3, từ não bộ, ra phía trước đi vào mắt từ phía sau tròng mắt rồi vào mống mắt qua các sợi thần kinh nhỏ (short ciliary nerves).
Nếu có một tổn thương nào đó trên các sợi thần kinh này, hay tổn thương của mống mắt, hay mống mắt bị rách do chấn thương vào mắt (ví dụ một trái banh baseball), hay do bệnh bẩm sinh, sinh ra không có mống mắt hay mống mắt quá nhỏ, hẹp, mống mắt sẽ không co lại được, hoặc co lại nhưng ít thôi, người bệnh sẽ không chịu được, hay khó chịu vì chói, loá mắt nếu ra ngoài nắng, chỗ có quá nhiều ánh sáng. Trong một số trường hợp rất hiếm, mống mắt có thể yếu đi (atonic pupil), do mống mắt bị tổn thương khi bác sĩ giải phẫu cần dùng dụng cụ đi qua con ngươi (đồng tử, pupil) rất hẹp để tiếp cận thuỷ tinh thể (lens) đã bị đục, nhũ tương hoá (emulsify) thuỷ tinh thể và thay vào thuỷ tinh thể nhân tạo (intraocular lenses); nhất là những trường hợp mổ khó, con ngươi quá nhỏ, cườm quá cứng. Trong một công bố của DL Galiani và A Aminlari, trong 1114 ca mổ cataract không gặp rắc rối trong vòng 10 năm, có 7 ca bị atonic iris sau khi mổ và kết luận biến chứng này có thể do nhiều nguyên nhân tạo nên, khó minh định là nguyên nhân nào.
Móng mắt, cơ tròn móng mắt, các mạch máu nuôi dưỡng, các sợi thần kinh điều khiển có thể bị hư hại. Nói chung có lẽ do nhiều nguyên nhân khác nhau, khó xác định, do đó cũng khó chữa trị một cách chính xác.
Về trị liệu, đương nhiên là tuỳ thuộc tình trạng mắt bệnh nhân. Giản dị nhất là đeo kính mát như trường hợp người đặt câu hỏi nêu ra. Nếu hai mắt kính tròng khác nhau không đẹp, có thể nghĩ đến kính tự động tối lại lúc ra nắng, sáng, đều nhau hai bên. Bác sĩ mắt có thể cho thuốc nhỏ mắt để làm con ngươi nhỏ lại (pilocarpine). Những biện pháp khác như thay thuỷ tinh thể kèm với con ngươi nhân tạo (iris implant) có thể khó áp dụng hay còn trong vòng thí nghiệm, nhất là ở Mỹ vì chưa được cơ quan quản trị thuốc men và thực phẩm FDA chấp thuận (ở Châu Âu, có thể dễ dàng hơn).
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền