Nhiều người, hay nói cho chính xác hơn là tất cả mọi người, thường tưởng rằng bác sĩ Yersin là người đã tìm ra Đà Lạt – vào năm 1891. Tưởng như vậy là tưởng tầm bậy, hay tưởng năng thối! Nghe tôi kể đầu đuôi (ngọn ngành) nè.
Vào một buổi chiều hè năm 1891, Yersin vừa lò dò bước chân đến thành phố Ðà Lạt thì ổng hết hồn hết vía – mặt mũi xanh lè, cắt không còn giọt máu – khi chợt thấy vợ chồng tôi đang ngồi (lù lù) câu cá ở hồ Xuân Hương. Kể ra nghe cũng hơi mắc cở nhưng thiệt tình thì lúc đó tụi tui đang cãi lộn, và hơi lớn tiếng. Thay vì ngồi im thưởng thức một buổi chiều vàng, đang rơi mênh man trên hồ vắng – giữa cao nguyên hoang vu và tĩnh lặng – vợ tôi cứ lải nhải nói không ngừng chỉ vì tôi đã lỡ làm xẩy một con cá chép.
- Sao honey biết là nó bự?
- Không bự sao cái đọt cần câu cong vòng như chữ “U” vậy?
- Cá nào xẩy mà không bự?
- Con này khác, con này bự thiệt và bự lắm lận.
- Thì từ từ để người ta câu con khác chớ làm gì mà nói hoài hà?
- Chớ rồi tối nay lấy cái gì ra mà nấu canh chua đây? Cá chưa câu được con nào mà đã lấy smart phone để chuẩn bị chụp hình, còn gọi lia lịa hết cha nội này tới cha nội khác, rủ cả đống tới nhà uống sương sương vài ly chơi ... Không lẽ tui cứ phải đi cầm quần, cầm áo để mua mồi cho mấy người nhậu miết vậy sao?
Coi: tui làm xẩy có một con cá chép chừng vài ba ký (thứ cá này hồ Tuyền Lâm và hồ Xuân Hương ở Ðà Lạt thiếu mẹ gì) mà vợ tui nó đay nghiến như vậy đó. Nó còn nói hành nói tỏi, nhiều điều tàn tệ khác nữa nhưng tui vẫn ráng dằn cơn nóng.
- Nam vô tửu như kỳ vô phong mà honey, bạn bè tụi anh gặp nhau thì cũng phải uống vài ly chớ, thông cảm chút đi, chớ cứ nhằn nhằn hoài nghe nhức đầu quá hà.
- Xí! Hồi ruợu vào lời ra, cả đám dành nhau nói, ca hát um xùm, ói mửa tùm lum, sao không nghe anh than nhức đầu?
- Thôi, đủ rồi đó nha …
- Không có đủ thiếu gì hết trơn á. Tui có miệng tui cứ nói … Tui sẽ la lên cho cả nước biết anh là cái thằng …
Ðúng lúc này thì Alexander Yersin xuất hiện. Rõ ràng là nhờ vợ chồng tui lớn tiếng nên thằng chả mới khám phá ra được Ðà Lạt ngay bữa đó; chớ không, chắc cũng còn lâu hoặc (rất) có thể là không bao giờ cả.
Hồ Xuân Hương. Ảnh: Wikipedia
Và sau “bữa đó” tụi tui ly dị. Tôi không thể chấp nhận ở chung với một người đàn bà mà phu xướng phụ (nhất định) không tùy như vậy. Còn nàng cũng cương quyết (thôi) không chịu sống với một “thằng đàn ông rượu chè, bê tha, vũ phu, thô lỗ, vô học, độc đoán, làm tình và làm tiền đều dở, câu cá cũng dở khẹc luôn” nên chúng tôi đành (vĩnh viễn) chia tay.
Vậy là nhà ai nấy ở, tiền ai nấy sài, hồn ai nấy giữ, đường ai nấy đi. Nàng đi đâu tôi không biết, cũng không hỏi làm chi. Còn tui thì bỏ xứ hoa anh đào mà đi mất tăm luôn đã mấy chục năm rồi.
Mối tình đầu (mầu hoa đào) và Đà Lạt mỗi lúc một thêm nhoà nhạt. Cứ tưởng đâu rằng người xưa, chốn cũ đã chết hết trong tôi ... thì đột nhiên cả trăm cơ quan truyền thông (bỗng) đưa tin dữ về xứ hoa đào:
Công An Nhân Dân: Nữ du khách phá hoại mai anh đào khiến người Đà Lạt giận dữ
Thanh Niên: Yêu cầu Phó giám đốc Sở Tư pháp bẻ hoa anh đào giải trình trung thực
Người Lao Động: Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận tường trình về vụ bẻ hoa
Tiền Phong: Vì sao PGĐ Sở Tư pháp bẻ hoa anh đào chụp ảnh?
Vietnamnet: Nữ phó GĐ sở cãi bay vụ bẻ hoa, ‘tố’ báo chí quy chụp
Nhân Dân: Bình Thuận Yêu Cầu Phó Giám Đốc Sở Tư Pháp phải xin lỗi
Báo Mới: Nhục nhã chuyện cành hoa quả trứng
Công An TPHCM: Nữ du khách bẻ hoa Mai Anh Đào khiến dân mạng dậy sóng
Hình ảnh bà Phạm Thị Minh Hiếu cầm nhành hoa anh đào được đăng tải trên Facebook N.A.T. Chú thích của báo Tuổi Trẻ
Đúng là sóng gió trong ... một tách nước trà. Và chính phạm tạo ra cơn giông bão này không ai khác hơn là những ông bà nhà báo quốc doanh. Họ vốn cũng chả ưa gì đám quan chức nhà nước nhưng vì ngòi viết bị chỉ đạo nên luôn phải né, không thể đụng chạm đến những vị lãnh đạo cấp cao, nhất là trong những lãnh vực nhậy cảm.
Nay bỗng vớ được một vị không cao cấp gì cho lắm, và chuyện hoa hoè lại không thuộc vùng cấm nên cả làng báo Việt đã xúm vào bề hội đồng bà Phạm Thị Minh Hiếu – phó giám đốc sở tư pháp Bình Thuận – tơi bời hoa lá.
Đây, tất nhiên, cũng là một dịp để “công luận lên tiếng” trút bao uất hận (vốn luôn luôn âm ỉ trong lòng) vào đám người – ăn trên ngồi trốc, ăn không ngồi rồi, ăn không từ một thứ gì – ở đất nước này. Bên dưới hằng trăm bài báo là hàng ngàn phản hồi, với những lời lẽ chua cay và hằn học:
Nguyễn Văn Ba: Vô liêm sỉ vô văn hoá.
Trần Sùng: Một con lợn không hơn không kém!
Hào Song Trần: ÔI, QUAN BÀ Tư pháp lại phạm pháp?
Dương Đông: Bà Hiếu là người thiếu văn hóa, lươn lẹo không xứng đáng là cán bộ lãnh đạo Sở.
Phan Bui :Con này ở dưới Bình thuận muốn làm gì nó làm quen rồi.
Chị Phương Hà Nội: Tôi thấy rằng ý thức của một nhóm người có địa vị trong xã hội, nhất là những người làm trong nhà nước, ý thức càng ngày càng đi xuống.
Cùng lúc, giới blogger cũng “không quên” vào cuộc:
Trưởng phòng chôm trứng, phó sở bẻ hoa, làm “quan” xin chớ làm hề
Từ chuyện trộm trứng, bẻ hoa đào, nghĩ về tính trung thực của cán bộ thời nay
Công chức bẻ hoa chụp ảnh: Nhà dột từ nóc?
Thái độ hung hãn, và hung dữ, của mọi người đối với bà Phạm Thị Minh Hiếu khiến tôi sửng sốt, và chợt nhớ đến ca từ trong một bản nhạc của Hoàng Nguyên: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa. Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.”
Coi: “ai lên xứ hoa đào” cũng đều được nhắn nhủ “mang về một cành hoa” nhưng riêng bà phó giám đốc sở tư pháp tỉnh Bình Thuận thì mới chỉ lỡ bẻ một cành đào thôi (chớ chưa kịp “mang về” nữa) mà đã bị cả nước xúm vào rủa xả không tiếc lời, và toàn những lời lẽ nặng nề thái quá: quan bà lươn lẹo, vô liêm sỉ, vô văn hóa ...
Nếu có cơ hội, thiên hạ (dám) xúm vào ném đá bà Phạm Thị Minh Hiếu cho tới chết luôn nữa không chừng! Mà sao lại đến nỗi thế, hả Trời?
Người Việt với nhau, chứ có phải là người Miên đâu, mà giết nhau dễ vậy? Vấn đề chắc chắn không chỉ vì một cành hoa gẫy. Đây, chả qua, là một dịp để người dân bộc lộ sự thù ghét của họ đối với giới quan chức của chế độ hiện hành thôi.
Bên ngoài công ty Formosa sáng 5/3. Chú thích: BBC. Ảnh: Lê Văn Sơn
Khi nhìn những vòng giây kẽm gai bao quanh để bảo vệ Formosa, vào ngày 3 tháng 5 vừa qua, blogger Trương Duy Nhất đã thốt lên đôi lời cảm thán: “Dù hôm nay không máu đổ. Nhưng những hàng thép gai kia còn buốt đau hơn máu. Những hàng thép gai luôn khiến ta gợi nhớ... chiến tranh. Nhưng đây là cuộc chiến khác. Cuộc chiến mà chính quyền đã coi nhân dân như kẻ thù của họ.”
Tương tự, blogger Cánh Cò kết luận rằng nhà nước đã lựa chọn chiến tuyến và thái độ: “Quyết chiến với dân.” Và đây mới đích thực là cuộc “chiến tranh nhân dân” mà người CSVN vẫn thường rêu rao nhưng đến nay họ mới có dịp nếm mùi.
Dù đã muộn, tôi vẫn hy vọng rằng: chuyện thanh toán/toán thù/máu đổ (trong tương lai gần) vẫn có thể tránh khỏi, hoặc giảm thiểu tới mức tối đa, nếu những kẻ đang cầm quyền hiện nay còn đủ minh mẫn để nhìn ra được lòng người dân Việt – qua một cành hoa.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (RFA)