Bà Lê Hiền tại quán của bà ở thành phố Perth, miền tây nước Úc. (ABC)
PERTH - Một người tịn nạn Việt Nam sở hữu bốn doanh nghiệp ở Tây Úc. Trước khi đạt được thành công như hiện nay, bà đã trải qua một chặng đường dài kể từ đêm đầu tiên ở Perth, khi bà phải ngủ trên sàn nhà vệ sinh công cộng tại nhà ga.
Bà Lê Hiền, 55 tuổi, xếp tất cả đồ đạc lên một chiếc thuyền đánh cá dài 6 mét vào năm 1982 và thực hiện chuyến đi dài, nguy hiểm đến Úc.
Bà Hiền cùng chồng và 12 người khác mất sáu ngày để đến Úc, thoát khỏi nước Việt Nam cộng sản sau chiến tranh.
Bà nói với đài ABC tại Úc, "Tôi không muốn nói nhiều về điều đó, vì đó là một câu chuyện buồn. Nhưng tôi rất hạnh phúc vì bây giờ tôi có thể đứng vững vàng cho ngày hôm nay."
Vào một ngày đầy nắng ở Bunbury, một thành phố cảng ở miền Nam Tây Úc, bà Hiền đang bán cà phê tại một tiệm bánh, là một trong bốn doanh nghiệp địa phương bà sở hữu.
Về đêm đầu tiên ở Perth, bà kể, "Khi tôi nghe tiếng ồn của những người đến gần, tôi phải nín thở vì không muốn làm họ sợ. Tôi đến Úc chỉ với vài bộ quần áo. Không ai nói cho tôi biết trời lạnh như thế nào. Tôi khóc nhiều lắm."
Chỉ nói được rất ít tiếng Anh, bà Hiền không thể tự bảo vệ trước những lần bị lạm dụng, bị kỳ thị chủng tộc nhắm vào bà và nhiều người khác. Bà nhớ có lần một tài xế xe buýt ở Berth không dừng lại cho bà lên xe, khiến bà phải bồng đứa con mới sinh đi bộ nhiều cây số dưới cái nắng đổ lửa.
Bà kể, "Lúc đó mắt tôi nhòa lệ. Tôi thì thầm với đứa con mới một tháng tuổi rằng mẹ thể với con và thề với Chúa, từ nay nước mặt của mẹ chỉ chảy xuống vì gia đình." Bà bắt đầu tự học tiếng Anh trong ba năm tiếp theo, học tủ chứ không theo trường lớp nào cả. Dù bận chăm con, bà vẫn quyết tâm tự học vì không thể xin đi làm nếu không biết tiếng Anh.
Chiều nào cũng vậy, đúng 2 giờ, bà đặt con xuống giường, ngồi trước màn hình TV với cuốn tự điển bên cạnh, xem chương trình "The Young and Restless and Days of Our Lives." Bà lắng nghe, ghi lại cách phát âm xuốn cuốn vở rồi tra lại tự điển.
Khi con trai cả ốm nặng, bà Hiền quyết định đến lúc phải ra khỏi nhà tạm trú ở Perth, và tái định cư ở Bunbury. Bà nghĩ cứ ở đây vài năm, nhưng không ngờ nhìn lại, 24 năm trôi qua. Bà nói, "Trong gia đình, tôi luôn là cái đầu tàu, do đó tôi phải cứng cỏi, mạnh mẽ, biết rõ mình đang làm gì và cần làm gì, để cả gia đình noi theo."
Ngoài việc kinh doanh, bà Hiền dành rất nhiều thời gian để giúp đỡ những cô gái Việt Nam trẻ tuổi, tìm đến nước Úc cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà nói, "Tôi giúp nhiều người lắm. Họ cần gì, tôi giúp đó. Tôi nghĩ lại chuyện của mình, hồi mới đến đây chẳng được ai giúp đỡ cả, vì vậy tôi hiểu tâm trạng của họ."
Ông Nguyễn Anh là chủ tịch cộng đồng Việt Nam ở Tây Úc, nói rằng bà Hiền là người rất nổi tiếng vì siêng năng làm việc từ thiện trong cộng đồng. Ông nói, "Bà rất thực tế, làm việc nhiều nhưng ngủ rất ít. Bà có tính tình vui vẻ, lúc nào cũng cười, chẳng bao giờ than phiền về công việc nặng nhọc."
Ông nói tiếp, "Bà Hiền giúp đỡ những ai có nhu cầu mà không cần được báo đáp. Bà là người có tính cách rất tốt. Mọi người yêu mến bà vì bà có tấm lòng vàng."
Ông Anh cũng là thuyền nhân, đến Úc năm 1981, tìm nơi tị nạn từ những khó khăn của đất nước sau chiến tranh. Ông kể, "Không ai trong chúng tôi tin rằng mình sống sót. Đúng là một phép lạ. Chúng tôi có cảm giác mình được hồi sinh. Từ những suy nghĩ đó, những người như bà Hiền và tôi phải vượt qua khó khăn, bắt đầu cuộc sống ngay từ con số 0 mà không hề hối hận."
Chính xác đó là điều Hiền Lê đã làm. Bà khẳng định nếu bà không rèn luyện tính cứng cỏi, có lẽ bà đã chết từ lâu rồi.
Theo báo Viễn Đông