Hỏi đáp Y học: Chữa bệnh bằng giác hơi Thính giả Thu Hà Lâm email đến câu hỏi sau đây:
“Kính chào Bác sĩ
Cho cháu hỏi, nếu cháu bị bệnh mà cháu giác hơi dùng lửa thì để được bao nhiêu phút, ngày xưa cháu được giác 15- 20 phút hoặc 30 phút nên hết bệnh
bây giờ người nhà cháu giác có 2 phút, và tối đa là 5 phút, giác thời gian ít nên không hút hết gió, bệnh vẫn còn y nguyên, vẫn chóng mặt, khó chịu. Vậy giác bao nhiêu phút là thời gian thích hợp, thưa bác sĩ?”
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Tải để nghe hỏi đáp Y học: Chữa bệnh bằng giác hơiGiác hơi (cupping)Trả lời thính giả Thu Hà Lâm:
Giác hơi là một phương thức chữa trị theo dân gian. Tôi nghĩ có thể xem như một nghệ thuật, nên thực hành thay đổi từng trường hợp, từng người chữa bệnh, cũng như bệnh nhân.
Tuy nhiên, giác hơi đã được thực hành hàng ngàn năm nay ở nhiều nơi trên thế giới. Phương pháp có thể hơi khác nhau; người ta có thể tạo chân không từng phần (partial vacuum) bằng cách đốt cồn trong ly/chai giác (fire cupping), hoặc hơ nóng chai để không khí nóng trong chai nở ra và sau khi áp vào da, lúc nhiệt độ xuống, sẽ co rút lại.Thường người ta để chừng 10 phút. Người ta cũng có thể dùng các suction cup bằng cao su/plastic bám vào da, hoặc máy bơm tạo nên chân không, không cần đến sức nóng.
Theo y học cổ truyền, giác hơi giúp khí huyết lưu thông và người ta tin rằng chữa được những bệnh đau nhức, cảm mạo, ho đàm...Hội giác hơi của Anh (British Cupping Society) cho rằng có thể chữa được nhiều bệnh như bệnh thiếu máu, bệnh phong thấp, bệnh da, bệnh phụ nữ v..v...Tuy nhiên, y khoa dòng chính vẫn còn nghi ngờ các điểm này vì chưa được chứng minh khoa học rõ rệt. Hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) thì cho rằng " những bằng chứng hiện có không hỗ trợ việc dùng giác hơi để chữa bệnh ung thư và bất cứ bệnh nào khác." Năm 2012, một khảo cứu cho thấy, nếu kết hợp với châm cứu hay thuốc men, giác hơi có thể giúp ích trong các bệnh “giời ăn” (zona, herpes zoster), liệt thần kinh mặt (facial paralysis), đau khớp xương cổ (cervical spondylosis) và mụn trứng cá (acne).
(Ref:Cupping therapy,
http://www.webmd.com/balance/guide/cupping-therapy)
Hiểu theo tây y thì tác dụng không phải do hút ra được "gió" nhiều hay ít, mà nên xét xem chai/ly giác hơi lớn hay nhỏ, sức hút (áp suất âm) tạo nên do thể tích không khí trong chai giác teo lại, và giác những chỗ nào trên cơ thể. Cần tránh giác hơi ở những vùng cơ thể có tĩnh mạch sâu bị nghẹt máu đông, da lở loét, vùng có động mạch đi qua ở dưới, chỗ có thể bắt mạch được (pulse)v..v...Nếu để lâu thì sức hút kéo dài hơn, sự kích thích trên vùng da thịt lâu hơn. Cơ chế tác dụng trên bệnh hay triệu chứng thế nào chúng ta chưa rõ.
Nên nhớ, càng để lâu thì vì hơi nóng, cơ nguy phỏng da nhiều hơn, các vết bầm cũng rõ rệt hơn, và do đó chúng ta có khuynh hướng cho là ra gió nhiều hơn, nhưng đây chỉ là kết quả của những mao quản dưới da bị vỡ, chưa chắc là tốt cho bệnh nhân.
Tóm lại, đây là một nghệ thuật, nên ở cương vị bác sĩ tôi không thể hướng dẫn vị thinh giả một cách khoa học được, chỉ xin cảnh báo một số điểm về an toàn mà thôi.
Chúc quý vị may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền
Source: VOA