TS Truyến tin rằng bản chất giá trị của tôn giáo, tín ngưỡng là hướng vào gắn kết cộng đồng hơn là tư lợiNhà nghiên cứu từ Hà Nội bình luận hiện tượng xây chùa, đắp tượng quá ồn ào, nhân sự việc doanh nhân Trầm Bê cho đặt tượng, ảnh, bảng hiệu cúng dường của người thân ở nhiều chùa chiền ở Nam Bộ.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Truyến, nhà xã hội học tôn giáo, bình luận với BBC hôm 15/4/2013 về động cơ của một số cơ sở tôn giáo, như đình, đền, chùa chủ động tiếp nhận các khoản cung tiến.
Ông cũng nói về quan hệ các bên cho và nhận về kinh tài giữa tín đồ và tu sỹ trong đời sống và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay.
Ông cho rằng các đại gia, quan chức ở Việt Nam hiện nay đang có nhu cầu mạnh về cầu tài, cầu lộc, cầu an, cũng như cầu quyền lực ở góc độ nhu cầu và tâm linh nhằm vụ lợi cá nhân.
Ngược lại, nhiều cơ sở tôn giáo, gồm không ít chùa chiền và sư sãi cũng đang rời xa nguồn gốc của tôn giáo truyền thống để đi tới lựa chọn vừa thích tu vừa thích hưởng thụ.
"Chùa ngày là để cứu với sinh linh, cho nên đem cái khổ của mình ra để xoa dịu cái khổ của nhân loại, cho nên họ muối một vại dưa, vại cà ăn hàng một hai năm, nhà chùa toàn mặc áo thô, đi chân đất thôi, chứ không diện, sang trọng hay sa hoa như bây giờ..."
"Các ngôi đình, hay ngôi chùa nó cũng thấp thôi, nó không cao như bây giờ, hay nó cũng không phải là chót vót trên đỉnh đồi, để lôi kéo mọi người thập phương đến như kiểu nhà thờ thời Trung Cổ, nó gần gũi với con người...,
"Vì thế nên tôi nghĩ người nghèo nói chung bây giờ cũng cảm thấy xa lạ với nhà chùa, có thể những chùa gần gũi thì người ta đến, còn những chùa sang trọng quá, người ta cũng không dám đến, "ông nói với Quốc Phương của BBC
Source: BBC