Chữa “bệnh già”, khác với chữa bệnh của người già, vì theo một quan niệm y khoa mới, hiện tượng “già” hay lão hoá phải được xem là một hội chứng bệnh, không phải là một sự kiện tự nhiên mà con người đành phải chấp nhận. Bệnh già phải và sẽ chữa được, hay ngăn chặn như bất kỳ một bệnh tật nào khác.
Để so sánh, hội chứng “Mỡ Đường Máu”, là một tập hợp của ba chứng bệnh: cao máu, cao mỡ, cao đường, liên hệ với nhau theo kiểu bánh xe răng cưa. Thế thì “hội chứng bệnh già” bao gồm tất cả các bệnh, các nguyên nhân, làm cho các tế bào, các cơ quan nội tạng mau hư, mau già cỗi, mau bệnh, và mau chết.
Lập luận như vậy, có nhiều khoa học gia, hay bạn đọc, cho là ngược đời, trái với tự nhiên. Tuy nhiên, phải có những người suy nghĩ ngược ngạo như vậy, thì ngày nay ta mới biết được rằng quả đất nó tròn, và xoay quanh mặt trời. Thí dụ khác, ngày xưa, người ta chấp nhận, chết vì “trúng gió” thì không có cách gì phòng ngừa hay cứu được. Nhưng, ngày nay, những nguyên nhân đưa đến đột quỵ tim, hay đột quỵ thần kinh, đa phần có thể phòng ngừa và cứu thoát chết. Những suy nghĩ không bị đóng khung ấy, đã thúc đẩy sự tiến hoá của nền văn minh nhân loại, kéo dài tuổi thọ trung bình loài người từ 30 tuổi của những thế kỷ trước, đến gần 80 của ngày hôm nay. Giới hạn của tuổi thọ, trên lý thuyết có thể kéo dài hơn nữa, dựa trên những khám phá khoa học mới nhất.
Trong vòng một thập niên vừa qua, người ta cho rằng các bệnh ung thư xảy ra là do đột biến của một gene nào đó. Tuy nhiên, hiện nay người ta biết rõ thêm, thay vì một gene duy nhất, có một tập hợp đột biến gene, dưới ảnh hưởng của một “gene thúc đẩy” gọi là driver gene, sẽ gây ra bệnh tật liên hệ.
Tương tự, hiện tượng lão hoá, được xem như một hệ quả của nhiều yếu tố , nhiều gene tác động lên nhau. Cũng như ung thư, rất có thể có một “gene thúc đẩy”, driver gene nào đó kiểm soát sự lão hoá. Mỗi loài động vật sẽ có một “gene thúc đẩy” driver gene tương cận, do đó tuổi thọ trung bình khác nhau. Thí dụ, con trùn đất sống được 2 tuần, còn con cá voi sống được trên 200 năm…
Đọc tin tức, các cụ sống thọ trên 100 tuổi có những lời khuyên, kinh nghiệm khác biệt, nhiều khi rất trái ngược và tương phản lẫn nhau. Tựu trung, đa số đều ăn uống cẩn thận, vận động nhiều, và ít lo lắng, nhưng cũng có cụ ăn trứng gà sống, thậm chí hút cigars và uống rượu mạnh mỗi ngày! Nghiên cứu cho thấy nếp sống, chế độ ẩm thực, thật ra chỉ đóng góp được vào khoảng 30% lý do ít bị bệnh tật và sống thọ. Các cụ sống trên 100 tuổi, rất có thể vì may mắn có được gene…thọ, chống lão hoá.
Sự lão hoá xảy ra vì bốn lý do: tuổi đời, quá trình các tế bào bi oxide hoá, sự hao mòn của thể telomere sau nhiều lần tế bào nhân đôi, và hiện tượng “thắng đường” hay “ngào đường” gọi là glycation. Thể telomere nằm ở cuối nhiễm sắc thể, có công dụng giữ những chuỗi DNA không bị tách rời hay tan vỡ. Khi tế bào nhân đôi càng nhiều lần để thay thế các tế bào già cỗi hay bị thương tích, thể telomere càng ngắn đi, và cuối cùng, tế bào sẽ chết mà không được thay thế. Mỗi tế bào có thể nhân đôi khoảng 10 đến 15 lần. Còn hiện tượng “thắng đường” hay “ngào đường”, gycation, xảy ra khi các phân tử đường bám vào DNA, protein, chất béo, làm huỷ hoại các chất nầy khiến cho tế bào mau già mau chết.
Năm 2016, các khoa học gia đã tìm ra gene kiểm soát sự lão hoá trong con trùn đất, gọi là DAF-2 và tổ hợp các DAF gene tương tự. Nói cho dễ hiểu, các DAF gene hoạt động qua việc kiểm soát nồng độ đường và insulin cũng như hormone tăng trưởng IGF-1 có cấu trúc tương tự như insulin. Bằng cách khống chế, thay đổi DAF-2 gene nầy, tuổi thọ của con trùn tăng lên gấp 5 lần, từ khoảng trên hai tuần lễ lên đến trên 100 ngày!
Người ta nghĩ rằng, con người cũng có những gene tương tự như DAF-2 gene, tuy chưa tìm ra, nhưng rồi cũng, sẽ mà thôi. Lý luận nầy cũng có lý, vì bằng chứng trong con người, khi kiểm soát lượng đường trong máu, và nồng độ insulin thấp, thí dụ như ăn ít lại hay vận động nhiều, tuổi thọ sẽ tăng cao hơn. Cũng vì thế, theo quan sát, thuốc trị bệnh tiểu đường Metformin, có thể kéo dài tuổi thọ bằng cách giảm nồng độ đường và insulin trong máu.
Một khám phá khác cũng trong năm 2016, người ta tìm ra một công cụ dùng để cắt và ráp, thay thế những gene bị hư trên chuỗi DNA, gọi là CRISPR-Cas9. Như thế, trong tương lai những gene nào xấu, gây ra bệnh tật, gây ra ung thư, sẽ được cắt bỏ và thay bằng những gene tốt.
Thêm vào đó, những tiến bộ về tế bào gốc, sẽ giúp người ta thay thế hay chữa trị các cơ quan nội tạng bị hư hay bi bệnh không khác gì thay thế…phụ tùng xe hơi.
Nói chung, theo đà tiến triển của các khám phá mới, nhiều chuyên gia cho rằng, chuyện “chữa bệnh già” có thể thực hiện được trong vòng 10 dến 20 năm kế tiếp. Không phải là chuyện khoa học viễn tưởng.
Lại nói về vấn đề y đức. Ai cũng muốn mình sống lâu, sống khoẻ. Và, cha mẹ nào cũng muốn con mình sanh ra không bi bệnh tật, thông minh, cao lớn, và…đẹp trai, đẹp gái. Có nhiều người sợ rằng những khám phá nầy sẽ bị lạm dụng, phục vụ cho một giai cấp giàu hay giai cấp thống trị để tạo ra những siêu nhân superman. Lo ngại nầy không gì mới mẻ, và đã được gióng lên mỗi khi có một phát minh kỹ thuật, hay một khám phá y học mới, và lần lượt đều bị chứng minh là lo…hoảng. Có thể lúc đầu vì giá thành tốn kém, giống như thuốc men, hay xe điện chẳng hạn, chỉ có một số người nào đó có đủ điều kiện để hưởng, nhưng, cuối cùng rồi nhân loại, ai cũng được hưởng nếu khám phá ấy có ích lợi, thí dụ như điện thoại di động iPhone hay Samsung Galaxy!
Trong khi chờ đợi, ta hãy trở về với thực tại, kiến thức rút tỉa được qua khám phá DAF gene trong con trùn, là, phải bớt ăn, nhất là đường, và vận động nhiều để sống lâu!
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
____________
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn.
Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:
www.bacsihongocminh.com.