Liên hoan phim Cannes 2017 và màu sắc chính trị Chủ tịch Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes Pierre Lescure (P) trong cuộc họp báo thông báo các phim lựa chọn tranh giải năm nay, Paris, Pháp, 13/04/2017 REUTERS/Philippe Wojazer
Chính trị Pháp, chống biến đổi khí hậu, chính sách đón nhận người tị nạn của châu Âu, hệ thống phân phối phim trên mạng, công nghệ thực tế ảo trong điện ảnh : đó là những nét nổi bật của chương trình Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 70.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13/03/2017, giới thiệu 18 bộ phim tranh được chọn tranh Cành Cọ Vàng, Liên hoan Cannes 2017, chủ tịch Festival, Pierre Lescure tuyên bố hy vọng « liên hoan lần này là dịp để mọi người chỉ chú ý đến điện ảnh, nhưng điện ảnh luôn phản ánh thời cuộc (…) mà ở thời điểm này thì người ta nói nhiều về chính trị và những đề tài lớn ».
Trong vế chính trị, Liên hoan Cannes diễn ra giữa hai vòng bầu cử tổng thống Pháp và chỉ vài tháng sau khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.
Chống biến đổi khí hậu và nhập cư là hai đề tài lớn nổi bật năm nay. Cannes 2017 chọn đưa vào chương trình chính thức ít nhất hai tác phẩm nói về người tị nạn. Một là « Happy End » của đạo diễn Michael Haneke. Ông đã hai lần đoạt Cành Cọ Vàng. Bộ phim thứ nhì của đạo diễn Hungary Kornel Mandrucszo : « Jupiter’s Moon ». Không tranh giải, nhưng bộ phim tài liệu của nữ đạo diễn Anh, Vanessa Redgrave, « Sea Sorrow » cũng dành để nói về thảm cảnh của người bỏ xứ ra đi. Sau cùng, « Out » của đạo diễn Slovakia Gyorgy Kristof được chọn ở hạng mục Nhãn quan độc đáo – Un Certain Regard, nhìn về hoàn cảnh của những người lao động nhập cư tại châu Âu.
Trên bàn cờ quốc tế, Bắc Triều Tiên là đề tài nóng bỏng. Điều đó cũng được phản ánh trên các rạp chiếu phim ở Cannes năm nay qua tác phẩm « Napalm ». Bộ phim này có thể gây tranh cãi, nhất là gần đây tác giả bộ phim này, Claude Lanzmann đã tuyên bố :« theo cựu tổng thống Bush, Bắc Triều Tiên không nằm trong trục tội ác ».
Một số các đề tài gây chú ý trong công luận khác, như chế độ điều trị của những người bị nhiễm HIV, đã có chỗ đứng riêng biệt trong mùa liên hoan năm nay, qua « 120 battements par minute », 1 trong số 4 bộ phim Pháp tranh Cành Cọ Vàng.
Về trách nhiệm của nhân loại với môi trường, 11 năm sau khi « An Inconvenient Truth » lần này cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore trở lại với thảm đỏ Cannes với « An Inconvenient Sequel: Truth to Power »
Những bước đột phá của Cannes 2017
Lần đầu tiên, ban tổ chức mời hai bộ phim của nhà phân phối Netflix tranh Cành Cọ Vàng. « Okja » của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho và bộ phim Mỹ « The Meyerowitz Sotries » của nhà làm phim Noel Baumbach. Cả hai tác phẩm này nhằm phục vụ cho khách hàng của Netflix tại các quốc gia mà dịch vụ cung cấp phim của tập đoàn Mỹ này hoạt động. Từ năm 2015 hai nhà cung cấp dịch vụ lớn trên thế giới là Amazon và Netflix đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh. Quyết định này của ban tổ chức Liên hoan Cannes bị các nhà phân phối truyền thống chỉ trích kịch liệt.
Để chào mừng Festival Cannes tròn 70 tuổi, nhà làm phim người Mêhicô Alejandro Gonzalez Inarritu đến thành biển biếc với « Carne y arena - Cát và xác thịt ». Đây là một bộ phim ngắn 6 phút 30, sử dụng kỹ thuật « thực tế ảo- Virtual Reality ». Ở đây khán giả xem phim qua một cặp kính đặc biệt để xem hình ảo. Mỗi chi tiết, hay nhân vật trong phim đều hiện ra ngay trước mặt người xem. Với cặp kính này, khán giả không cần đến màn ảnh lớn cố định như trong các rạp phim truyền thống từ trước tới nay. Một trong những liên hoan điện ảnh quốc tế uy tín nhất thế giới đang đưa kỹ thuật thực tế ảo lên hàng nghệ thuật.
Theo RFI