Một ca khúc trong Tân Nhạc
Trước phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên gửi công văn tới Cục nghệ thuật biểu diễn yêu cầu thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 vì lý do “không đủ cơ sở.”
Theo báo Tuổi Trẻ, cũng hôm 14/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “không tùy tiện cấm ca khúc xưa” trước thông tin dư luận bức xúc về quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975.
Nhận xét về việc rút lại lệnh cấm này, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từ Bỉ viết trên trang mạng xã hội rằng: “Phản ứng dữ dội và đồng loạt của lề dân thông qua Facebook, vụ việc dần dần lấn sang lề đảng và nhà cầm quyền đã đi đến quyết định khá khôn ngoan sáng suốt… Ai cũng thấy tính cách phi lý, bất cập về hành xử của lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), phát xuất từ thứ tư duy giáo điều, máy móc, vô văn hóa đến độ kệch cởm, quái dị của họ.”
Theo trang mạng news. Zing.vn, ông Biên yêu cầu các tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng 5 bài hát nêu trên phải “kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc.”
Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật biểu diễn nói họ sẽ vẫn phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu và báo cáo tới Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để hoàn thiện văn bản pháp luật “về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và các nhạc phẩm do người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác.”
Giáo sư Hưng và nhiều Facebooker khác yêu cầu Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương, người đã ban hành lệnh tạm dừng năm ca khúc hôm 13/3, phải từ chức.
Năm ca khúc được sáng tác trước 1975 bị tạm dừng lưu hành gồm có: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), và Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).
Hôm 4/4, ông Chương còn khẳng định với báo chí rằng 5 ca khúc trước năm 1975 “sẽ chính thức bị cấm lưu hành vĩnh viễn do bị sai về mặt bản quyền vì bị sửa lời.”
Báo Người Lao động đặt câu hỏi bày tỏ hoài nghi về quyền hạn của cơ quan chức năng: “Tại sao Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải cấp phép phổ biến cho ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và của tác giả người Việt sinh sống ở nước ngoài? Câu hỏi này chưa ai trả lời, kể cả cơ quan cấp phép là Cục NTBD. Chẳng rõ cơ quan quản lý đề ra quy định này để làm gì nhưng những diễn biến thời gian qua cho thấy chính các quy định không hợp thời đó đã gây cho các nhà quản lý sự rối rắm.”
Báo Tuổi trẻ viết: “Gần một tháng trời, tâm trạng xã hội bị khuấy động cả theo chiều hoang mang lẫn bực tức.”
Bà Nguyễn Thế Thanh, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin thành phố HCM viết trên báo Tuổi trẻ: “Âm nhạc tự thân nó là một phương cách để người ta nhớ nhung quá khứ của mình, cho dù quá khứ ấy không phải lúc nào cũng êm đềm...”
Bà Thanh viết tiếp: “Điều cần nhất, sâu sắc hơn, lâu dài hơn khi ứng xử với các ca khúc trước năm 1975 chính là cần suy nghĩ thật nghiêm túc, thật khách quan, thật bao dung để đưa ra nguyên tắc quản lý các ca khúc trước 1975 một cách thấu tình nhất.”
Sau khi lệnh cấm được ban hành, nhà vận động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển nói với VOA: “Thật ra không phải muốn cấm là cấm. Bởi vì sau năm 1975, họ cấm người ta vẫn hát. Sau khi họ cấm thì tôi lại hát nhiều hơn.”
Một độc giả VOA tên là Oklahoman nhận xét về nhạc sáng tác trước 1975 như sau: “Tất cả các tác phẩm văn hóa ở miền nam trước 1975 là những tác phẩm xuất phát từ lòng người. Nó là những ý tưởng thực tại sống động, và nó sống theo thời gian, vì nó không mang tính chất tuyên truyền cho những thế lực chính trị.”
Nhà báo Lâm Minh Trang của báo Tuổi trẻ kêu gọi chính quyền nên công bằng với cả các ca khúc do người Việt sinh sống ở hải ngoại sáng tác sau năm 1975: “cũng đến lúc cần có những nhận định, đánh giá công bằng với dòng văn nghệ được sáng tác sau năm 1975 trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại.”
Theo VOA