WESTMINSTER (VB) – Hôm Thứ Bảy 6 tháng 5/2017, Viện Việt Học đã tổ chức một cuộc triển lãm độc đáo – kết hợp nhiếp ảnh và thư pháp – và đã lưu lại nhiều ấn tượng đẹp về một môn nghệ thuật còn ít người khám phá này.
Gọi ngắn gọn là Triển lãm Thư-Ảnh, nhà giáo/nhà thư pháp Tăng Hưng cũng là một nhiếp ảnh gia đã từng thắng nhiều giải nhiếp ảnh nghệ thuật trên thế giới – trong đó có giải Nhiếp ảnh ở Pháp năm 1989, giải Nhiếp ảnh ở Nhật Bản năm 1992, và một số giải khác – đã cho người thưởng ngoạn Quận Cam một cái nhìn về một bộ môn tổng hợp nghệ thuật độc đáo.
Nét độc đáo đó được GS Nguyễn Văn Sâm trong khi giới thiệu đã so sánh việc kết hợp nhiếp ảnh và thư pháp của GS Tăng Hưng cũng tương tự như cà phê và sữa – nghĩa là, có người chỉ thích cà phê, hay chỉ thích sữa, nhưng cà phê sữa lại là một hương vị khác.
Nhà thư ảnh Tăng Hưng, đứng bên một tác phẩm thư pháp của nhà thơ Đông Hồ.
Một số hình ảnh tương tự cũng được GS Nguyễn Văn Sâm dùng để so sánh là: tân cổ giao duyên, nghĩa là cổ nhạc và tân nhạc. Và hình ảnh so sánh khác: bánh mì thịt, có cả bánh mì, cả thịt, cả rau, cả đồ chua, xì dầu và vân vân.
Nhưng nổi bật trong thư ảnh là mắt nhìn và ý thơ, trong đó ý thơ được diễn lại bằng thư pháp. GS Nguyễn Văn Sâm gọi Thư Ảnh là một bộ môn rất đáng trân trọng.
Nhà thư pháp Tăng Hưng kể rằng khi còn là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông có cơ duyên tới tận nhà học trực tiếp thư pháp từ thi sĩ Đông Hồ, người nổi tiếng cả về thơ, về nét chữ, và về cả cái chết thơ mộng khi Đông Hồ gục chết trong khi đang dạy ở giảng đường đại học.
Nhà thư pháp Tăng Hưng kể rằng thời đó chưa có danh từ “thư pháp” như nhiều thâp niên sau gọi. Lúc đó, nhà thơ Đông Hồ, người sáng tạo ra cách viết thư pháp, chỉ nói với cậu sinh viên Tăng Hưng lúc đó rằng đây là một phương pháp dùng bút lông để viết chữ quốc ngữ.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm.
Và khi sinh viên Tăng Hưng tốt nghiệp Đại học Văn khoa năm 1967, cũng là lúc học xong một cách viết thư pháp, và cũng khởi đầu một đời đam mê nhiếp ảnh và thư pháp.
Nhà thư pháp Tăng Hưng nói rằng cuộc triển lãm ở Viện Việt Học có khoảng từ 38 tới 40 tác phẩm Thư Ảnh mang từ Canada sang, chia làm 4 nhóm đề tài: ảnh hoa, thiên nhiên, sắp đặt, chân dung. Sau khi nói lời cảm ơn Viện Việt Học đã tổ chức triển lãm, Tăng Hưng ngợi ca nhà thơ Đông Hồ, người trong khi giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài gòn đã hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên vào đam mê đi tìm cái đẹp, ở thơ, ở nghệ thuật, và cả ở lối sống trong đời.
Buổi giới thiệu nghệ thuật Thư Ảnh thêm phần sinh động nhờ MC Kim Ngân đã điều hợp khéo léo. Tham dự buổi triển lãm có Nguyễn Minh Lân, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, họa sĩ Lương Trường Thọ, các nhà báo như Nguyên Huy, Phan Tấn Hải…
MC Kim Ngân.
Cũng nên ghi nhận về đam mê nghệ thuật của nhà thư pháp Tăng Hưng, qua bài viết “Bóng Đông Hồ Trong Nghệ Thuật Thư-Ảnh” của GS Nguyễn Văn Sâm, trích đoạn như sau:
“…Ờ mà sao thư pháp Đông Hồ trong Thư-Ảnh của Tăng Hưng? Nhà thư pháp thú nhận rằng mình thích cách viết của thầy Đông Hồ, nên khi học với thầy ở chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm tại trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, đã mon men nhờ thầy chỉ dẫn trong khi đó mình đã có tay nghề khá vững về bộ môn nhiếp ảnh rồi. Thầy đã vui lòng chỉ cách cầm bút lông và nhấn mạnh trên việc tạo chữ hình lá trúc. Trong nhiều sinh viên nghe giảng hôm đó, Tăng Hưng là một trong số rất ít người sau đấy mần mò tới tư gia thầy ở khu chợ Tân Định để học thêm và phát triển kết hợp thư pháp Đông Hồ với ảnh của Tăng Hưng.
Tăng Hưng trước một số tác phẩm thư ảnh.
Tôi cười vui trong lòng. Vậy thì thi sĩ Đông Hồ đã để lại cái bóng của mình dầu đã quy tiên từ lâu. Trong bao nhiêu người sinh viên ngồi ở giảng đường trường Đại học Văn Khoa nghe ông giảng về Văn Học Hà Tiên, có bao nhiêu người nhớ, nhưng vài phút giảng về thư pháp của mình thi sĩ đã để lại được một truyền nhân, đã mở đầu cho một nghệ thuật mới. Có thể nghệ thuật nầy phát triển vút cánh bay cao với những tác phẩm lẫy lừng của nhiếp ảnh gia tài ba có thêm tay nghề thư pháp. Có thể môn nầy sẽ không tồn tại vì lý do nầy khác. Biết đâu? Ai nắm bắt được tương lai?
Hỏi thêm về kinh nghiệm làm việc và những khó khăn gì khi gặp phải, nhà thư pháp Tăng Hưng nói giọng hiền lành cố hữu của người thầy giáo nay đã tới tuổi tám mươi: Có hai trường hợp: Hình chụp được rồi đi tìm thơ, nghĩa là khi chụp được một số hình ảnh đẹp đắc ý thì sau đó phải cố lục lọi tìm thơ thích hợp để đưa vào…”(ngưng trích)
Quan khách.
Được biết, Viện Việt Học sắp có nhiều sinh hoạt đáng chú ý:
-- Đêm nhạc Hát Cho Mẹ Cha. Vào cửa miễn phí. Thứ Bảy 13/5/2017 từ 7:30 PM đến 10:30 PM. Giữ chỗ trước: (714) 775-2050 // Email:
info@viethoc.com-- Ra Mắt Sách "Ngữ-Vựng Tiếng Việt" và "Ngữ-Pháp Việt-Nam" cuả GS Trần Ngọc Ninh. dịp này, VVH sẽ trình bày bản in lần thứ hai của sách Dạy Đọc Dạy Viết Tiếng Việt Theo Phương-Pháp Âm-Vị-Học của cùng tác-giả. Chủ nhật 14/5/2017 từ 9:00 AM đến 11:00 AM.
-- Đêm Tâm tình với Trần Trung Đạo. Thứ Bảy 24/6/2017 từ 7:30 PM đến 9:30 PM.
Địa chỉ: Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St #222, Westminster CA 92683.