Thỉnh thoảng trên ti vi có chiếu hình ảnh một ông già gân, mồ hôi nhể nhại, khòm lưng, vừa chạy vừa cố sức đẩy đứa con bại liệt ngồi trên một chiếc xe lăn đặc biệt. Mặt mày cậu ta méo xẹo, ẹo qua ẹo lại, múa máy tay một cách hỗn loạn trước sự reo hò cổ võ vô cùng náo nhiệt của dân chúng đứng hai bên đường.
Gương hy sinh của một người chaNgười cha là Dick Hoyt (1940), trung tá hồi hưu Air National Guard. Người ngồi trên xe lăn là trưởng nam Rick Hoyt. Cả hai đều ngụ tại Massachusetts.
Rick (1962) chẳng may thiếu oxy khi lọt lòng mẹ nên bị liệt não (cerebral palsy). Cậu phải chịu bại liệt và không thể nói được.
Các bác sĩ đều khuyên hai vợ chồng Dick nên đem gởi luôn Rick vào bệnh viện để được nuôi dưỡng và săn sóc suốt đời, nhưng họ chối từ và giữ Rick ở nhà, tạo điều kiện cho Rick có một cuộc sống “bình thường”.
Tất cả các trường học ở Massachusetts đều từ chối không cho Rick đến học, viện lý do là họ không có đủ người chuyên môn và trang bị thích hợp. Mẹ của Rick là Judy, một người đàn bà bản lãnh và rất kiên trì. Bà không ngừng tranh đấu cho quyền lợi của các em khuyết tật. Cuối cùng bà đả thắng. Chương 766 về Luật giáo dục đặc biệt được sửa đổi lại và thông qua lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Thế là Rick và một số em khuyết tật khác được quyền đi học.
Cái máy hy vọngNhưng làm sao Rick có thể diễn đạt vì cậu ta nói không được. Hai vợ chồng Dick bèn liên lạc với tiến sĩ William Crochetiere –Chairman of the Engineering Department at Tufts University, và Rick Foulds, một cựu sinh viên đã tốt nghiệp. Sau thời gian nghiên cứu các nhà chuyên môn tại Tufts University đã chế ra một cái máy có tên là Tufts Interactive Communication Device (TIC). Gia đình của Rick thì gọi đây là Cái máy hy vọng hay Hope Machine.
Để làm thành câu Rick chỉ cần ấn đầu vào một thanh thép của cái máy này. Và đây là lần đầu tiên Rick mới có thể trao đổi với người khác được.
Đó là vào năm Rick được 11 tuổi và được nhận vào trường công lập để học.
Rick theo học tại Boston University năm 1993 và đỗ được văn bằng về giáo dục đặc biệt (special education) và sau đó cậu ta làm việc cho trường Boston College (phòng thí nghiệm nghiên cứu về vấn đề liên quan đến những người bị khuyết tật).
Thành tích phi thường của Đội Hoyt (Team Hoyt: Dick is the body, Rick is the heart)
Vào năm 1977 tình cờ cậu bé Rick xem thấy hình ảnh chạy đua trong một tập san. Cậu ta liền gợi ý muốn hai cha con cùng tham gia vào các cuộc chạy đua chơi. Lúc đó, cha cậu là Dick Hoyt đã gần 37 tuổi rồi và ông ta chưa hề chạy bao giờ cả. Thương con nên ông phải ráng chiều con. Sau khi hai cha con tham dự cuộc chạy đua đầu tiên 5 miles, Rick nói: “Pa ơi! Khi con chạy với Pa con có cảm tưởng hình như con không phải là một người phế nhân nữa”.
Sau cuộc đua này, Dick tăng thêm hy vọng. Hai cha con có thể cùng chạy chung với nhau trong những cuộc đua khó hơn. Mỗi ngày Dick đều chuyên cần luyện tập. Ông vừa chạy bộ vừa đẩy một chiếc xe lăn trên đó có để một bao ciment nặng, vì lúc đó Rick đang còn bận đi học.
Tính đến tháng 11 năm 2012, Đội Hoyt đã tham dự 1069 cuộc chạy đua dai sức, trong đó có 69 marathons và 6 Ironman trialthons. Hai cha con đã tham dự 26 lần Boston Marathons, và đạp xe xuyên nước Mỹ trên một đoạn đường dài 3,735 miles trong 45 ngày. Rick được chở ngồi phía trước trên một chiếc xe đạp chế tạo đặc biệt. Trong các cuộc thi trialthons, lúc phải lội dưới biển, Dick vừa lội vừa kéo theo một cái phao trên đó có Rick.
Tháng 6 năm 2013, Dick tròn 73 tuổi còn Rick 51 tuổi.
Khi mới bắt đầu chạy trong những năm đầu Đội Hoyt tham dự lối 50 cuộc tranh tài trong một năm, nhưng nay thì họ bớt lại còn 20-25 cuộc đua trong một năm mà thôi (Theo Team Hoyt –Wikipedia).
Marathon và Ironman Trialthon là gì?* Marathon là môn chạy bộ dai sức trên đường dài 42,200 km.
* Ironman Trialthon là một cuộc tranh tài thể thao hóc búa nhất. Nó gồm nhiều môn mà người lực sĩ bắt buộc phải thực hiện liên tục theo thứ tự trong một ngày như: lội trên biển 3,860 km, đạp xe 180,250 km, xong tiếp tục chạy marathon 42,200 km không được ngơi nghỉ.
Đa số lực sĩ chỉ có một giới hạn thời gian rất khắt khe là 17 giờ đồng hồ để hoàn tất hết các môn trên.
Cuộc tranh tài bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng, thời gian lội 3,9 km, không được vượt quá 2 giờ 20 phút, đạp xe không được vượt qua khỏi 5giờ 30 chiều. Tất cả các lực sĩ phải hoàn tất hết các môn vào lối 12 giờ khuya. (Theo tài liệu Wikipedia).
Tuổi già sức yếu
Năm 2012 Dick được 72 tuổi. Mấy năm trước Dick cân nặng 115-120 pounds, nay thì ông ta mập hơn và cân được 148 pounds. Tuổi già sức yếu nên Dick cảm thấy khó khăn hơn trong việc đẩy chiếc xe lăn trên đó có Rick.
Ngoài ra, cái ghế ngồi của Rick cũng là một vấn đề. Lúc trước là cái ghế cũ, tuy nhẹ nhưng đã làm Rick đau đớn suốt lộ trình cuộc đua marathon. Ngày nay thì Rick có được cái ghế mới đặc biệt dành cho riêng anh. Nhưng điểm đặc biệt là cái ghế mới này dài hơn, cao hơn và nặng hơn cái ghế cũ lúc đẩy. Đây là mối ưu tư của Dick.
Cuộc đời của hai cha con Dick và Rick được viết thành cuốn sách: Devoted-The story of a Father’s love for His son.
Marathon thứ 31của Team Hoyt: Boston Marathon 15/4/ 2013 bị khủng bố
Ngày khủng bố Marathon Boston 15/4/2013, Team Hoyt (cha 73 tuổi, con 51 tuổi) bị bắt buộc phải hủy bỏ cuộc tranh tài marathon thứ 31 của họ khi chỉ còn cách lằn mức đến cuối không tới 1 mile.
Kết luậnTrên thế giới người ta gọi cha con Dick bằng cái tên trìu mến Team Hoyt.
Sự hy sinh vô bờ bến của Dick dành cho người con tật nguyền đã làm mọi người thán phục và vô cùng cảm kích.
Vâng, chúng ta cũng có thể làm được: Yes you can là câu châm ngôn của Team Hoyt.
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Montreal, 2013