Getty Images)Mới đây, một nghiên cứu trên chuột do các nhà khoa học Pháp thực hiện đã phát hiện ra rằng rất có thể việc phơi nhiễm chất Bisphenol A là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bệnh thiếu khoáng chất men răng ở trẻ (MIH). Đề tài này được báo Le Monde hôm nay đề cập đến.
Công bố hôm 10/06/2013 trên tạp chí American Journal of Pathology, nhà khoa học Pháp Katia Jédéon, thuộc Trung tâm nghiên cứu Cordeliers (bao gồm Inserm, trường đại học Paris V, Paris VI và Paris VII), đã phát hiện ra rằng việc phơi nhiễm chất BPA dù ở liều lượng thấp cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thàng răng sữa của trẻ.
Theo giả định của các tác giả, bệnh thiếu khoáng chất ở men răng hàm và răng cửa (MIH) rất có thể là do bị phơi nhiễm BPA vào giai đoạn cận sản. Theo mô tả của Sylvie Babajko (Inserm) – người hướng dẫn nghiên cứu : « bệnh MIH là một hiện tượng bệnh lý mới phổ biến gần đây.
Bệnh được đặc trưng bởi các vết trăng trắng hay ngà vàng trên các răng hàm hay răng cửa sữa. […] Bệnh lý này liên quan từ 16% đến 18% trẻ em tại Pháp ». Theo bà, hiện tượng thiếu khoáng chất men răng tuy nhẹ, nhưng chúng có thể làm răng yếu đi, nhất là có thể gây sâu răng.
Đối với các tác giả, bệnh MIH cũng có thể được xem như là một dấu hiệu rõ nét của việc bị phơi nhiễm chất BPA hay các phân tử hóa chất khác cũng mang cùng cách thức hoạt động tương tự.
Các kết quả nghiên cứu trên động vật hay trên người gần đây đã khẳng định rằng phơi nhiễm chất BPA trong giai đoạn đầu thai kỳ hay giai đoạn đầu đời của trẻ có thể làm gia tăng phát triển nhiều bệnh lý sau này như béo phì và tiểu đường type 2, ung thư vú hay tuyến tiền liệt, rối loạn sinh sản, rối loạn hệ thần kinh hành vi… Do đó, các nhà khoa học này có thể tiếp tục quan sát trực tiếp một số trẻ bị mắc chứng bệnh thiếu khoáng chất men răng.
Source: RFI