Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân chi phối thị phần hàng không nội địa. (Hình: nhandan.org.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hiện có nhiều nhà đầu tư tư nhân lớn muốn lập hãng hàng không tại Việt Nam, trong đó ít nhất ba hãng chờ cấp phép.
Theo báo Người Lao Động, ngày 31 Tháng Năm, Tập Đoàn FLC bất ngờ cho biết sẽ thành lập công ty Hàng Không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), vốn điều lệ dự kiến 700 tỷ đồng do FLC nắm 100%, để tham gia thị trường vận tải hàng không nội địa và quốc tế.
Như vậy, hiện có ít nhất ba hãng hàng không chờ cấp phép mới hoặc xin điều chỉnh giấy phép để mở rộng quy mô hoạt động. Đó là hãng hàng không Hải Âu liên doanh với tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia, FLC và Vietstar Air.
Nói với báo Người Lao Động, đại diện hãng hàng không Hải Âu cho biết vẫn đang xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết để nộp hồ sơ xin điều chỉnh mở rộng quy mô hoạt động từ hãng bay thủy phi cơ thành doanh nghiệp hàng không có nhượng quyền thương hiệu của AirAsia. Dự trù trong hai tháng tới, Hải Âu sẽ chính thức nộp hồ sơ đến Cục Hàng Không Việt Nam để có thể đi vào hoạt động từ năm 2018.
“Dự kiến, mạng bay của liên doanh này sẽ là những tuyến bay mới, sản phẩm ‘không đụng hàng,’ thời gian đầu sẽ tập trung vào thị trường quốc tế. Đó là các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng đi các nước Đông Nam Á và Á Châu, vốn là lợi thế cạnh tranh của AirAsia. Trong đó, các điểm đến của Việt Nam chỉ là trung chuyển trên mạng bay của AirAsia,” báo này dẫn tin.
Với Vietstar Air, ông Võ Huy Cường, phó cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam, xác nhận: “Chính phủ chưa cấp phép thành lập vì sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá sức chứa. Nếu mạng bay của hãng có bao gồm cả Tân Sơn Nhất, cục sẽ khuyến cáo nhà đầu tư về khả năng khó được cấp phép trước thời điểm hoàn tất quy hoạch điều chỉnh sân bay này. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh lại kế hoạch rót vốn vào thời điểm thích hợp.”
Trong khi đó, Vietstar Air vẫn “tha thiết” được bay năm 2018 bằng cách “vừa điều chỉnh giảm một nửa quy mô và tận dụng mọi năng lực về hạ tầng để đáp ứng được năng lực hiện tại của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Với sự điều chỉnh này, Vietstar Air đã tái nộp đơn đề nghị chính phủ tiếp tục xem xét cấp phép thành lập hãng hàng không mới để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư,” theo báo Người Lao Động.
Tuy nhiên, báo này cho hay tỉ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, tỉ lệ đi lại bằng máy bay của người Việt chỉ đạt .5%, tại thời điểm sáu tháng đầu năm 2016 tăng lên được .8%. Dù vậy, thị trường hàng không Việt Nam vẫn trong tình trạng cầu vượt cung, cần thu hút thêm nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này.
Báo này cũng dẫn lời một chuyên gia hàng không phân tích thị trường Việt Nam hiện có tới bảy hãng hàng không nhưng chỉ bốn hãng khai thác vận tải hành khách công cộng. Dẫn đầu là Vietnam Airlines và Vietjet Air với thị phần nội địa mỗi hãng nắm hơn 40%.
Theo báo Người Việt