Hiện trường vụ nổi loạn hồi tháng 10 năm 2016 ở Trung tâm Cai nghiện tỉnh Đồng Nai. (Hình: VnExpress)
VIỆT NAM (NV) – 70% phường xã ở Việt Nam có người nghiện ma túy. Nông thôn cũng không còn bình yên, cứ đến tối là phải “cửa đóng then cài”. Con nghiện liên tục gây ra hàng loạt trọng án.
Đó là khái quát về diễn biến tệ nạn ma túy tại Việt Nam của ông Nguyễn Trọng Đàm, một trong các thứ trưởng của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Việt Nam, tại một cuộc tọa đàm về ma túy.
Viên thứ trưởng vừa kể cung cấp hàng loạt dữ liệu cho thấy tương lai của xã hội Việt Nam vốn đã u ám sẽ u ám hơn bởi hệ thống công quyền bất lực trong việc ngăn chặn tệ nạn ma túy.
Theo số liệu chính thức do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Việt Nam công bố thì tại Việt Nam có 210.000 người nghiện ma túy nhưng ông Đàm thú nhận, số lượng con nghiện trong thực tế lớn hơn nhiều. Đáng lưu ý là đa số con nghiện dưới 35 tuổi và khoảng 8% con nghiện là trẻ vị thành niên.
Thứ trưởng đặc trách tệ nạn xã hội của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Việt Nam nói thêm, số lượng con nghiện ma túy dùng ma túy tổng hợp (đặc biệt nguy hại cho sức khỏe đương sự và cho trật tự xã hội vì ma túy tổng hợp gây ra ảo giác, người dùng tạm thời bị mất một phần hay toàn bộ nhận thức, không phân biệt được đúng – sai, phải – trái) càng ngay càng nhiều
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ông Đàm phân bua, sở dĩ viêc buôn bán và sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng vì sai lầm trong hỗ trợ cai nghiện. Sai lầm này được nhận diện là “thái độ kỳ thị người nghiện” nên hỗ trợ cai nghiện kém hiệu quả.
Để sửa chữa sai lầm ấy, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng – Chống tệ nạn xã hội của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Việt Nam bảo rằng, “phải đổi mới cơ chế, cách tiếp cận trong cai nghiện và sửa luật phòng chống ma túy”. Chẳng riêng ông Lập mà nhiều viên chức phụ trách phòng – chống tệ nạn xã hội tại các địa phương đồng loạt nhấn mạnh phương thức “cai nghiện tại cộng đồng” (cá nhân tự cai nghiện với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng địa phương).
“Cai nghiện tại cộng đồng” bắt đầu được đề cao hồi cuối năm ngoái. Trung tuần tháng 11 năm 2016, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao Động – Thương binh – Xã hội Việt Nam chính thức tuyên bố “Phải tính lại mô hình cai nghiện”.
Năm 2008, Quốc hội Việt Nam ban hành một đạo luật, theo đó, tất cả con nghiện ma túy bị cưỡng bức cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện.
Năm 2011, tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) phát hành một văn bản, tố cáo chính quyền Việt Nam xâm hại nhân quyền khi cưỡng bức cai nghiện. Các trung tâm cai nghiện không hỗ trợ cai nghiện vì mục đích nhân đạo mà trở thành nơi giam giữ hàng chục ngàn người một cách tùy tiện, ngược đãi – hành hạ người nghiện, khai thác sức lao động của họ một cách bất lương.
Do bị cả dư luận trong nước lẫn quốc tế chỉ trích một cách kịch liệt, năm 2014, chính quyền Việt Nam sửa luật chống ma túy thêm một lần nữa. Theo đó, người nghiện chỉ bị cưỡng bức cai nghiện khi có quyết định của toà án chứ không tự nhiên bị tống vào các trại cưỡng bức cai nghiện, bị cầm giữ suốt hai năm ở đó như trước.
Thay đổi này tiến bộ nhưng tiến bộ ấy chỉ thể hiện trên giấy. Các trung tâm cai nghiện vẫn là “địa ngục trần gian”. Đó cũng là lý do trại viên của các trại cai nghiện liên tục nổi loạn. Từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái, riêng khu vực Đông Nam bộ (Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh) đã có tám vụ nổi loạn tại các trại cai nghiện (khống chế giám thị, bảo vệ, phá các phòng giam, phá cổng, vượt trại). Trong đó, có ba vụ nổi loạn xảy ra tại Trung tâm Cai nghiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (các tháng 4, 5, 11). Hai vụ xảy ra tại Trung tâm Cai nghiện tỉnh Đồng Nai (các tháng 10, 11). Hai vụ xảy ra tại Trung tâm Cai nghiện tỉnh Tây Ninh (các tháng 11, 12). Một vụ xảy ra tại Trại Cai nghiện Thanh Đa ở Sài Gòn (tháng 11).
Thực tế đó khiến chính quyền Việt Nam lúng túng trước việc tiếp tục duy trì hay đóng cửa các trại cưỡng bức cai nghiện. Nếu tiếp tục duy trì trong bối cảnh công khố thiếu trước hụt sau, do điều kiện ăn ở hết sức tồi tệ, những vụ nổi loạn sẽ bùng phát ở nhiều trung tâm cai nghiện. Còn nếu đóng cửa thì vấn nạn ma túy và an ninh trật tự sẽ trầm trọng hơn.
Đó cũng là lý do Bộ trưởng Lao động – Thương Binh – Xã hội của Việt Nam đề cập đến chuyện phải phân loại người nghiện, xác định rạch ròi giữa cai nghiện tự nguyện và cưỡng bức. Chỉ cưỡng bức những người đã tự nguyện cai nghiện nhiều lần mà không thành công hoặc không có nơi cư trú ổn định. Ông Dung nói thêm là các trung tâm cai nghiện cũng phải được tổ chức lại, không cầm giữ những người nghiện bình thường chung với những người nghiện có tiền án, tiền sự, từng dùng ma túy tổng hợp, bị loạn thần.
Bộ trưởng Lao động – Thương Binh – Xã hội của Việt Nam từng thú nhận, nguyên nhân chính dẫn tới các vụ nổi loạn tại một số trung tâm cai nghiện là quá tải. Theo viên bộ trưởng này, Việt Nam hiện có 123 trung tâm cưỡng bức cai nghiện và tất cả đều qúa tải. Muốn hạn chế các vụ nổi loạn, phải đầu tư đến nơi đến chốn cho những nơi này, song không biết moi tiền từ đâu để đầu tư.
Trừ các viên chức hữu trách, bao nhiêu người tin rằng trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay (buôn bán ma túy có xu hướng gia tăng, người nghiên đông hơn và trẻ hơn) “cai nghiện tại cộng đồng” sẽ giải quyết tệ nạn ma túy hữu hiệu hơn?
Theo báo Người Việt