Danh hề Tư Xe nổi danh trước hề Ba Vân, hề Tám Củi, anh có nhiều sáng tạo về cách diễn hề, các nghệ sĩdiễn hề sau anh đã học kỹ thuật ca diễu của anh, tiếc là trong thời nổi danh hề của Tư Xe báo chí Việt Nam chưa có mục kịch trường, phê bình và quảng cáo nghệ sĩ, sau năm 1948, Tư Xe bặt tăm tích, báo chí trước và sau năm 1975 không có bài viết về danh hề Tư Xe.
Danh hề Tư Xe tên thật là Châu văn Xe, sanh năm 1909, sinh quán làng Tân Mỹ Chánh, quận Châu Thành,tỉnh MỹTho.Sau khi gánh hát của thầy André Lê văn Thận ở Sa Đéc tan rã, ông Châu Văn Tú ở Mỹ Tho mua xác gánh của thầy Thận và chuộc đào kép của gánh nầy, lập gánh hát cải lương thầy Năm Tú. Ngoài dàn dào kép của gánh thầy Thận qua, đào kép của gánh Thầy Năm Tú có kép:Tám Mẹo, Tám Danh, Ba Du, Tư Xe, Tám Củi, Năm Châu, Duy Lân, và đào:cô Tư Sạng, cô Sáu Trâm, cô Ba Liên…
Anh Tư Xe có giọng ca rất mùi, hơi ngân đổ hột, anh là cột trụ của hãng dĩa nhựa Asia (Chủ hãng dĩa là thầy Năm Mạnh).Anh nổi danh trong vai Tống thái Tổ, bộ dĩa “Trảm Trịnh Ân”, vai Trụ Vương trong bộ dĩa “Mổ Tim Tỷ Can”, vai Tạ Thiên Lăng trong bộ dĩa “San Hậu”. Lần tái bản tuồng San Hậu, kép Tư Xe thu thanh hai vai “Tạ Lôi Nhược”và ác tăng Giả Ngu, nhờ tài nhại giọng hát khác, người nghe dĩa hát tưởng là hai nghệ sĩ thủ diễn hai vai chớ không biết anh Tư Xe đóng luôn hai vai với hai giọng hát khác nhau. Trong dĩa hát này khi đóng vai ác tăng Giả Ngu, anh Tư Xe đã ca vọng cổ “cà lăm” khi chọc ghẹo thứ phi Nguyệt Hạo, lối ca vọng cổ cà lăm được thính giả tán thưởng nên ca sĩ Hồng Châu áp dụng trong khi ca bài vọng cổ “Cọp…cọp bonjour thầy Ba”. Hề Văn Hường cũng lấy kỹ thuật ca cà lăm và thêm lối “ự ự” trước khi vô vọng cổ, tạo ra một lối ca riêng.
Tôi gặp anh Tư Xe khi anh đi hát cho gánh Tiến Hóa của ông bầu Trương Gia Kỳ sanh tại rạp hát Thầy Năm Tú trong dịp tỉnh Mỹ Tho cúng cô hồn xe hơi.
Tỉnh Mỹ Tho là một đầu mối giao thông quan trọng cho các tàu đò, các loại ghe từ bậc trung đến ghe chài lớn, vận chuyển hành khách, hàng hóa, trái cây, lúa gạo đi từ Mỹ Tho đến Lục Tỉnh, đi Saigon, ChợLớn, Nam Vang…Ngoài ra có con đường xe lửa Mỹ Tho – Saigon, nhiều xe đò, xe hàng, xe lô chạy đườngMỹ Tho – Saigon, Mỹ Tho – Bến Tre, Mỹ Tho – Cần Thơ…
Người xưa nghĩ là có ghe tàu, xe hơi, xe lửa chạy thì thỉnh thoảng có gây tai nạn, có người chết hoặc bị thương. Người chếtvì tai nạn xe cộ, tàu bè, được xem là chết oan nên oan hồn luẩn quẩn nơi xảy ra tai nạn hoặc ở các ngã ba ngã tư đường nên các ông chủ hãng xe đò, xe lửa, các chủ hãng tàu đưa khách, ghe chài đều theolệ cúng thí cô hồn rất long trọng vào ngày Rằm tháng 7, để cho oan hồn hưởng lễ vật cúng kiếng rồi không theo quấy phá chủ hãng xe hay tài xế lái xe.
Đoàn hát Tiến Hóa của ông Bầu nguyên là thầy giáo Trương Gia Kỳ Sanh về hát ở rạp Thầy Năm Tú,tôi đến thăm thầy và các anh Hề Tư Xe, chú Tám Mẹo, anh Ngọc Thạch, nghệ sĩ quê ở Mỹtho. Tôi nói với ông Bầu TGKS:“Thưa thầy, chắc thầy quên là mỗi khi đến ngày rầm tháng 7 thì ở Mỹ Tho giới chủ xe đò, xe lô và ga xe lửa tổ chức cúng cô hồn thật lớn, nếu gánh hát về hát thì có lẽ sẽ thất thu .”
Ông Bầu nói:“Thầy nhớ chớ… nhưng đoàn hát đang kẹt rạp, đành phải ghé qua bến Mỹ Tho. Ông chủ rạp thông cảm chỉ lấy nửa giá tiền rạp, qua lễ Vu lan và cúng cô hồn thì ông mới thu tiền mướn rạp nhưcũ.”
Đêm hát đầu tiên của đoàn Tiến Hóa đông nghẹt khán giả. Ông Bầu nhìn tôi, cười đắc ý: “Em thấy chưa? Thầy có kinh nghiệm mà…“. Tôi dạ một tiếng lớn, tỏ vẻ khâm phục ổng.
Đêm hát thứ hai, khán giả không tới nửa rạp. Ông Bầu ra lịnh trả vé, trả tiền cho khán giả rồi cho anh em nghỉ. Ngày hôm đó là ngày chót trong ba ngày cúng kiếng rình rang nên tôi rủ hề TưXe đi coi cúng cô hồn xe hơi. Trong cuối thập niên 1930, ở Mỹ Tho có mấy ông chủ xe đò lớn như xe đò Hữu Lợi (chạy đường Mỹ Tho Saigon, Chợ Lớn, Mỹ Tho), xe đò Công Thành (chạy từ Gò Công, Mỹ Tho, Saigon, Gò Công), xe đò Á Đông (chạy Bến Tre, Mỹ Tho, Saigon và ngược lại), ngoài ra có chừng mười chiếc xe location (xe traction đen 4 chỗ ngồi) để cho những người có tiền bao riêng, thường là các công tử bao xe đi Thủ Đức ăn nem và tắm suối Xuân Trường). Xe lửa chạy Mỹ Tho – Saigon – Mỹ Tho. Các loại xe hơi, xe lô, xe lửa hằng năm đều có cúng cô hồn vào rầm tháng bảy vì họ tin là những vong hồn của những người bị xe cán chết sẽ hưởng của thí cúng mà không theo ám ảnh tài xế các chiếc xe của họ.
Từ cầu quây (sau nầy là cầu đúc) đi dọc theo con sông Bảo Định( arroyo de la poste), hướng ra phía sông Mékong, phía mặt là dãy phố ba tầng lầu, cách cầu độ 500 thước là ngôi nhà của ông chủ xe đò Hữu Lợi. Các chủ xe đò và xe lô chung đậu tiền, tổ chức cúng cô hồn tại nhà của ông chủ xe Hữu Lợi. Nhóm Hội Miễu Bà ở ga xe lửa tổ chức cúng cô hồn xe lửa riêng.
Nhà của ông chủ xe Hữu Lợi mở rộng cửa sắt, có thể nhìn suốt từ trước cửa vô trong sâu. Một bàn thờ Phật với một bát lư hương thật lớn để ngay giữa nhà. Một tượng Phật Thích Ca Như Lai cũng rất lớn đặt trên bàn, chung quanh có cờ, phướn và nhang đèn nghi ngút. Vì đó là ngày cuối cùng trong ba ngày cúng cầu siêu cho các vong hồn nên tôi thấy nhiều nhà sư theo sau một vị hòa thượng, vừa đi vừa tụng niệm và gõ chuông, mõ. Người ta nói sau khi các thầy “chạy kinh đàng” làm pháp chẩn tế cô hồn, triệu thỉnh chư vị ngạ quỷ trong mười phương đến trai đàn để nhận bố thí tài thực và pháp thực. Một ông già cầm một nắm nhang đốt sẵn, trao cho những người lần lượt vô cúng trước bàn phật, ông nói như là giải thích cho tôi và hề Tư Xe biết về cách thức cúng cô hồn. Ông nói khi nào chạy “kinh đàng” xong là tới giờ cho giựt giàn nghĩa là thí cô hồn các phẩm vật được bày ra cúng trong ba ngày vừa qua.
Bên ngoài nhiều lính mã tà, lính cảnh sát canh giữ những giàn cúng để không cho người ta tràn vô khi chưa tới giờ giựt giàn. Số cảnh sát nầy được các ông chủ xe đóng tiền cho ông Cò để ông Cò phái đến giữ trật tự.
Tôi ra sát bờ sông, nơi đó người ta dựng một cái giàn thật lớn, thật rộng, cao ba tầng. Tầng thấp nhất lớn như một cái sân khấu đóng bằng cây ván, vững chắc, cao cách mặt đất khoảng một thước, tầng thứ hai rộng bằng phân nửa tầng thứ nhất và tầng thứ ba cao khỏi mặt đất ít nhứt là hai thước.
Hề Tư Xe nhìn mấy cái giàn thí cúng để trên tầng cao nhất, chỉ cho tôi coi rồi hỏi:“ChúPhương có thấy ba cái giàn để gần ông Tiêu không?”
“Thấy, toàn là tiền thật đó nghen! Mỗi cái giàn dán cũng bộn bạc. Ai giựt được cái giàn dán những đồng bạc một đồng đó là dư ăn cả tháng.”
“Mình về gánh hát rủ thêm mấy anh dàn cảnh với vệ sĩ ra giựt giàn. Ít nhứt cũng giựt được một cái giàn dán tiền. Mấy bữa nay hát ế, ông Bầu phát tiền cà phê, đói thấy mồ, sẳn người ta cúng thí, tại sao mình không nhào vô giựt?”
“Ý! Không được!Nghệ sĩ mà đi giựt giàn đồ cúng thí cô hồn, coi sao được?”
Hề Tư Xe làm thinh không trả lời, tôi định kéo Hề Tư Xe trở về rạp hát nhưng giờ giựt giàn bắt đầu.…
Trong nhà, các vị sư đã tụng niệm và chạy kinh đàng xong, một ông trong số các ông chủ xe, mặc áo dài đen, đầu quấn ngang khăn đỏ, leo lên giàn, tay cầm một nắm thẻ bằng tre có ghi số như các giàn đã ghi. Ông xá xá bàn thờ Phật, xong quay lại hướng của dân đứng quanh giàn, chấp tay khấn thật lớn tiếng:”Xin cô hồn các đẳng (người ta hay nói là các đảng), bơ vơ không nơi nương tựa, hữu sinh vô dưỡng, sinh non chết dại, chết bờ chết bụi, chết đâm chết chém, đạn lạc tên bay, xe cán cây đè, rắn mổ rít cắn, thần vòng thắt cổ, một lỗ năm bảy thây, hãy về đây hưởng dụng cơm lành canh ngọt, bánh trái của tiền, áo quần xe cộ, phù hộ cho gia chủ và dân làng làm ăn phát tài, tai qua nạn khỏi. Hỡi các vong linh, xin về nhận thưởng thí.”
Ông nói xong, hốt gạo muối vãi ra bốn phía, trống chầu đánh một hồi dài, ông liệng các cây thẻ xuống cho đám đông dân tới giựt giàn.
Cả trăm người reo hò, ào vô giựt thẻ. Một số khác nhào vô cái giàn thấp nhất, giựt mấy cái giàn có dán bánh quy, bánh nhưn đường, cốm hoặc kẹo chớ không chờ đổi thẻ. Nhiều anh cảnh sát, lính mã tà và lơ xe đứng bảo vệ giàn, xô đẩy họ ra, nhưng rồi cũng bị mất bốn năm cái giàn bánh ở giàn thứ ba, giàn thấp gần đất. Hề Tư Xe bỏ tôi đứng đó, anh nhào vô, quơ tay chụp được mấy cái bánh quy, giựt mạnh cho rách giấy dán, lấy bánh rồi lui ra ngay. Trong khi đó nhiều người vô xâu xé, giàn bị rách tả tơi, bánh có cái được giựt, có cái rớt dưới đất, người khác đạp nhẹp dưới chân.
Mấy người giựt được thẻ số 1, số 2, số 3,những thẻ giàn có dán tiền cắc và đồng bạc một đồng, người vô lãnh giàn thì có năm ba người theo hộ vệ. Người đó cầm giàn đưa cao khỏi đầu. Lá cờ đuôi nheo phất phơ theo gió, anh ta vừa bước xuống đất thì các người dân giựt giàn không được thẻ, họ ào tới xô đẩy nhau, giành giựt, xâu xé. Giàn dán tiền bị nghiêng một bên, có người nhào vô chớp đại. Bị xô ra rồi lại ào vô từng đợt từng đợt như những làn sóng người. Cuối cùng thì người giựt được thẻ số một cũng không còn được nguyên cái giàn mà nó bị rách như cái xơ mướp. Tiền đồng lớp rớt dưới đất, lớp được người khác lấy được nhờ xé rách giấy dán trên giàn. Anh Tư Xecũng nhào vô giành. Có lẽ nhờ Tổ đãi, anh quơ được vài đồng bạc một đồng rồi bị xô té bò càng. Có ai đó, tống cho anh một đạp, Tư Xe té chúi nhủi, cái lỗ mũi cày xuống đất, đổ máu. Anh chạy ra khỏi vòng người hỗn độn đó, anh tay bụm mũi cho bớt chảy máu, tay kia kéo tôi chạy về hướng cầu quây. Chạy được một đổi xa, tôi quay lại còn thấy bóng người lố nhố xô đẩy nhau, tiếng hò reo, tiếng la ó, tiềng cười nói ồn ào còn vang vang dưới một vùng ửng sáng nhờ những dây đèn điện giăng dài. Bóng người lố nhố và tiếng hò reo âm vang làm cho tôi có cái cảm giác ghê rợn: hình như những âm hồn chết oan nơi đầu đường xó chợ cũng đang hiện theo về trong cái cảnh hoang mang hỗn độn đó.
Tới đầu cầu quây, anh Tư Xe mời tôi ăn mì vì anh vừa có mấy đồng bạc, tôi ngồi nhìn những người đi giựt giàn về, họ nói chuyện vui vẻ, có người lớn tiếng khoe khoang như vừa lập được một kỳ công, có người cầm cây cờ đuôi nheo phe phẩy như khoe một chiến tích, tôi cảm thấy là mấy ngày nay gánh hát hát ế khách là phải. Gánh hát Tiến Hóa cũng có một cái kinh nghiệm là không thể đem chuyện Tam Quốc để đối đầu với một tập tục lâu đời của địa phương, vì làm vậy, thất bại là một sự hiển nhiên; đem lời ca tiếng hát để mong làm cho người ta giảm đi lòng tín ngưỡng liên quan tới một tập tục làm ăn kinh doanh, đó là một việc không tưởng.
Gánh Tiến Hóa rã gánh năm 1944, hề Tư Xe về Mỹtho làm tài xế, lái xe location của cậu Hai Ngọc, nhà ở đường Trần văn Trận, sát bên tiệm giặt ủi. Mỹ Tho lúc đó có phong trào thể dục thể thao và bơi lội do trung tá Ducoroy phát động, toàn quyền Decoux chủ trương.Nhóm bơi lội của Mỹ Tho có anh Long cụt một giò từng giựt giải nhứt trong cuộc lội đua quanh Hồ Hoàn Kiếm, HàNội (1942). Hề Tư Xe mỗi buổi sángsớm đều có mặt bơi lội tại cầu tàu Lục tỉnh với nhóm bơi lội do thầy Giáo Bùi Văn Long dạy thể dục thể thao làm trưởng nhóm.
Năm 1945, Pháp gây hấn bắn vào đoàn Thanh Niên Tiền Phong đang diễn hành trên đường Catinat, UBHC Saigon-ChợLớn phát lịnh tổng bãi công, bãi thị và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm VN. Tỉnh Mỹ Tho thành lập một đội du kích, trụ sở đặc tại Thánh thất Cao Đài ở Cầu Vĩ, Thầy Giáo Bùi Văn Long làm Tổng đội trưởng, ông tập hợp các đội viên du kích (trước làthể tháo viên bơi lội):anh Long (một giò, vô địch cuộc bơi quanh Hồ Hoàn Kiếm năm 1942), anh Thanh, cô Lệ (con nhà sách Nam Cường ở đầu cầu quây), các học sinh trường Le Myre de Viller như Trần Ngọc Tám (sau là Trung tướng VNCH), anh Thành, anh Nguyễn Văn Thuần, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Phán (sau làchánh ủy sư đoàn 9 của VC) anh Tăng Hỉ, anh Tư Xe vàtôi. Chúng tôi qua Cù lao rồng, nơi chiếc tuần dương hạm của Pháp bị máy bay đồng minh dội bom chìm năm 1941 (lúc đó quân đội Nhựt Bổn đang sung công trường Collège de Mỹ Tho để đóng quân khiến cho học sinh được bố trí học ở các lớp dựng tạm trong làng Điều Hòa và đìnhĐiều Hòa gấn vàm bên kia sông Bảo Định). Chúng tôi mất ba ngày lặn xuống chiếc tàu chìm, vô các cabine lấy được 6 cây súng sáu Roulot Saint Étienne, 30 cây mousqueton, 3 thùng đạn mousqueton và 1 thùng lựu đạn tấn công (hình quả na). Số vũ khi đó giao nộp cho UBHC Mỹ Tho, được UB trang bị cho đội du kích của thầy giáo Long.
Tháng 10 năm 1945, quân Pháp từ Saigòn xuống MỹTho, đưa xe tăng đến bến đò Thạnh Trị, bắn qua bờ bên kia sông Bảo Định và lò gạch, nơi đóng quân của đội du kích Mỹ Tho. Hôm sau quân Pháp hành quân lục soát vùng Cầu Dĩ, chiếm Thánh thất Cao Đài. Quân du kích của thầy giáo Long phục bên nầy cầu, bắn qua, giết chết được tên sergent lính partisan là Bảy Bé, con của ông Sáu Đò, chủ thâu tiền chỗ chợ Mỹ Tho. Quân Pháp không dám tiến lên, chúng ở xa sau cầu Vĩ, bắn qua các lùm cây và những chỗ chúng nghi có du kích, chiều lại chúng rút về thành lính Tập ở đường Bourdais. Đội du kích của thầy giáo Long rút về làng Bến Tranh. Anh Tư Xe trở ra thành phố rồi tìm đường theo gánh hát trên Saigòn chớ không theo đội du kích của thầy giáo Long.
Năm 1947, nghệ sĩ Năm Châu, Tư Trang, Tám Danh, Ba Du, Tư Xe, Tám Củi và Ngọc Thạch vô chiến khu Đồng Tháp Mười.Mấy ngày sau hai anh Năm Châu và Tư Trang trở về Saigon, các anh Tám Danh, Ba Du, Tư Xe, Tám Củi ở lại Đồng Tháp Mười, gia nhậpĐội kịch Ban Tuyên Truyền khu 8 do thi sĩ Bảo Định Giang làm Trưởng Ban. Nghệ sĩ Ngọc Thạch làm nhơn viên Ban Quân Nhu.
Cuối năm 1948, tôi theo đoàn hát Tiếng Chuông của ông bầu Cang về hát ở rạp Thầy Năm Tú Mỹ Tho. Rằm tháng chạp, kép độc Trường Xuân, danh ca Tám Cao và tôi đi viếng chùa Vĩnh Tràng, gặp một sư ông ốm yếu, xanh xao, ngồi nhổ cỏ trên đường đi vào chùa, tôi thấy quen quen, nhìn một lúc, tôi hỏi: Xin lỗi sư ông, sư ông giống như anh Tư Xe bạn tôi…
– Thì nó đó chớ ai…
– Nghe nói anh vô trỏng…
– Vô trỏng, thiếu ăn thiếu mặc, cực quá sanh ra bịnh lao, không có thuốc men nên thổ huyết, họ nói không trị được nên giảng chính cho trở về thành…
–Vềthành sao anh lại vô chùa, không vô nhà thương trị bịnh?
– Vô nhà thương cho chúng nắm đầu, giấy tờ không hợp lệ, tui không tiền bạc, không giấy tờ hợp pháp, không bàcon, vô ẩn nấp trong chùa, ăn cơm chùa, lây lất chờ chết…
Tôi quen với thầy Tám phạm nhe (infirmier) làm ở nhà thương của tỉnh, tôi đưa tiền nhờ thấy Tám mua hai chục chai thuốc Streptomycin chích cho anh mỗi ngày một chai và ba đứa chúng tôi (Trường Xuân, Thanh Cao, Nguyễn Phương) hùn lại được hơn 500 đồng bạc Đông Dương, biếu anh để anh ăn uống tẩm bổ trong khi chích thuốc trị phổi Streptomycin.
– Khi tao mạnh, tao sẽ theo tụi bây đi hát…Anh Tư Xe nói như vậy nhưng ba tháng sau, khi đoàn hát Tiếng Chuông trở về Mỹ Tho hát, chúng tôi qua thăm anh thì anh không còn ở trong chùa Vĩnh Tràng. Tôi hỏi thầy Tám phạm nhe, thầy nói:”Độ nửa tháng sau khi mấy anh đi rồi, ảnh thổ huyết rất nhiều rồi đuối sức quá, ảnh đi luôn…Không có bà con thân tộc, không biết anh được chôn trong đất chùa hay họ mang xác anh qua nhà thương thí để bên đó xét nghiệm và chôn luôn…”
Một nghệ sĩ hài duyên dáng, một người yêu nước, đóng góp nhiều trong những ngày đầu chống Pháp xâm lăng, khi đau yếu không được giúp đỡ. Sau năm 1954, hòa bình lập lại, CS chiếm nửa đất nước và sau 1975, họ chiếm cả nước, không có một ai trong những người tự gọi làchiến sĩ cách mạng đó, không ai nhắc đến danh hề Tư Xe một tiếng. Cũng như họ đã quên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 105, tỉnh Mỹ Tho ( sau là tỉnh Thủ Khoa Quân). Trung đoàn Trưởng Phan Đình Lân chính là thầy giáo Bùi Văn Long cải tên, người đã thành lập đội du kích Mỹ Tho, đội đó thành Trung Đoàn 105 Mỹ Tho, Phan Đình Lân chết ở trận Giòng Dứa. Đến nay cán bộ kháng chiến xưa đồng đội của Giáo Long và hề Tư Xe chưa hề có một lời nhắc đến người đã góp công và sinh mạng của họ để bây giờ họ làm giàu trên xương máu đồng bào và quên những kẻ đem xương máu lót đường cho họ tiến đến vinh quang và giàu sang.
Nhớ chuyện và người cũ ở Mỹ Tho.
Tháng 6/2017
Nguyễn Phương