Bà Nguyễn Thanh cùng ba con là Becky, Tina và Mindy tại Springfield, Oregon mới đây. (The Register-Guard)
EUGENE, Oregon – Cuộc chiến Việt Nam tuy đã kết thúc hơn bốn thập niên trước, hậu quả tang thương gây ra vẫn còn đưa đến những tình cảnh xúc động cho nạn nhân của Cộng Sản. Trong một bài viết mới đây được đăng trên nhật báo The Bend Bulletin ở miền trung tiểu bang Oregon, người ta được biết về một bà cụ được gặp lại bốn cô con gái sau hơn 40 năm xa cách. Trong buổi hội ngộ, vì các con của bà đã lớn lên ở Mỹ, nên mẹ con đã gặp trở ngại vì bất đồng ngôn ngữ. Tuy vậy, tình thương của mẹ con vẫn tràn đầy cho nhau trong ngày Mothers Day vừa qua, như bản tin dưới đây cho thấy:
Một trong những kỷ niệm sớm nhất của bà Becky Benson là hình ảnh cha bà đã nâng cao bà lên bên trên Biển Đông ở miền duyên hải Việt Nam, trong giây phút tuyệt vọng. Năm ấy bà mới có 4 tuổi.
Cha mẹ bà là ông Trần Phương và bà Nguyễn Thanh. Hai ông bà đã đưa bốn chị em gái và một em trai của Becky thoát khỏi Việt Nam trong lúc lực lượng cộng sản Bắc Việt đang xâm chiếm miền Nam tháng Tư năm 1975.
Ông Phương là đồng minh của quân đội Hoa Kỳ, nên ông biết rằng ông và gia đình sẽ trở thành mục tiêu trả thù tàn ác của người cộng sản.
Gia đình ông là một trong hàng trăm ngàn người tị nạn phải rời bỏ quê hương sau năm 1975. Tại một bến tàu, vợ chồng ông Phương chỉ muốn sao cho cả gia đình cùng có mặt trên một chiếc tàu. Ông đã tìm cách chuyền từng đứa con từ chiếc tàu mà ông đang có mặt, để đưa con lên cao bên trên rào chắn của chiếc tàu kế cận, nơi vợ ông đang đứng với đứa con trai 3 tuổi tên là Trần Phước. Trong lúc bé gái 4 tuổi đang lơ lửng giữa hai chiếc tàu trên một vùng nước, hai chiếc dạt ra xa nhau.
Bà Becky Benson, 46 tuổi, cư ngụ trong vùng Eugene, kể lại, “Tôi còn nhớ nhìn thấy nước tạt lên trên hai chiếc tàu, và tôi nhớ cảm giác bị treo lơ lửng, phải bám chặt. Cho đến nay tôi vẫn còn sợ nước.”
Đó là lần cuối cùng, tính cho tới tháng Năm vừa qua, mà bà Becky và ba người chị của bà là Tina Sheetz, Mindy Moon, và Cigi Trần, còn trong tầm nhìn hoặc tầm tay với của mẹ và em trai. Tina lúc đó 6 tuổi, Mindy 8 tuổi, và Cigi 10 tuổi.
Đây là một trong một loạt những điều bất hạnh khác xảy ra, khiến cho gia đình bị ly tán trong hơn 40 năm.
Bất hạn kế tiếp là chiếc tàu chở mẹ và em trai của họ đã ở lại Việt Nam. Chiếc tàu mà ông Trần Phương và bốn đứa con gái của ông bắt đầu tiến về hướng đảo Guam thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.
Thế là bà Thanh và con trai Phước bị bỏ lại ở Việt Nam. Đáng buồn hơn nữa, đôi bên đã mất liên lạc và có thêm những chuyện khác xảy ra.
Đến tháng năm vừa qua, ngay trước Ngày Của Mẹ, bà Nguyễn Thanh, nay đã 78 tuổi, đã đoàn tụ với các con tại Eugene, Oregon. Bà được visa thăm gia đình trong một năm. Tất cả bốn chị em gái đều sống ở Lane County.
Những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, thời gian, và khoảng cách, đã góp phần kéo dài sự chia cách, cũng như kéo dài tiến trình đoàn tụ của họ.
Việc nối lại những biến cố xảy ra trong đời họ cần nhiều thời gian. Gia đình đã liên lạc với nhật báo địa phương để chia sẻ câu chuyện của họ, xem đây là một bằng chứng về sự bền bỉ của tình yêu giữa mẹ và các con.
Ba cô trong số các con gái của bà Thanh, là Becky Benson, Mindy Moon, và Tina Sheetz đã có một buổi picnic ở công viên Les Schwab Sports Park tại thành phố Springfield, để kể lại câu chuyện của họ. Cigi Trần không thể tham dự buổi họp mặt hôm đó.
Mỗi cô con gái chỉ nói được một chút tiếng Việt. Mẹ của họ không nói được tiếng Anh. Với lòng kiên nhẫn, và nhờ sự giúp đỡ từ Google Translate qua máy tính, mẹ con đã học cách hiểu nhau lại.
Bà Mindy Moon, 49 tuổi, nói, “Chúng tôi rất biết ơn rằng chúng tôi vẫn còn mẹ.”
Các chị em đều sinh ra ở Quảng Trị, một tỉnh ở phía bắc của Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Vào cuối năm 2016, con gái của Cigi Trần là cô Katyna Trần, mang thai. Katyna muốn bà ngoại gặp em bé mới sinh của cô, và từ đó các con đã tìm cách đưa bà Thanh sang Mỹ. Một thẻ visa một năm đã được cấp. Các chị em tới đón mẹ từ phi trường quốc tế Portland vào ngày 6 tháng Năm.
Becky Benson nói, “Mẹ nhìn thấy bốn người chúng tôi, những khuôn mặt của chúng tôi ở đó, và mẹ rạng rỡ lên rồi mỉm cười, và tất cả chúng tôi đều khóc.”
Bà Thanh đưa cho mỗi cô con gái một chiếc áo dài Việt Nam may bằng tay. Bà ấy không biết kích thước của họ, nhưng tất cả những chiếc áo ấy đều vừa với họ.
Theo báo Viễn Đông