Sự Kỳ Ngộ Khi Lãng Du Quay Về Điêu Tàn
Trong ca khúc “Trở Về Mái Nhà Xưa”, Lời Việt Phạm Duy
“Trở Về Mái Nhà Xưa” là ca khúc nhạc ngoại quốc do nhạc sỹ Phạm Duy đặt lời Việt. Ca khúc nguyên bản là “Torna a Surriento" (Trở về Surriento) là một bài hát tiếng Napoli, phần nhạc được sáng tác vào năm 1902 bởi Ernesto De Curtis, phần lời do Giambattista De Curtis đặt.
Lời của nguyên bản “Torna a Surriento" thực ra không có gì đặt biệt, nhưng khi được chuyển sang lời Việt, nhạc sỹ Phạm Duy đã làm cho thăng hoa ca khúc “Torna a Surriento" lên một chiều kích mới: Một sự trở về của nội tâm vừa lãng mạn, đầy chất thơ, chất đạo, hàm chứa tinh hoa của nền minh triết Đông Phương.
Trở về mái nhà xưa? Đó là một hình ảnh ẩn dụ, vừa lãng mạn vừa mang ý nghĩa tâm linh. Bước lãng du nào rốt ráo cũng cần một nơi chốn để trở về! Lãng du, lang bạt là để tự mình trải nghiệm, đó là một lối tự học, tự tu một cách trực tiếp không qua sách vở, giáo điều. Nhưng ở đây, trải nghiệm là trải nghiệm điều gì? Phải chăng chỉ là sự điêu tàn của bao nhiêu ảo mộng tuổi trẻ khi đối sự tàn phá của thời gian? Chỉ khi nào tự mình nhận ra trạng thái bi đát của sự lang bạt, lúc đó bước chân lãng du mới có sự bức bách do nhu cầu quay gót trở về? Đó là tiếng gọi nội tâm từ sâu thẳm là nguồn cảm hứng bất tận của Đạo và Tư Tưởng từ cổ chí kim. Chính vì thế, sự trở về chính hành động cụ thể nhất đáp ứng một tiếng gọi rất sâu kín của tự thân. Sự-Trở-Về là để tìm lại cái gì rất quý, đã từng được biết, nhưng đã bị quên lãng theo thời gian trên từng bước lang bạt của lãng du.
“Trở về mái nhà xưa” ở đây vì thế chính là một ẩn dụ, một lời mời, một tiếng gọi nội tâm sâu kín cho sự quay về, sự tìm lại, sự khám phá lại cái quý giá nhất của tự thân, mà thông qua đó, những ý nghĩa đã bị lãng quên trong đời sống sẽ lần lượt được phơi bày. Hành trình “Trở về mái nhà xưa” cũng là đường về nội tâm theo nền minh triết Đông Phương.
Sau đây chúng ta hãy thanh thản, cùng nhau nghe lại bài hát “Trở Về Mái Nhà Xưa” của nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy để xem hành trình “Trở về mái nhà xưa” này sẽ lần lượt phơi bày những gì đã bị quên lãng trong sự lang bạt của nhiều kiếp sống?
Đoản Khúc 1, Phạm Duy cho chúng ta hình dung một người khách lãng du, có lẽ trạc độ trung niên, “mái tóc còn xanh xanh” (không phải đã bạc phơ), da màu ngăm ngăm màu gió của những ngày lang thang”. Khuôn mặt hắn khắc khổ, với “xác hiu hắt lạnh lùng”. Đó là kết quả của bao ngày lãng du lang bạt: bài học đã được trải nghiệm là sự điêu tàn của ảo mộng, sự hắt hiu lạnh lùng của thân xác trong những tháng ngày nắng gió mưa sa:
Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng.
Ôi lãng du quay về điêu tàn.
Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa ?
Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa ?
Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa?
Khách lãng du đang đứng im nhìm chằm chằm vào một căn nhà cổ, rêu phong cửa đóng then cài, trảy qua thời gian nay đã đổ nát điêu tàn:
“Ôi lãng du quay về điêu tàn”
Ý nhạc thật tuyệt vời, mấy mươi năm lãng du đang quay về đối diện tương phản với sự điêu tàn ngay trước mắt!
“Ôi lãng du quay về điêu tàn,” đó chính là bối cảnh nền cho sự kỳ ngộ, cho những chiêm nghiệm thậm sâu về cuộc thế cho các đoản khúc kế tiếp. Sự điêu tàn mang ý nghĩa của vô thường thay đổi, và nổi thống khổ mất mát của những gì đã từng được trân quý. Bước chân lãng du mang ý nghĩa tìm kiếm, truy cầu ảo ảnh nhưng không có mục đích. Vì thế, sự hội ngộ mầu nhiệm trong ý nhạc “Ôi lãng du quay về điêu tàn” chính là điều kiện cần thiết cho sự trở về, mở màn cho một loạt các sự nhận ra, khám phá lại chính mình.
Trong khi đối diện với sự điêu tàn của vật chất, tức là mái nhà xưa nay đã rêu phong, khách lãng du cũng còn phải đối diện với cái điêu tàn phi vật chất: Kỷ niệm thời thơ ấu dưới mái nhà xưa ùa về trong trí hồi tưởng của người khách lạ, nhưng tất cả đã xa vắng. Đâu rồi những kỹ niệm xưa?
Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa ?
Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa ?
Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa?
Đoản Khúc 2: Người khách đẩy nhẹ cửa bước vào “Mái Nhà Xưa” như đứa con cùng tử ngày nào về lại vào nhà xưa, hắn kéo ghế ngồi xuống, khép hờ đôi mắt đi sâu vào nội quán:
Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
Về đây nhé ! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.
Như một tu sĩ đang nhập thất để quán chiếu, soi lại nội tâm của chính mình. Về lại mái nhà xưa để quán chiếu, hắn nghe ra “tiếng hú hồn mê oan” của những ngày hắn còn si mê đi lang bạt khắp thế gian để rồi phải gánh chịu nhiều oan trái. Về đây, hắn ra sức tinh tấn làm cho lắng dịu, trầm xuống những “khúc nhạc truy hoan”, những đam mê của tuổi trẻ một thời. Và quan trọng hơn hết, khi an trú trong mái nhà xưa tâm linh, hắn quyết ra sức “cắm xong chiếc thuyền hồn!” Hắn rèn luyện cho tâm hồn hắn bình thản, làm cho tâm hồn hắn không còn bị chao đảo phiêu bạt như con thuyền tròng trành trước sóng gió của cuộc đời.
“Cắm xong chiếc thuyền hồn” là một ý nhạc ẩn dụ rất lạ nhưng mang tính ẩn dụ cao. Trên phương diện tâm linh, đó chính là thành quả, là cột mốc rất quan trọng trong cuộc trở về “mái nhà xưa” tâm linh của hành giả. Đó chính là Đại Định trong lộ trình tâm linh giới-định-tuệ. Hồn của kẻ lãng du lang bạt ở đây được ví như chiếc thuyền chưa được cắm xong: trên đại dương mênh mông, sóng gió mưa sa liên tục giằng xé, xô đẩy con thuyền. Chiếc thuyền hồn chưa có một bến đỗ bình an. Những “tiếng hú mê oan” và “khúc nhạc truy hoan” giống như tham-sân-si chưa được làm cho lắng dịu, khiến cho “chiếc thuyền hồn” càng thêm tròng trành giữa biển lớn.
Sau khi “Cắm xong chiếc thuyền hồn” thì dây lòng không còn rung động đối với cảnh thay đổi trước mắt nữa, tâm hắn vững như núi, Hồn hắn từ nay không còn lãng du nữa, mà chỉ an trú trong “mái nhà xưa.” Đó là đại định làm nền cho trí tuệ quan sát bắt đầu khai triển sâu hơn:
Đoản khúc 3: Người khách bắt đầu để ý quan sát: “mái nhà xưa” dạy cho hắn nhiều bài học xử thế thật ý nghĩa đến không ngờ. Bao năm nay hắn đi biền biệt hắn đâu ngời mái nhà xưa vẫn chờ đợi ngày về của hắn trong từ bi và nhẫn nại:
Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn
Hắn cảm thấy thật hạnh phúc, thoải mái trong mái nhà xưa. Hắn chậm rãi châm đèn, ngọn đèn của trí tuệ, tiếp tục soi cho hắn nhiều điều kỳ ngộ mà bây giờ hắn mới nhận ra:
Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
Đang khóc than trên đường não nề.
Hắn nhìn xuyên thấu thời gian, hắn nhận ra những hình, những bóng ngày nào như đã in vào rêu xanh, ký gởi vết tích của chính nó dòng chảy thời gian. Hắn nhìn ra cả kiếp xưa của hắn, ôi những kiếp dài thường thượt trong vô minh với những “tiếng hú hồn mê oan” và “những khúc nhạc truy hoang.” Hắn thấy ra ôi đã bao nhiêu kiếp rồi hắn cứ làm người lãng du lang bạt trong cái vũ trụ này: trên đoạn đường lang bạt dài bất tận ấy, hắn nhìn thấy tiền kiếp của hắn “đang khóc than trên đường não nề”. Tất cả chỉ vì hắn chưa biết “trở về mái nhà xưa” và chưa biết cách nào để “cắm xong chiếc thuyền hồn”. Vì lẽ đó mà đã bao nhiêu lần hắn phải chứng kiến cái cảnh “Ôi lãng du quay về điêu tàn”!
Bất chợt, hắn dừng cuộc hoài niệm quá khứ và hướng tâm về các cái hiện-tại-đang-là: Ngoài trời đang mưa, mỗi lúc một nặng hạt hơn!
Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua.
“Những giọt mưa gieo trên thiềm nhà!” Mưa mỗi lúc một nặng hạt, hắn bình tỉnh ngồi im bóng quan sát:
Từng hạt nước mưa chạm vào vũng nước đọng tạo thành những bong bóng nước rồi lập tức vỡ tan tan biến như những cảm xúc bất chợt vô định của hắn ngày nào thơ dại rời mái nhà xưa để khởi đầu cuộc lang bạt đuổi theo những giấc mộng ảo huyền. Hôm nay trong bối cảnh “Ôi lãng du quay về điêu tàn” , hắn đã dừng lại được cuộc lang bạt:
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua.
Chính hôm nay, trong cơn mưa hạ cuối mùa, hắn “ngồi im bóng” lắng nghe tháng ngày qua. Ý nghĩa của sự hiện hữu của chính hắn thình lình hiện ra trên dòng chảy tịnh tiến của thời gian. Tất cả đều sẽ trôi qua như cơn mưa chiều nay. Cũng thế, sự hiện hữu của chính hắn trên cuộc lãng du lang bạt này cũng sẽ có ngày kết thúc. Nhưng hôm nay hắn đã thực sự hiểu ra, bước chân lang bạt nào cũng cần có “một mái nhà xưa” để quay trở về. Trở về để “lắng trầm khúc nhạc truy hoan”, để “cắm xong chiếc thuyền hồn”, để được “ngồi im bóng” mà “lắng nghe tháng ngày qua”.
Nhạc khúc “Trở về mái nhà xưa” của Phạm Duy đã đem minh triết Đông Phương hòa quyện vào tính lãng mạn trữ tình của Tây Phương. Qua đó, đánh thức tiếng gọi nội tâm cho một cuộc trở về đầy ý nghĩa thi vị và đạo vị của cuộc lang bạt bất tận của nhân loại. Nhạc khúc này là một di sản quý giá đáng được gìn giữ trong nền âm nhạc và minh triết Việt. Xin tri ân nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy.
6/2017
Tô Đăng Khoa