Mười năm trước, muốn đi taxi người ta hoặc phải gọi hẹn tới đón hoặc ra đường thấy chiếc nào đi ngang qua thì đưa tay vẫy; muốn chụp hình thì phải có chiếc máy chụp hình, mới thì bằng kỹ thuật số còn không thì phải cần có thêm cuộn phim nhựa; muốn đọc một cuốn sách người ta phải ra thư viện mượn hoặc tới tiệm sách mua; và điện thoại lúc ấy là chiếc máy để người ta có thể gọi nói chuyện với người này người kia.
Nhưng kể từ khi chiếc điện thoại iPhone đầu tiên ra đời cách đây đúng 10 năm, nó đã làm thay đổi tất cả những sinh hoạt đó và hơn thế nữa, nó châm ngòi làm thay đổi gần như toàn diện cách người ta kinh doanh buôn bán cũng y như chiếc máy điện toán cá nhân đã làm vào thập niên 1980. Thiết bị nhỏ gọn đó của công ty Apple, và tiếp theo là sự bùng phát của thị trường điện thoại thông minh, đã đưa tới sự phát triển của nhiều ngành công nghệ hoàn toàn mới, nhưng đồng thời cũng đã làm tan biến nhiều ngành công nghệ khác và buộc giới thương mại phải đưa ra những mô hình kinh doanh mới.
Đó chính là thành quả của ông Steve Jobs, bằng cách là đã thu gọn chiếc máy điện toán vào trong một thiết bị thật nhỏ gọn nằm vừa lòng bàn tay của mọi người, và rất dễ sử dụng. Chiếc điện thoại iPhone đã biến internet thành một công cụ phổ biến, và về cơ bản, làm thay đổi nhiều thói quen lâu đời của người tiêu thụ trong những lãnh vực như âm nhạc và sách báo. Hơn nữa, những chức năng thu gọn trong chiếc điện thoại iPhone đã biến nó thành một dụng cụ có thể làm được rất nhiều việc: từ nhận và gửi email, ghi chép và lên lịch sinh hoạt, đến làm bản đồ chỉ đường và là chiếc máy tính giúp người ta làm những con toán cộng trừ nhân chia thật nhanh, thật chính xác.
Khởi đi từ chiếc điện thoại iPhone, và một năm sau đó là sự ra đời của hệ điều hành Android của công ty Google dành cho những máy điện thoại thông minh khác đã đưa đến những phát minh mới, như nhu liệu ứng dụng apps, và tiếp tục làm thay đổi ngành công nghệ mới mẻ này.
Tính ra đến nay người ta ước đoán có khoảng từ 3.5 đến 3.6 triệu apps, với đủ mọi ứng dụng từ trò chơi điện tử, chương trình tập thể dục, đến mua sắm và hẹn hò.
Nhu liệu ứng dụng apps cũng giúp cho nhiều công ty lớn tiếp cận với khách hàng được dễ dàng hơn: công ty hàng không có thể soát vé vào cửa cho khách nhanh hơn, muốn ký gửi chi phiếu vào trương mục ngân hàng người ta có thể làm ở nhà, và tại một số nhà hàng khách có thể tự động gọi thức ăn mà không cần đến nhân viên tiếp tân.
Cùng lúc, điện thoại thông minh đã chuyển hoá cách người ta liên lạc với nhau, nhanh hơn, dễ hơn qua hình thức gửi tin nhắn, hình ảnh, phim video và sử dụng các trang mạng xã hội – mà không còn cần phải nói chuyện trực tiếp với nhau như trước nữa. Trong một ý nghĩa nào đó, có người đã cho rằng “chiếc điện thoại iPhone đã phá hủy những cuộc gọi điện thoại.” Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn gọi nó là điện thoại mặc dù nó ít được sử dụng để làm công việc kết nối những cuộc điện đàm.
Điện thoại thông minh không có công trong việc phát minh ra các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng nhờ điện thoại thông minh làm cho những mạng xã hội và nhu liệu ứng dụng tin nhắn như WhatsApp, Instagram, Messenger, cùng với Twitter, Snapchat và nhiều trang mạng khác là những thứ không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân hiện nay. Cho đến khoảng đầu năm nay, có ít nhất 1.94 tỉ người đã vào kiểm tra trang mạng Facebook cá nhân của họ ít nhất một lần mỗi tháng.
Trong khi số người sử dụng các thiết bị di động tăng đều mỗi ngày thì thời giờ cá nhân mà người ta dành cho chiếc điện thoại của họ cũng tăng theo. Thời gian sử dụng điện thoại thông minh trung bình tăng từ 68.2 tiếng mỗi tháng một năm trước đó lên 73.8 tiếng vào tháng 6 năm ngoái, phần lớn là trên các trang mạng xã hội.
Như nói ở trên, nhiều ngành công nghệ đã trở thành nạn nhân của điện thoại thông minh. Một trong những nạn nhân đầu tiên là ngành công nghệ máy chụp hình – kể cả khi máy chụp hình có thể chụp được những tấm hình sắc sảo thật đẹp và là một thiết bị rất tiện lợi đối với người sử dụng. Số máy chụp hình kỹ thuật số bán ra giảm 80% trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2016, xuống chỉ còn 24 triệu cái. Trong số những công ty nạn nhân có anh khổng lồ Eastman Kodak Co., từng là một công ty biểu tượng của công nghệ phim chụp, lúc đó cũng đã ngất ngư trước sự tấn công của máy chụp hình kỹ thuật số. Năm 2012, công ty tuyên bố phá sản và tái chỉnh đốn lại công việc kinh doanh nhắm tới thị trường phim quay hình và bỏ hẳn phim chụp.
Hầu hết hình chụp bây giờ người ta không còn in ra giấy và giữ lại như trước nữa mà được gửi đi bằng tweet, tin nhắn hay đưa lên trang mạng cá nhân.
Một nạn nhân khác nữa là công ty Garmin Ltd., tiên phong trong việc chế tạo thiết bị định hướng. Năm 2005, số bán loại thiết bị định vị toàn cầu (GPS) bùng phát mặc dầu giá thành mỗi chiếc không hề rẻ, từ $700 trở lên. Chỉ trong vòng bốn tháng sau khi chiếc iPhone ra đời, được trang bị với hệ thống bản đồ của Google, Garmin từ một công ty đang ăn nên làm ra với mức lời kỷ lục cuối năm 2007 thì đến đầu năm 2008 đã không đạt được số bán như mong đợi của giới đầu tư. Giá cổ phiếu của công ty, từ $100 vào cuối năm 2007 rớt xuống chỉ còn $20 một năm sau đó. Kể từ đó, công ty Garmin buộc phải chuyển hướng nhắm vào thị trường xe hơi và chế tạo các thiết bị đeo tay.
Trong khi một số ngành kinh doanh ngắc ngư hay hoàn toàn biến mất như nói ở trên, chiếc iPhone lại đẻ ra những mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Những công ty dịch vụ chở khách hàng như Uber và Lyft được thiết kế qua apps và người ta chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể trở thành một tài xế hay khách đi xe, hoặc cả hai. Nay thì người ta không cần tới taxi nữa, khách hàng chỉ cần mở apps rồi cho biết số người và công ty đưa ra giá, nếu hai bên cùng đồng ý thì chỉ 15 phút sau là xe chở khách sẽ tới ngay điểm hẹn để đón, rất tiện lợi và giá cả rõ ràng, khách không sợ bị gạt.
Từ khi loài người phát minh ra máy hát, người nghe nhạc có thể nghe qua đĩa nhựa, băng nhựa, đĩa CD hoặc hiện đại hơn là mua rồi tải về máy từ những trang mạng như iTunes hay Amazon Music. Sau khi chiếc điện thoại thông minh ra đời, nó đã làm thay đổi khái niệm đó, và nay người nghe nhạc không còn phải mua nhạc nữa mà có thể “mướn” nhạc bằng cách đóng một khoản phí tương đối nhẹ qua các dịch vụ như Spotify và Apple Music và có thể nghe bất kỳ bản nhạc nào, cũ cũng như mới, đủ mọi thể loại, 24 tiếng mỗi ngày.
Lúc đầu, các ca nhạc sĩ và hãng nhạc chống lại hình thức kinh doanh nhạc này vì họ được trả tiền tác quyền quá thấp. Nhưng chỉ riêng năm ngoái, con số những người “mướn” nhạc kiểu này đã tăng gấp đôi, tổng số lợi tức thu vào tăng 11.4% lên đến $7.7 tỉ – là mức tăng trưởng cao nhất của ngành công nghệ âm nhạc kể từ năm 1998.
Tuy nhiên, không có lãnh vực công nghệ nào mà chiếc điện thoại thông minh gây ảnh hưởng nhiều cho bằng ngành viễn thông. Một tháng trước khi chiếc iPhone được tung ra, Randall Stephenson, tổng giám đốc của công ty AT&T, là công ty hợp tác độc quyền với Apple ở Mỹ lúc đó, đã tuyên bố rằng chiếc iPhone sẽ làm thay đổi ngành viễn thông. Và quả thật, người tiêu thụ đã phải xếp hàng dài để mua cho được chiếc iPhone trong ngày đầu và càng ngày càng ghiền chiếc điện thoại thông minh của họ, từ điện đàm, gửi tin nhắn đến lên các trang mạng xã hội để giao lưu hoặc coi phim, và lẽ đương nhiên là để có thể sử dụng được những dịch vụ này người ta phải trả thêm tiền và nhờ vậy, các công ty viễn thông cũng ăn nên làm ra. Theo ngân hàng đầu tư UBS Group AG, tổng số thu chỉ riêng dịch vụ điện thoại di động của các công ty viễn thông tăng 5.9% năm 2008, năm đầu tiên chiếc iPhone có mặt trên thị trường, và những năm kế tiếp vẫn tiếp tục tăng đều đặn từ hơn 10%.
Kết quả những cuộc thăm dò gần đây tại các quốc gia phát triển cho biết số điện thoại thông minh đang hoạt động hiện nay còn nhiều hơn người sử dụng. Có lẽ nhờ vậy và vì sự cạnh tranh giữa các công ty mà giá thành của chiếc điện thoại thông minh tính ra ngày càng rẻ trong khi kỹ thuật của điện thoại thông minh ngày càng tiến bộ.
Tương lai 10 năm tới của kỹ thuật điện thoại thông minh ra sao thì khó có thể biết được. Nó có thể là một thiết bị đeo trên tay, hay có thể là cặp kính đeo trên mặt hoặc là loại kính áp tròng (contact lenses) gắn vào trong tròng mắt. Đây hoàn toàn chỉ là những phỏng đoán còn hình thức của điện thoại thông minh trong tương lai như thế nào thì còn phải chờ đến khi đó mới biết được. Duy có điều này chắc chắn là cho dù hình thức ra sao, mục đích chính của điện thoại thông minh tương lai vẫn là để phục vụ tiện ích cho con người.
Huy Lâm