Hỏi: -Nếu bị bệnh rubella thì có thể ảnh hưởng tới em bé nếu có bầu, vậy nếu đã có bầu và thử thấy bệnh thì phải làm sao?
-Em đang tính có em bé, vậy phải làm sao để biết chắc là mình đã được miễn nhiễm với bệnh sởi, và nếu cần chích ngừa, thì chích như thế nào?
-Có phải phụ nữ nào cũng nên chích ngừa bệnh rubella không? Nếu bị bệnh thì cần làm gì, và chữa như thế nào?
Đáp: Đối phó với RubellaNếu bị nổi ban, hoặc các triệu chứng bệnh, nên gặp bác sĩ sớm.
Nếu có thể, hay định có có bầu, cần bảo đảm là ta đã được chích ngừa MMR (mumps, measles, rubella – quai bị, sởi, rubella, một mũi chích ngừa cho cả ba bệnh vừa kể) và đã có sức đề kháng. Bệnh này có thể gây bào thai chết trong bụng mẹ, hoặc bị các dị tật bẩm sinh trầm trọng.
Nếu có bầu, thường là bác sĩ sản khoa đã xét nghiệm xem bạn đã có miễn nhiễm với bệnh chưa. Tuy nhiên, nếu chưa từng được được chích ngừa, và nếu nghĩ là bạn đang tiếp xúc với người bệnh, cần gặp bác sĩ ngay lập tức. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể khẳng định là bạn đã miễn nhiễm chưa, để biết chắc là bạn sẽ không bị lây bệnh.
Nếu không có bầu, và nếu bị bệnh rubella, bạn thường không cần điều trị, hoặc chỉ cần uống thuốc trị triệu chứng (như Tylenol, nếu có sốt nhẹ), nghỉ ngơi. Vì bệnh thường nhẹ, mau hết, và không có thuốc nào có thể giúp bệnh mau hết hơn.
Tuy nhiên, bác sĩ sẽ nhắc nhở bạn cần tự cách ly với những người khác, nhất là các bà bầu, và những người mà sức đề kháng bị suy giảm, trong thời gian bệnh có thể lây cho họ (tức là trong khoảng từ 10 ngày trước khi triệu chứng xuất hiện, cho đến hai tuần sau khi ban biến mất; dĩ nhiên bạn thường không biết mình bị bệnh, cho đến khi triệu chứng xuất hiện).
Cần nhắc lại, nếu trẻ em bị nhiễm virus, như rubella, sởi, cúm,… bạn nhớ đừng cho chúng dùng aspirin. Vì thuốc này có thể dẫn đến hội chứng Reyes, một tình trạng có thể dẫn đến tử vong, và tổn thương trầm trọng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Nếu đang có bầu, chưa có miễn nhiễm, và bị lây bệnh, cần thảo luận với bác sĩ ngay (bởi vì nguy cơ biến chứng trầm trọng cho em bé lên đến 85%).
Nếu vẫn muốn giữ thai, bác sĩ có thể sẽ cần phải cho chất chống virus gọi là hyperimmune globulin. Cần hiểu thật rõ ràng rằng chất này có thể giảm bớt triệu chứng cho mẹ, nhưng không thể loại bỏ khả năng em bé, nếu được sinh ra, sẽ phát triển các dị tật trầm trọng như kể trên.
Nhắc lại về việc chủng ngừa MMRKhông cần chủng ngừa MMR nếu:
-Đã được chích ngừa đủ.
-Kết quả thử máu cho thấy đã có miễn nhiễm.
-Đàn ông sanh trước năm 1957.
-Phụ nữ sanh trước năm 1957 và không dự định sinh thêm con.
Nên chích ngừa MMR nếu không nằm trong các trường hợp trên, và:
-Không (đang) có bầu, nhưng ở tuổi còn có thể có bầu.
-Đi học đại học, học nghề (college, trade school hoặc postsecondary school).
-Làm việc ở các cơ sở y tế, tiếp xúc với bệnh nhân và trẻ em.
-Tính đi du lịch.
Những người sau đây không nên chích ngừa MMR:
-Các bà bầu, hay tính có bầu trong vòng bốn tuần.
-Bị dị ứng nặng với gelatin, thuốc trụ sinh neomycin hoặc với thuốc chủng MMR.
-Đang dùng các thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể (như các thuốc trị ung thư, một số bệnh về máu-nên hỏi bác sĩ).
Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com(714) 531-7930