Khi vào cửa, du khách sẽ có 3 phút để nhớ một câu chuyện trinh thám.
Viện Bảo Tàng Điệp Viên Quốc Tế (International Spy Museum) nằm ở trung tâm thủ đô Hoa Thịnh Đốn, với bộ sưu tầm khổng lồ về các dụng cụ của những người sống trong bóng tối, từ các bộ hóa trang căn bản, đến chiếc giày gắn máy ghi âm, hay cây dù bắn đạn tẩm độc. Khi vào viện bảo tàng, du khách sẽ được dịp khám phá những bí mật lý thú nhất của nghề điệp viên, và tham gia các trò chơi tương tác thử thách khả năng suy luận.
Tại Viện Bảo Tàng Gián Điệp Quốc Tế, mọi món đồ đều có công dụng khác với ngoại hình, hoặc gắn liền với những biến cố quan trọng trong lịch sử.
Viện bảo tàng điệp viên quốc tế.
Ví dụ, tại viện bảo tàng, du khách có thể tìm thấy một thùng thư trông rất bình thường, nhưng nó lại là công cụ liên lạc của giới điệp viên. Vào thời Chiến Tranh Lạnh, một điệp viên Hoa Kỳ đã âm thầm hợp tác với Nga, và thường vạch một vệt phấn trên thùng thư nằm giữa ngã tư đường 37 và đường R của thành phố. Vệt phấn này có tác dụng báo cho phía Nga biết các tài liệu mật đã được giấu ở một vị trí định sẵn. Những thông tin bị tiết lộ đã gây ra cái chết của vô số điệp viên Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Với diện tích hơn 1,850 mét vuông, viện bảo tàng điệp viên quốc tế tiết lộ những thông tin trong lịch sử đầy hấp dẫn và bí mật của các điệp viên – một trong những lực lượng bí ẩn nhất thế giới.
Bức thư bằng mực tàng hình của George Washington.
Ngoài bộ sưu tầm hiện vật về điệp lớn nhất thế giới, viện bảo tàng còn cung cấp cho du khách cơ hội thử nghiệm cảm giác làm nhiệm vụ bí mật như một điệp viên thực sự. Khi vào cửa, du khách sẽ có ba phút để ghi nhớ một câu chuyện, trước khi đến sân khấu bên trong. Các không gian tương tác được bố trí khắp viện bảo tàng sẽ kiểm tra thông tin mà du khách nhớ được. Du khách cũng có thể thử leo lên các ống thông hơi để thực tập cách nghe lén người bên dưới trò chuyện.
Khu trưng bày về các nhân vật phản diện của loạt phim James Bond.
Viện bảo tàng có một khu vực mô phỏng kho bí mật, được đặt tên là “Trường Học Điệp Viên.” Nơi này có nhiều trò chơi tương tác, phim tài liệu, cùng hơn 200 công cụ được các điệp viên sử dụng. Điểm đặc biệt của căn phòng là chiếc Aston Martin DB5 với biển số JB007 - chiếc xe huyền thoại của nhân vật James Bond trong phim “Goldfinger” năm 1964. Xe có nhiều kỹ thuật đặc biệt như kính chống đạn, và ghế có thể phóng ra ngoài để thoát hiểm.
Dưới tầng hầm là khu trưng bày về những nhân vật “ác” trong loạt phim James Bond. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội khám phá những đạo cụ và thông tin về các tay trùm tội phạm, bao gồm cả hồ cá mập giả tưởng lấy cảm hứng từ tập phim năm 1977.
Chiếc Aston Martin DB5 của James Bond.
Hiện vật cổ nhất của viện bảo tàng là bức thư bằng mực tàng hình của Tổng Thống George Washington - người được cho là đã lập ra mạng lưới điệp viên đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Những du khách muốn thử cảm giác trở thành một điệp viên có thể tham gia tour Operation Spy hoặc Spy in the City. Operation Spy dành cho độ tuổi từ 12 trở lên, trong đó du khách sẽ trải qua nhiều hoạt động trong các khu vực giả định tình huống, đồng thời phải đương đầu với nhiều thử thách về thể lực và trí tuệ.
Trong Spy in the City, du khách được trao máy định vị GPS, cùng các manh mối, mật mã để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bạn sẽ có cơ hội khám phá thế giới của những điệp viên, cũng như lịch sử và bí mật của các địa danh nổi tiếng dọc đường đi.
Một số hiện vật gồm súng hình thỏi son, giày phát tín hiệu radio, dù bắn đạn tẩm độc, và máy ảnh gắn trên cúc áo.
Viện bảo tàng mở cửa mỗi ngày, từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối. Giá vé cho người lớn là $22 Mỹ kim, và cho trẻ em là $15 Mỹ kim. Khách mua vé có thể ra vào viện bảo tàng không giới hạn lần trong ngày, miễn là họ nhớ câu chuyện giả tưởng mà họ đang tham gia.
Theo báo Viễn Đông