Nghiên cứu về tế bào gốc tại một phòng thí nghiệm
REUTERS/Gareth WatkinsTheo AFP, ngày 18/06/2013, một nhóm chuyên gia Nhật Bản bắt đầu họp lại để bàn về các quy tắc liên quan đến các thực nghiệm "cấy trồng“ các bộ phận nội tạng người trong cơ thể động vật để sử dụng cho việc ghép tạng sau đó. So với nhiều quốc gia khác, dư luận Nhật Bản có phần cởi mở hơn đối với các nghiên cứu thực nghiệm trên phôi thai.
Các nhà nghiên cứu Nhật hy vọng được phép tiến hành cấy tế bào gốc của người vào phôi thai động vật, nhằm tạo ra một "phôi thai đặc dị“, và sau đó đưa phôi thai này vào dạ con của một lợn nái.
Mục tiêu của thực nghiệm này là xem xem một tế bào gốc, khi được trắc nghiệm như vậy, có khả năng phát triển thành một cơ quan nội tạng người, như gan hay thận, hay không. Nếu thành công, cơ quan nội tạng này sẽ được lấy ra và sử dụng cho việc ghép tạng cho những người cần.
Khuyến cáo của các nhà khoa học, nhà báo, luật gia trong cuộc họp hôm nay, vào tháng tới, sẽ được chuyển cho một ủy ban của chính phủ, phụ trách xem xét các quy chế về các nghiên cứu liên quan đến phôi thai tại Nhật.
Cho đến nay, các nhà khoa học Nhật đã có khả năng phát triển được các "phôi thai đặc dị“ như trên trong các ống nghiệm trong hai tuần lễ, nhưng luật pháp hiện nay cấm ghép các phôi này vào dạ con động vật.
Dư luận Nhật có phần cởi mở cho các thực nghiệm kể trên, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông quốc gia ủng hộ mạnh các tiến bộ y học trong lĩnh vực này, mà không nói nhiều đến các nguyên tắc đạo lý hay nền tảng tư tưởng của các thực nghiệm trên tế bào người.
Source: RFI