Những bí ẩn của Liên Xô cho đến nay vẫn thu hút trí tò mò của người dân trên toàn thế giới….
Theo luật của Liên bang Nga, thông tin trong các tài liệu lưu trữ cấp Nhà nước phải được giải mã trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, một số cơ quan Chính phủ dường như vẫn muốn giữ kín nhiều tài liệu mật có liên quan đến các hoạt động của tình báo Liên Xô trước kia, tránh khỏi ánh mắt tò mò của công chúng.
Bí ẩn số phận của Raoul WallenbergNhà ngoại giao Thụy Điển Raoul Wallenberg làm việc tại Hungary vào thời điểm 1944-1945, trong những năm cuối cùng của Thế chiến II. Với mong muốn cứu càng nhiều người càng tốt, Wallenberg đã cấp cho người gốc Do Thái hộ chiếu Thụy Điển và che giấu những người tị nạn tại căn nhà của Đại sứ quán.
Hành động của ông đã giải cứu cho hàng nghìn người khỏi cái chết và được người đời ghi nhận là nhà ngoại giao có tấm lòng cao cả.
Đầu năm 1945, Wallenberg đối mặt với tình báo Liên Xô trong cuộc bao vây Budapest. Wallenberg đã bị bắt bởi các quan chức của tổ chức phản gián SMERSH và bị buộc tội gián điệp. Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông còn sống.
Năm 1957, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Anatoly Gromyko trao cho Đại sứ Thụy Điển một tài liệu nói rằng Wallenberg, người bị cáo buộc bị bắt giam ở nhà tù Lubyanka, Moscow đã qua đời vào năm 1947 do đau tim.
Đây là lần đầu tiên Liên Xô thừa nhận, Wallenberg đã gặp họ lần cuối cùng trước khi biến mất tại Moscow. Dẫu vậy, các tình tiết liên quan vẫn chưa rõ ràng đến ngày nay. Theo các nguồn tin chính thức, các hồ sơ thẩm vấn nhà ngoại giao này đã biến mất.
Đã có nhiều “nhân chứng” tuyên bố rằng Wallenberg vẫn còn sống vào những năm 1950, hoặc thậm chí đã tìm cách trốn thoát.
Cái chết của BeriaTrợ lý thân tín của Stalin – Lavrentiy Pavlovich Beria.
Lavrentiy Pavlovich Beria đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia NKVD (giai đoạn 1938-1945) và là người phụ trách chương trình hạt nhân của Liên Xô. Gần như không có bất cứ điều gì tương đồng giữa Beria với Raoul Wallenberg.
Sau cái chết của Stalin, Beria thất bại trong một cuộc đấu tranh quyền lực với các nhà lãnh đạo Liên Xô như Georgy Maksimilianovich Malenkov và Nikita Khrushchev. Điều này đồng nghĩa với việc sự nghiệp của nhân vật này cũng đến hồi kết thúc.
Bị buộc tội làm gián điệp cho nước Anh và giả mạo nhiều vụ án hình sự, Beria đã bị kết án tử hình vào ngày 23/12/1953 và thực hiện bản án trong cùng một ngày.
Tuy nhiên, một số nhà sử học tin rằng, không có cuộc hành quyết nào xảy ra và người cảnh sát bắt Beria khi đó đã bị thủ tiêu. Câu chuyện về cái chết của ông là do kẻ thù bịa đặt toàn bộ để hợp pháp hóa vụ án. Ngoài ra, không ai đề cập nơi chính xác Beria đã bị xử tử và chôn cất. Đến nay, cái chết của một trong những trợ lý thân tín nhất của Stalin vẫn còn là một bí ẩn.
Nghiên cứu sự việc huyền bíGleb Bokii.
Không giống như các hoạt động tình báo của Hitler, trong đó có một số đơn vị xử lý đặc trách với các vụ việc huyền bí (Ahnenerbe), tình báo Liên Xô mang tư tưởng hoài nghi về chủ nghĩa thần bí, tin vào siêu nhiên được coi là điều vô nghĩa. Mặc dù vậy, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ.
Một trong số đó là Gleb Bokii, một nhân viên tình báo của Cheka-OGPU (một trong những tên gọi của lực lượng cảnh sát bí mật của Liên Xô) từ năm 1921 cho đến năm 1934. Ông là người quan tâm đến các hoạt động huyền bí và giao tiếp với những điều siêu nhiên trong bộ phận OGPU đặc biệt mà ông đứng đầu.
Cùng với nhà nghiên cứu Alexander Barchenko, Bokii thậm chí đã cố gắng tổ chức một cuộc thám hiểm đến Tây Tạng để tìm kiếm đất nước huyền thoại Shambhala.
Tuy nhiên, Chính phủ Liên Xô đã coi đây là dự án lãng phí thời gian, tiền bạc và không chấp thuận. Cả Bokii và Barchenko trở thành nạn nhân trong cuộc Đại thanh trừng vào cuối năm 1930.
Kể từ thời điểm đó, NKVD, KGB và các dịch vụ tình báo khác của Liên Xô từ chối bất kỳ sự tham gia nào trong hoạt động nghiên cứu huyền bí.
Tuy nhiên theo RBTH, ở Nga cũng giống như ở những nơi khác, nhiều người tin vào siêu nhiên vẫn khẳng định, có những tài liệu lưu trữ mật chứa đầy thông tin về người ngoài hành tinh, những bí ẩn cổ xưa và các dấu hiệu khác của sự sống siêu nhiên vẫn còn đó.
Theo báo Viễn Đông