Voyager Golden Record - Đĩa vàng khảm các âm thanh và hình ảnh về Trái Đất và nhân loại, được hai phi thuyền Voyager mang vào không gian. Ảnh : Wikipedia
Cách nay bốn mươi năm, trung tâm không gian Mỹ NASA phóng lên vũ trụ hai phi thuyền, Voyager 1 và 2. Cặp phi thuyền có sứ mạng gửi đến các nền văn minh ngoài Trái Đất các thông tin về hành tinh chúng ta, nhưng nhiệm vụ trước hết của cặp đôi này là nghiên cứu các hành tinh nằm ở “vòng ngoài” của Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, trong 40 năm hoạt động của hai sứ giả của nhân loại, giới thiên văn và công chúng đặc biệt nhớ đến một tấm hình.
Theo AFP, 40 năm sau, người phụ trách khoa học của dự án hồi đó, ông Edward Stone, vẫn vô cùng phấn chấn khi nói đến hai phi thuyền ngày nào : Khi phóng lên cách nay 40 năm, đã không ai hình dung được là “chúng tôi” vẫn đang còn hoạt động, và “chúng tôi” vẫn tiếp tục là “những người tiên phong trong cuộc phiêu lưu này”.
Năm 1977, các hành tinh xa xôi nhất trong Hệ Mặt Trời, như Mộc Tinh, Diêm Vương Tinh, Hải Vương Tinh vẫn còn là một thế giới rất xa xôi. Những hình ảnh đầu tiên mà Voyager 1 và 2 gửi về Trái Đất cho thấy những cơn bão khổng lồ có kích thước gấp hai lần Trái Đất, hoành hành trên Mộc Tinh, hay những dấu hiệu cho thấy có cả một đại dương trong lòng đại dương trên Europa, một vệ tinh của Mộc Tinh….
Không thể phủ nhận được là hai phi thuyền nhỏ bé Voyager 1 và 2 đã mang lại một bước ngoặt cho ngành thiên văn non trẻ, vào thời điểm mà ngân sách và công nghệ còn quá nhiều hạn chế so với hiện nay. Trung tâm không gian NASA nhấn mạnh là Voyager 1 và 2 “đã làm nên một cuộc cách mạng”.
Điểm tí xíu trong vũ trụ bao la
Tuy nhiên, đối với nhiều người, đóng góp vĩ đại nhất của cặp phi thuyền chính là bức ảnh chụp Trái Đất.
Năm 1990, đúng vào ngày hội các tình nhân, ngày thánh Valentin, Voyager 1 đã gửi về NASA hình ảnh về Trái Đất, một điểm tí xíu trong không gian vô tận, chụp từ khoảng cách 6,4 tỷ cây số.
Vào thời điểm đó, nhà thiên văn Carl Sagan - người phụ trách bộ sưu tập các thông tin về nhân loại để gửi đến các nền văn minh ngoài Trái Đất - tuyên bố : “Tôi nghĩ rằng góc nhìn này nhấn mạnh với chúng ta trách nhiệm bảo vệ và nâng niu cái điểm xanh xao nhỏ xíu, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta có được”.
"Pale Blue Dot", bức ảnh nổi tiếng Voyager 1 chụp Trái Đất ngày 14 tháng Hai 1990. Trong hình, Trái Đất chỉ là một điểm tí xíu, chưa đầy một nửa pixel. Ảnh : Wikipedia
Thông điệp của Voyager đã chạm vào lòng người.
Voyager 1 – vật thể xa xôi nhất, do con người tạo ra – giờ vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu. Cuối tháng 8 này, phi thuyền đã đi vào không gian bên rìa Hệ Mặt Trời, cách Trái Đất 20,9 tỷ cây số, tức gấp 3 lần so với khoảng cách từ Mặt Trời đến Diêm Vương Tinh, hành tinh được coi là xa xôi nhất. Với năng lượng hiện tại, các phi thuyền sẽ còn hoạt động và tiếp tục truyền thông tin về Trái Đất, cho đến năm 2020.
Dù trở nên bất động kể từ đó, nhưng nếu “một nền văn minh ngoài Trái Đất” tiếp xúc được với Voyager, vẫn có thể phát hiện ra Trái Đất chúng ta, những thông tin về nhân loại, qua các chỉ dẫn tường tận được khảm vào một chiếc đĩa vàng. Họ có thể tìm đến hành tinh chúng ta.
“Những sinh vật ngoài hành tinh” có thể sẽ thưởng thức được tiếng kêu của cá voi, giao hưởng của Bạch, nhạc rock của John B. Good, tiếng hát của thổ dân châu Úc, châu Mỹ Latinh, châu Phi, hay Nhật Bản, hình ảnh người mẹ cho con bú, hay bào thai trong bụng mẹ, cũng như những sinh hoạt bình thường hơn như một bữa ăn Trung Hoa, một sân bay hay một xưởng máy…
Hy vọng đến khi đó, Trái Đất vẫn là Hành tinh Xanh của Hệ Mặt Trời.
Theo RFI