Vitamin C liều cao đã được chứng minh hỗ trợ điều trị ung thư não, phổi và thậm chí là cả các tế bào gốc ung thư được coi là trái tim của căn bệnh.
Tháng 08/2017, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện tiêm vitamin C có thể là một cách chống lại ung thư máu. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy vitamin C có thể khiến tế bào ung thư ngừng phân chia, sau đó chết dần. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Trường Y Đại học New York, đã chứng minh vitamin C có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư bạch cầu. Tuy nhiên, cách và liều sử dụng vitamin C không hề đơn giản. Bệnh nhân không thể chỉ ăn cam hoặc uống vitamin C để chống lại ung thư.
Một số dạng ung thư máu, bao gồm bệnh bạch cầu (leukaemia) cấp tính và mãn tính, thường liên quan đến đột biến trên gen TET2. Gen TET2 có nhiệm vụ biến những tế bào gốc thành bạch cầu, đồng thời kiểm soát quá trình tự hủy của chúng. Đột biến xảy ra trên gen TET2 sẽ khiến các tế bào bạch cầu có thể được sinh ra nhưng không chết đi. Chúng bắt đầu phân chia liên tục mà cơ thể không có khả năng kiểm soát dẫn đến ung thư.
Riêng ở Mỹ, đột biến gen TET2 là nguyên nhân của khoảng 42,500 trường hợp ung thư mỗi năm. Luisa Cimmino và Benjamin Neel là 2 nhà khoa học tại Trường Y Đại học New York. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng, sự suy giảm 50% hoạt động của gen TET2 là mức đủ để gây ung thư. Ngoài ra, căn bệnh sẽ tiến triển càng mạnh khi chức năng của TET2 càng giảm. Ngược lại, nếu sử dụng kỹ thuật di truyền để phục hồi chức năng của TET2, nó sẽ ngăn chặn sự nhân lên không lành mạnh và giết chết các tế bào ung thư.
Nhóm đã thực hiện thí nghiệm trên chuột để biến đổi gen TET2 khiến chức năng của nó được tăng cường. Tiếp theo là vai trò của vitamin C được chú ý. Vì trong tế bào gốc phôi thai, vitamin C được biết đến với khả năng kích hoạt TET2, kiểm soát hoạt động nhân lên của các tế bào. Những con chuột có hoạt tính TET2 thấp được tiêm vitamin C liều cao mỗi ngày, kéo dài trong 24 tuần. Theo quan sát, sự tiến triển của ung thư máu đã có sự suy giảm. Các tế bào bạch cầu đã giảm 3 lần, so với nhóm chuột không được tiêm vitamin C ở giai đoạn tiền ung thư.
Để kiểm tra hiệu ứng bước đầu có đúng trên người, nhóm nghiên cứu đã lấy một đĩa thí nghiệm chứa tế bào ung thư bạch cầu của người. Một loại thuốc hóa trị được nhỏ vào, sau đó bổ sung thêm vitamin C. Kết quả là liệu pháp hóa trị tỏ ra hiệu quả hơn với sự có mặt của chất dinh dưỡng quen thuộc.
Với những phát hiện mới, nhóm hy vọng rằng vitamin C liều cao sẽ sớm được đưa vào kết hợp với liệu pháp chữa trị ung thư. Trong bối cảnh những bệnh nhân mắc ung thư máu thường đã ở tuổi cao, họ ít khi chịu đựng được tác dụng phụ của hóa trị và có thể chết trong khi chữa trị. Vitamin C hứa hẹn sẽ là một cách tăng cường hiệu quả điều trị ung thư và giảm các tác dụng phụ.
Tuy nhiên, điều trị ung thư với vitamin C rất khác so với việc uống hoặc ăn bổ sung vitamin C hàng ngày. Việc ăn nhiều vitamin C không có khả năng ngăn ngừa ung thư. Những con chuột trong thí nghiệm đã được tiêm 100 miligam vitamin C mỗi mũi tiêm, tương đương lượng vitamin C có trong 2 quả cam. Khi so sánh, một người bình thường có cân nặng gấp 2,000 – 3,000 lần so với chuột. Điều đó có nghĩa là con người sẽ cần ăn 4,000 - 6,000 quả cam. Điều này rõ ràng là không khả thi về mọi mặt. Cơ thể ngừng hấp thụ vitamin C từ ngưỡng 500 miligam nạp vào từ đường tiêu hóa, nên chắc chắn sẽ không thể đạt được mức liều lượng vitamin C trong nghiên cứu bằng cách ăn cam.
Theo Nguoivietphone.com