(Hình minh họa: Robyn Beck/AFP/Getty Images)
LOS ANGELES, California (NV) – Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ nấu những bữa ăn đầy chất dinh dưỡng từ những nguyên liệu tươi, tự nhiên và ngon nhất. Nhưng trong thế giới thực tại, cuộc sống bận rộn với công việc, học hành, gia đình, bạn bè và các trách nhiệm khiến chúng ta đôi khi phải sử dụng các thực phẩm đóng hộp để tiết kiệm thời gian và dễ dàng chế biến. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mà nếu đọc không kỹ thành phần và thông tin dinh dưỡng, bạn có thể nạp vào cơ thể các thành phần không tốt cho sức khỏe và cân nặng. Dưới đây là các mẹo nhỏ hướng dẫn cách đọc và hiểu cặn kẽ bao bì thực phẩm, theo trang mạng của nữ blogger Lauren Conrad.
1. Khẩu phần ăn (Serving size)Theo thói quen, chúng ta thường chỉ đọc lượng calories trên bao bì mà quên mất phần quan trọng nhất là khẩu phần ăn, hay tiếng Anh còn gọi là serving size. Serving size nghĩa là một khẩu phần ăn có chứa một lượng calories nhất định. Ví dụ, nếu trên bao bì của một bịch snack ghi là “serving size: 3 cup” và “calories: 250”, tức là có 250 calories trong một phần ăn, nhưng có đến ba phần ăn (3 cup) nên calories thật sự của sản phẩm chứa đến 500 calories.
2. Phần calories Lượng calories chính xác là bao nhiêu và chúng quan trọng đến mức nào trên một bao bì? Theo chuyên gia dinh dưỡng Kelly LeVeque, calories đo lượng năng lượng mà cơ thể nạp vào khi hấp thụ thức ăn. Chú ý đến lượng calories là một trong các yếu tố giúp bạn theo dõi cân nặng của mình, từ việc muốn giảm cân, tăng cân hay duy trì lượng cân đang có. Nhưng chỉ đừng chú ý đến con số calories mà bạn còn phải quan tâm đến thành phần dinh dưỡng trên bao bì. Nếu trong sản phẩm có nhiều chất xơ, protein, vitamin và các chất béo có lợi có trong một lượng calories vừa phải sẽ là sự lựa chọn tốt cho bạn thay vì tiêu thụ thực phẩm mà không có lượng calories nào hoặc thành phần dinh dưỡng quá ít.
3. Phần “Percent of Daily Value”“Percent of Daily Value”, hay còn gọi là giá trị dinh dưỡng hàng ngày, viết tắt là % DV, là phần trăm dinh dưỡng trong sản phẩm ghi trên bao bì. Thông thường, phần trăm này dựa trên tổng 2000 calories một ngày được xem là lý tưởng trong chế độ ăn kiêng lành mạnh của một người trưởng thành. Theo chuyên gia dinh dưỡng Kelly LeVeque, tùy theo cơ địa, độ tuổi, giới tính của mỗi người mà lượng calories nạp vào cơ thể khác nhau. Vì vậy, bạn nên tập trung vào việc lựa chọn thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh và chất xơ hơn là chú ý đến con số phần trăm.
4. Không phải chất béo nào cũng xấuChất béo (hay còn gọi là “fat”) thường ghi ở trong phần “nutrition fact” trên bao bì và cũng là phần mà người tiêu dùng sợ nhất. Nhưng không phải chất béo nào cũng có hại. “Bạn nên chú ý đến phần trăm chất béo trong sản phẩm, nếu lượng %DV của chất béo thấp thì tức là nó sẽ cung cấp vừa đủ cho cơ thể của bạn,” chuyên gia dinh dưỡng LeVeque nói. Tuy nhiên, bạn nên tránh xa loại thực phẩm có “trans fats”, vì nó không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, không phải bao bì nào có ghi chữ “fat-free” là sẽ không có calories. Ngược lại, nhiều sản phẩm ghi “fat-free” nhưng thực ra lại bổ sung thêm lượng đường rất nhiều.
5. Đường, tinh bột và chất xơ Thông thường, ít bao bì sản phẩm có để phần trăm lượng đường sử dụng, và lại càng làm khó chúng ta hơn khi không thể biết được bao nhiêu đường trong một sản phẩm là tốt đối với mình. Một số người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, bốn gram đường là bằng lượng đường trong một muỗng canh. Vì vậy, đối với một chai nước ngọt 12oz với 40 gram đường, tức là sẽ có đến mười muỗng canh đường bỏ vào đó! Bạn nên chú ý đến lượng đường trong các sản phẩm như yogurt, sốt cà chua, protein bar và các loại sốt dùng trong nhà.
Ngoài ra, tất cả tinh bột (trừ fiber ra) đều sẽ chuyển hóa thành glucose hoặc lượng đường trong máu. Vì vậy, bạn nên chọn thực phẩm tự nhiên cung cấp tinh bột nhưng cũng có nhiều chất xơ như là rau củ hay các loại trái cây.
6. Chú ý đến một số thành phần đặc biệtĐối với các loại sữa làm từ đậu, bạn nên tránh loại nào có chứa carrageenan, là thành phần có thể gây viêm ruột thừa hoặc viêm đường tiêu hóa. Các loại sữa đậu không có carrageenan phải bảo quản trong tủ lạnh chứ không để ở các kệ thường trong siêu thị. Bạn cũng nên tránh các loại dầu ăn rẻ tiền có thành phần như dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu safflower hay dầu cottonseed. Các loại dầu này thường dùng để thay thế trans fat nhưng nó cũng không đem lại lợi ích cho bạn mà phần lớn sẽ gây mất cân bằng fatty acids trong cơ thể.
Theo báo Người Việt