Thính giả Kevin Nguyễn hỏi về tuyến tiền liệt.
Tải để nghe bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
https://av.voanews.com/c...a6-aa8a-c1c9f41ca731.mp3Triệu chứng phát xuất từ tuyến tiền liệt:Trước hết là những câu trả lời ngắn, sau đó chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn. Những triệu chứng sau đây có thể phát xuất từ tuyến tiền liệt (prostate):
1) bịnh nhân tiểu chậm đi, dòng nước tiểu yếu
2) ngập ngừng, mất vài giây mới bắt đầu tiểu được
3) tiểu xong, cảm thấy như tiểu chưa hết
4) nước tiểu còn nhỏ giọt, không dứt liền sau khi tiểu
5) phải đi tiều nhiều lần hơn trước ("đái láu")
6) bị thôi thúc phải đi tiểu liền, chạy nhanh vào phòng tắm
7) tiểu ngập ngừng, ngưng rồi chảy tiếp
8)phải rặn mới tiểu được
9) tiểu đau, đau sau khi tiểu
10) tiểu ta máu
11) xuất tinh đau
12)đau vùng dưới, vùng xương chậu, vùng hậu môn
13) Người lớn tuổi thường bị mất ngủ, lý do thường gặp nhất là phải đi tiểu nhiều ban đêm.
Vài ý niệm về cơ thể học:Chúng ta có hai trái thận (kidney, Fr: rein) hai bên, phía sau và phía trên bụng. Hai thận lọc máu và bài tiết nước tiểu, đi xuống hai ống niệu quản (ureter), vào bọng đái (bladder) nằm giữa, phía dưới bụng. Bọng đái người lớn có nước tiểu chừng 300ml thì mắc tiểu, nếu bộ óc cho phép “mở cửa” thì nước tiểu thoát ra niệu đạo (tiểu tiện), nếu nín thêm bọng đái có thể chứa đến 600ml là tối đa.
Tuyến tiền liệt (prostate) là một tuyến ngoại tiết (exocrine gland) của bộ phận sinh dục nam. Tuyến thể tích chừng 15-30 ml, cở chừng hột walnut hay trái banh chơi golf, nằm dưới và nằm ngay trước ngõ nước tiểu đi ra của bàng quang (bọng đái, bladder), từ đó được đặt tên khoa học là prostate, có nghĩa là “đứng [pro] trước [stat], giữ cửa”, từ tiếng Việt tiền liệt cũng theo nghĩa đó. Trước đây, chúng ta còn gọi là “nhiếp hộ tuyến”. Tuyến tiết vào tinh dịch một số thành phần giúp nuôi dưỡng các tinh trùng.
Tuyến tiền liệt bao quanh, ôm lấy niệu đạo (urethra) là ống dẫn nước tiểu thoát ra từ bọng đái.
1) Nếu tiền liệt lớn quá (phì đại, enlarged prostate, hypertrophic prostate) nước tiểu thoát ra khỏi bọng đái (bàng quang; bladder) khó khăn hơn, làm bịnh nhân đi tiểu nhiều lần mà không ra hết, dễ nhiễm trùng. Bọng đái phải làm việc nhiều hơn để đẩy nước tiểu ra ngoài, nên vách bọng đái dày ra. Nếu bọng đái gắng bóp mà nước tiểu không thoát ra được (urinary retention), phải thông tiểu. Hoặc người bịnh bị són tiểu do nước tiểu đầy quá mới tràn ra trong lúc vẫn còn nước tiểu trong bọng đái (overflow incontinence)
2) Ung thư tuyến tiền liệt là một đề tài gây nhiều tranh luận hiện nay trong giới y khoa.
Thường người ta sàng lọc (screen) bịnh nhân bằng 2 phương pháp đơn giản:
(i) bác sĩ khám bằng ngón tay qua ngã hậu môn, tuyến tiền liệt nằm phía trước trực tràng, bác sĩ sở vào bằng ngón trỏ (digital rectal exam), cảm giác như lúc sờ vào chóp mũi, và bề mặt (phía sau) tuyến đều đặn đối xứng. Nếu sờ cứng, nổi cộm , to lên không đều thì bác sĩ nghi có bướu (DRE: digital rectal exam, ở đây digital là "dùng ngón tay", không phải kỹ thuật số)
(ii) đo PSA (prostate specific antigen), là một kháng nguyên (antigen) từ tuyến tiền liệt tiết vào máu, đo dùng đơn vị nanogram/ml. Trước năm 2008, ở Mỹ gần như là thông lệ, mỗi năm bác sĩ cho thử mức PSA trong máu ở mọi người đàn ông trên 50 tuổi (yearly PSA screening). Nếu mức PSA cao hơn 4ng/ml, người ta làm sinh thiết tuyến tiền liệt để tìm ung thư.
Nói chung , PSA lên cao ở bịnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên không phải ai có PSA cao cũng bị ung thư, ví dụ người bị viêm tuyến tiền liệt, tuyến phì đại lành tính (benign prostate hypertrophy) cũng có thể PSA lên cao. Thường bs sẽ nghi ung thư nếu PSA>4 nanogram/ml, tuy nhiên có người bị ung thư nhưng PSA lại thấp hơn 4 nanogram/ml.
Hiện nay, một số cơ quan y tế, vd: USPSTF [US Preventive Services Task Force], khuyên không nên thử PSA hàng năm cho tất cả mọi đàn ông không có triệu chứng trên 50 nữa vì người ta rút tỉa từ các nghiên cứu rằng một số đáng kể bịnh nhân vì PSA cao, phải chịu đựng thử thịt (biopsy, sinh thiết), phẫu thuật không cần thiết. Mổi năm ở Mỹ, có 160,000 trường hợp ung thư TL mới được định bịnh, và chừng 27,000 người chết vì bịnh này. Có chừng 2,9 triệu người Mỹ đang mang bịnh này ( American Cancer Society). Tuy nhiên, nói chung dự hậu sống sót khá tốt, 99% người bịnh còn sống sau 5 năm. Ngoài ra, người ta ước tính là 50-70% các ung thư tiền liệt được chẩn đoán sẽ phát triển rất chậm và cho đến khi bịnh nhân chết vì nguyên nhân khác, các ung thư này vẫn còn nằm yên trong tuyến tiền liệt và không ảnh hưởng hay làm ngắn hơn cuộc sống của người mang nó. Tuy nhiên, Medicare (cơ quan bảo hiểm sức khoẻ cho người già ở Mỹ) và một số bảo hiểm tư vẫn trả tiền cho thử máu PSA hàng năm.
Xin nhắc lại, các nhận xét trên đây chỉ có tính cách thông tin. Thính giả cần hội ý với bác sĩ của mình.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Ngày 17 tháng 7 năm 2017
Bác sĩ Hồ Văn Hiền