Trong những chuyện từ trong nước bay ra hải ngoại, nay đã trở thành đề tài quen thuộc trong những cộng đồng, nghe riết đến mức thành nhàm là chuyện các ông Việt kiều về quê khoe khoang. Ông là bác sĩ – mà bác sĩ giải phẫu tim, giải phẫu thẩm mỹ chứ không phải là bác sĩ gia đình xoàng xĩnh, ông là kỹ sư chế tạo máy bay cho hãng Boeing hay phi thuyền con thoi, máy bay không người lái, máy bay tàng hình cho NASA, chẳng phải thứ kỹ sư điện tử bèo trong hãng lắp ráp linh kiện điện tử ...
Mấy ông này, sau vài tuần nói cho sướng miệng ở Việt Nam trở về Mỹ với cái nghề đích thực của mình là đi bấm thẻ trong hãng xưởng, đi giũa nail, đi lượm sắt vụn, hoặc rất có thể là nằm chèo queo ở nhà vì đang ăn tiền thất nghiệp tới tiền đổ xăng để ra đường cũng khó .
Nhìn ở một góc cạnh nào đó thì những lời nói ra –chẳng có tí nào đúng sự thật của những ông Việt kiều đó lại rất đúng với ước mơ của họ. Những thứ ước muốn trong tầm tay thì người ta thường để bụng cho đến khi thực hiện được; như muốn mua cho mình, cho bà xã một cái điện thoại đời mới chừng vài trăm đô la, số tiền không nhỏ nhưng trong khả năng nếu bớt xài vài tuần, vài tháng; hoặc cái xe đời mới thì tiện tặn vài năm cũng trả xong tiền xe... Những điều trong tầm tay ấy đối với một người sống ở Mỹ hoàn toàn có thể làm được nên người ta không nói trước cho đến hôm thấy họ xài cái điện thoại tối tân vào bậc nhất ở Mỹ; thấy họ lái cái xe bóng loáng, mới toanh...
Nhưng đồng tiền bấm thẻ của người đi làm công ở Mỹ cùng lắm cũng chỉ mua được cái điện thoại, cái xe đời mới, tới cái nhà để ở là hết mức. Nhưng những ước mơ không có cửa nào để vào nên nó tràn ra miệng – thành lời không thật mà từ bình dân gọi là: nổ. Người trong nước gọi là Việt kiều dỏm.
Với giới bình dân nhưng may mắn được xuất cảnh đi định cư ở Mỹ, và không thực hiện được hoài bão nên đành nổ cho đỡ ghiền cơn mộng giàu sang. Loại người này hằng hà, ở đâu cũng nghe chuyện về họ.
Còn một giới ngược lại là những người sinh sống trong nước nhưng may mắn có cơ hội hơn triệu người nghèo khổ khác. Họ làm ăn thành đạt (bất luận là công chính hay đi đêm với giới chức quyền trong nước), đi ra nước ngoài một chuyến để ký hợp đồng làm ăn với những công ty nước ngoài; đi mua nguyên vật liệu đem về trong nước để sản xuất và xuất cảng ngược ra ngoại quốc... Họ có nổ không là câu hỏi tôi đã tự đặt ra để tìm tòi giải đáp thắc mắc – đối ngược với người ở hải ngoại về nước bị mang danh hiệu “Việt kiều dỏm” thì người trong nước đi ra hải ngoại chỉ để nổ sẽ phải gọi là gì để đối xứng với danh hiệu của Việt kiều dỏm?
Công trình để ý của tôi đã có tuổi, nghĩa là lâu rồi. Tôi có tiếp xúc với những người trong nước ra hải ngoại vì chuyện làm ăn thôi chứ họ không cần định cư. Tựu trung họ khiêm tốn thái quá hay bởi mình sống ở hải ngoại thoải mái đã lâu nên thấy họ khách sáo và... phật phật ma ma thế nào ấy!
Những điều nghĩ không tốt cho người khác đã là không tốt, lại càng không tốt khi mình chưa thực sự hiểu họ mà đã đưa ra những nhận xét thiếu thiện cảm thì quá hồ đồ.
Tôi để bụng cho đến hôm gặp một người trong nước ra đã để lại cho tôi những thiện cảm. Chuyện về anh đơn giản như chính tôi vì tôi và anh lớn nhỏ hơn nhau có một tuổi thì nhằm nhò gì. Ngồi trò chuyện về cái thời của chúng tôi thì đương nhiên chúng tôi tâm đắc và không có gì để bàn cãi với nhau. Chỉ có hai tương lai của hai người hai lối. Tôi trở thành tôi bây giờ. Còn anh, sau những lần vượt biên thất bại thời ấy, làm tiêu tùng vốn liếng bà già, bản thân thì tiền hết, của không có, đã đi làm công cho một ông cán bộ có cơ sở gia công chế biến đồ gỗ. Anh cũng không ngờ đời anh trở thành thợ mộc sau vài năm từ thợ phụ lên thợ chánh đóng tủ bàn ghế. Rồi ông cán bộ hết thời thì về vườn. Anh làm gì để sống ngoài cái việc đóng tủ bàn ghế để bán kiếm lời bằng đồng vốn nhỏ nhoi còn lại của mẹ anh. Anh đã đi từ thợ phụ lên thợ chánh, rồi làm chủ lấy thương vụ nhỏ nhoi của mình.
Điều may mắn nhất trong đời anh đã đến là người vợ giỏi giang mà trời đã ban cho. Từ quen biết nhau, rồi duyên nợ đến, chị đã tận dụng vốn riêng của chị để thành lập cái công ty hai người. Chị có tài buôn bán nên tủ bàn ghế do chính anh làm ra không đủ bán. Chị lại có tài nhìn xa trông rộng nên mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất; mướn người giúp việc để nâng ông bồ mình lên giám đốc công ty sản xuất đồ gỗ. Chị là người phụ nữ đáng nể qua lời tâm sự của anh, làm tôi liên tưởng đến câu “anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”. Chị chỉ lấy chồng làm giám đốc công ty nên phải xây dựng và đặt anh vào cái ghế giám đốc rồi mới làm đám cưới.
Họ có hai mặt con, anh chị trở thành đôi vợ chồng có tên tuổi trong ngành sản xuất đồ gỗ ở Xuân Lộc. Cái nguyện vọng của chị – là lý do anh đến Mỹ, và đang ngồi trò chuyện với tôi. Chị tính tới việc qua Mỹ mua gỗ đưa về Việt Nam làm tủ bàn ghế rồi xuất sang Mỹ trở lại vì Việt Nam đã hết gỗ. Cho dù cứ trả giá cao cho người có chức quyền đốn gỗ lậu thì cũng không còn gỗ cho họ đốn lậu.
Lúc hai vợ chồng bắt tay vào kế hoạch lớn nhất trong sự nghiệp của họ thì riêng chị bắt tay tử thần với cái xét nghiệm dương tính về ung thư. Anh phải tạm ngưng kế hoạch làm ăn để làm chồng, sống hết với vợ ba năm cuối đời và bây giờ là anh đang thực hiện lời hứa với vợ trước khi chị ra đi: Anh sẽ sang Mỹ mua gỗ…
Câu chuyện của anh vừa thấm thía cái nghĩa đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn; vừa để lại trong tôi sự thương cảm và thân mến nhẹ nhàng. Anh chị sống theo tinh thần thuần Việt là không trộm cắp, không ức hiếp người khác; cũng không luồn cúi ai để vinh thân mà cứ giữ lấy sự trung thực, lòng nhân ái trong mọi quan hệ. Quan quyền không khinh, không ghét nên không làm khó mình là được; thuộc cấp, thầy thợ không oán than về ông bà chủ là được; khách hàng của công ty không càm ràm là được…
Có thể cái công ty của anh không khiêm nhường ở mức vài triệu đô la trị giá như anh trả lời câu hỏi của tôi mà nó phải là mấy chục triệu hay hàng trăm triệu. Tôi chỉ nhớ mãi anh là người khiêm tốn, dễ kết bạn với mọi người vì anh không... nổ.
Nhưng trong số những người từ trong nước ra mà tôi cũng đã gặp một anh khác. Và anh này đã để lại cho tôi hình ảnh lạ! Anh chỉ đến Dallas để dự một buổi “Hội nghị khách hàng” của một công ty Mỹ ở Dallas mời. Ôi thôi cái ông thần nước mắm nước mặm này, ông ấy tự tổ chức một cuộc họp báo ở Dallas để nói về công ty của ông ấy ở Việt Nam mới ghê. Ông này biết xài tiền nên nhanh chóng có những người thấy sang bắt quàng làm họ.
Lúc buổi họp báo bắt đầu thì ông là tổng giám đốc công ty... xuyên quốc gia lớn nhất ở Việt Nam; nhưng chỉ sau vài câu chất vấn nhè nhẹ của báo chí, ông đã xuống chức trưởng phòng kinh doanh. Đến chiều, ra tới nhà hàng khoản đãi thì ông chỉ là anh bảo vệ của công ty nhờ được lòng bà chủ nên được thay mặt công ty đi dự buổi hội nghị mà chả ông chủ nào có thời giờ tham dự. Anh cảm ơn mọi người có mặt trong buổi họp báo đã giúp anh hoàn thành chí nguyện của bà chủ tử tế!
Tôi gọi anh là gì đây? Việt gian thì oan cho anh vì anh chỉ nổ thôi; Việt cộng thì anh người Việt thôi chứ đâu có cộng... Sở Khanh thì anh đâu có dụ nổi bà chủ mà tại bà chủ mê anh trẻ trung, đẹp trai, sức lực dồi dào…
Dường như bệnh nổ không chỉ một chiều từ hải ngoại về nước mới nổ mà từ trong nước đi ra hải ngoại cũng nổ. Căn bệnh trầm kha của những người không thực hiện được ước mơ giàu sang phú quý thì hay nói quá lời cho đỡ thèm về sự huy hoàng của mình. Và trong hay ngoài nước cũng đều có những người biết tôn trọng người khác bằng sự thành thật của mình. Đó là những người có đức tin, có tự trọng và có nhân cách. Tuy đời nay ngày càng ít đi những người ấy, nên đâu cũng đầy rẫy những người mang bệnh trầm kha…
Phan