Ngày 05/10/2017, Viện Hàn lâm Thụy Điển thông báo, giải Nobel Văn chương năm 2017 thuộc về ông Kazuo Ishiguro, nhà văn, nhà viết kịch Anh Quốc, gốc Nhật Bản.
Tin vui bất ngờ
Lần đầu tiên nghe nói giải thưởng Nobel Văn chương năm 2017 thuộc về mình, nhà văn Kazuo Ishiguro cho đó là tin đồn nhảm nhí. Theo ông, hiện giờ trên mạng xã hội thường có nhiều bản tin không đúng sự thật, tin đồn thất thiệt về ông được giải Nobel Văn chương cũng không có gì lạ. Cho đến khi, một ký giả BBC gọi điện thoại đến chúc mừng, lúc đó ông mới thực sự tin rằng, mình đã giành được giải Nobel Văn chương 2017. Theo ông, đối với một nhà văn, được trao tặng giải Nobel Văn chương là một vinh dự vô cùng lớn lao, cảm thấy vui sướng vô cùng. Thế là … ông cũng có thể theo bước chân đi của 113 đàn anh, đàn chị từng đoạt được giải thưởng văn chương cao quý này.
Khi công bố giải thưởng Nobel Văn chương năm 2017 thuộc về ông Kazuo Ishiguro, bà Sara Danius, thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển (permanent secretary of the Swedish Academy), nhận xét: ông Kazuo Ishiguro là một nhà văn tầm cỡ lớn và chính trực, đã sáng tạo ra vũ trụ mỹ học thuộc về mình. Bà nói: “Với những cuốn tiểu thuyết tình cảm mãnh liệt, Kazuo Ishiguro đã diễn tả sâu sắc cảm giác ảo trong mối liên hệ giữa loài người và thế giới. Ông ấy là người rất có hứng thú trong việc thấu hiểu quá khứ, nhưng không bù đắp quá khứ, luôn luôn khai thác những gì chúng ta từng quên đi để tồn tại…
Con đường nghệ thuật
Kazuo Ishiguro là một trong những nhà văn nổi tiếng thế giới, từng viết nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật bằng tiếng Anh, trong đó có truyện dài, truyện ngắn, kịch bản phim và lời hát các bản nhạc.
Tính đến nay, sau hơn 30 năm làm nghề viết văn, ông chỉ sáng tác 7 cuốn truyện dài gồm:
A Pale View of Hills (Núi đồi ảm đạm), 1982.
An Artist of the Floating World (Đời sôi nổi của một nghệ sĩ), 1986.
The Remains of the Day (Phần còn lại của ngày),1989.
The Unconsoled (Không thể an ủi),1995.
When We Were Orphans (Khi chúng ta cô đơn), 2000.
Never Let Me Go (Xin đừng để tôi đi), 2005.
The Buried Giant (Gã khổng lồ bị chôn vùi), 2015.
Trong 7 tác phẩm này, cuốn The remains of the day xuất bản năm 1989, từng dịch ra nhiều thứ tiếng và được nhiều người biết đến.
Kazuo Ishiguro từng được giới thiệu tranh giải Man Booker,
hai lần. Năm 1989 ông đoạt giải này với tác phẩm The remains of the day.
The remains of the day không chỉ mang về cho tác giả một giải thưởng văn học danh giá Man Booker vào năm 1989, còn có mặt trong danh sách “100 quyển sách không thể thiếu” cũng như “1 trong1000 quyển tiểu thuyết ai cũng phải đọc”. Theo The Guardian, tờ báo phát hành mỗi ngày ở Anh Quốc, The remains of the day là tác phẩm thể hiện rõ nét những gì về ký ức và thời gian đáng ghi nhớ của Kuzuo Ishiguro. Bốn năm sau, tác phẩm này được dựng thành phim, do James Ivory đạo diễn, với sự tham gia của hai tài tử Anthony Hopkins trong vai Stevens, Emma Thompson trong vai Kenton …
Năm 2005, Never Let Me Go (Xin đừng để tôi đi) của Kazuo Ishiguro cũng được đề cử tranh giải Man Booker. Kết quả, The Sea của John Banville đoạt giải này, Never Let Me Go đứng thứ 4 trong 6 tác phẩm được đề cử. Trong khi đó, tạp chí Times bình chọn Never Let Me Go của ông là một trong 10 tác phẩm hay nhất trong năm 2005, đồng thời là một trong 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất xuất bản trong khoảng thời gian từ 1923 đến 2005. Never Let Me Go là một tác phẩm khoa học giả tưởng xoay quanh mối quan hệ của ba người bạn Kathy H, Ruth và Tommy với những sự kiện trải dài từ lúc họ còn nhỏ tới khi đã trưởng thành.
Man Booker là giải thưởng trao tặng hàng năm cho cuốn truyện dài nào viết bằng Anh ngữ hay nhất trong năm, tác giả là công dân thuộc khối thịnh vượng chung Anh, hay công dân nước Cộng hòa Ireland.
Tính đến khi được trao tặng giải Nobel Văn chương 2017, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là The Buried Giant (Ký ức bị chôn vùi) xuất bản năm 2015. Tác phẩm này kể về câu chuyện một cặp vợ chồng già cùng nhau thực hiện một chuyến hành trình với hy vọng được đoàn viên với người con trai vốn đã nhiều năm không gặp. Câu chuyện khai thác mối tương quan đầy xúc cảm giữa ký ức và sự quên lãng, giữa lịch sử và hiện tại, giữa ảo tưởng và thực tế.
Ngoài 7 cuốn truyện dài, nhà văn Kazuo Ishiguro còn viết nhiều truyện ngắn gồm: A Strange and Sometimes Sadness (Nỗi buồn kỳ lạ); A Family Supper (Bữa ăn tối trong Gia đình); The Summer After the War (Mùa hè sau Chiến tranh); October 1948 (Tháng 10 năm 1948); A Village After Dark (Xóm làng sau đêm tối); Crooner (Giọng hát thầm lặng); Come Rain or Com Shine (Sắp mưa hay mặt trời mọc); Malvemrn Hills (Đồi Malvern); Nocturne (Dạ khúc); Cellists (Người kéo Violoncelle).
Ngoài truyện dài và truyện ngắn, Kazuo Ishiguro còn viết một số kịch bản phim truyền hình: A Profile of Arthur J. Mason (1984); The Gourmet (1987); The Saddest Music in the world (2003); The White Countess (2005).
Âm nhạc cũng là một yếu tố có thể dễ dàng tìm thấy trong văn chương của Kazuo Ishiguro, rõ nhất là trong Nocturnes: five stories of music and nightfall vào năm 2009. Trong tác phẩm này, âm nhạc đóng vai trò then chốt trong việc khắc họa mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện.
Kazuo Ishiguro cũng từng sáng tác lời cho nhiều bài hát trong một số album của nữ ca sĩ nhạc jazz Stacey Kent và nghệ sĩ saxoponist Jim Tomlinson, chồng của Stacey Kent. Trong đó có album được đề cử tranh giải Grammy năm 2007. Năm 2002, lần đầu tiên Kazuo Ishiguro gặp Kent khi anh nghe bài hát nhạc jazz They Can’t Take That Away frpm Me của George Gershwin và Ira Gershwin sáng tác năm 1937. Từ đó nữ ca sĩ Kent yêu cầu nhà văn Ishiguro viết lời bài hát cho cô. Trong một dịp trả lời phỏng vấn của ký giả, Kazuo Ishiguro thổ lộ: Viết lời cho bài hát của nữ ca sĩ Stacey Kent đã ảnh hưởng nhiều đến hư cấu trong tác phẩm văn học của mình.
Phác họa chân dung
Kazuo Ishiguro chào đời ngày 08/11/1954 tại Nagasaki, Nhật Bản. Năm 1960 theo cha là ông Shizuo Ishiguro một nhà vật lý hải dương học, làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Hải dương Quốc gia Southampton (The National Oceanography Centre Southampton), Anh Quốc, phải di dân sang sinh sống tại thành phố Guildford, đông nam Anh Quốc.
Di cư đến thành phố Guildford không bao lâu, Kazuo vào học tại trường tiểu học Stoughton Primasy, sau đó vào học tại Woking County Grammar School. Sau khi tốt nghiệp trung học, nhân lúc rỗi rải, trong dịp đi du lịch Bắc Mỹ, Kazuo Ishiguro sáng tác một địa hát mẫu gửi đến công ty sản xuất đĩa hát. Năm 1974, ông vào học tại trường Đại học Kent, năm 1978 lấy bằng cử nhân văn chương và triết học. Sau một năm sáng tác văn học, năm 1980, Kazuo Ishiguro vào học khóa viết văn tại trường đại học East Anglia, học xong nhận bằng thạc sĩ sáng tác với bản luận văn tốt nghiệp là tác phẩm A Pale View of Hills xuất bản năm 1982. Tác phẩm này kể câu chuyện một người phụ nữ trung niên người Nhật tên Etsuko sống một mình ở Anh… Quyển sách đầu tay này đã mang về cho ông giải thưởng Winifred Holtby của Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh.
Sau gần 30 năm xa quê cha đất tổ, năm 1989, Kazuo Ishiguro mới trở về Nhật Bản tham dự chuyến viếng thăm Nhật Bản ngắn ngày do The Japan Foundation tổ chức. Dịp này, khi trả lời phỏng vấn của Kenzaburo Oe, nhà văn Nhật Bản từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1994, Kazuo Ishiguro nói với ông, hai tác phẩm đầu tay của mình hư cấu về Nhật Bản. Ông nói: “Trong quá trình sinh trưởng, hình ảnh một ‘quốc gia khác’ ấp ủ mãnh liệt trong đầu óc tôi. ‘Quốc gia khác’ đó vô cùng quan trọng. Nó có mối liên hệ tình cảm chặt chẽ đối với tôi… Ở Anh Quốc, đầu óc tôi lúc nào cũng xây dựng hình ảnh đó – một nước Nhật hư cấu”.
Lý Anh