Người dân Ấn Độ đi giữa sương mù dày đặc ở New Delhi hôm 7/11/2017. AFP
Một nghiên cứu mới đây cho biết số người nhiễm bệnh thận mãn tính (CKD) toàn cầu do ô nhiễm không khí đã lên đến hơn 10 triệu người mỗi năm.
Nghiên cứu được công bố tại hội nghị Tổ chức Thận Hoa Kỳ năm 2017, từ ngày 31 tháng 10 đến 5 tháng 11 ở New Orleans, Louisiana.
Trước đây, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng tại Hệ thống Chăm sóc Y tế Saint Louis đã mô tả sự liên quan giữa các hại bụi siêu nhỏ tồn tại trong không khí và nguy cơ phát triển bệnh thận. Nhưng sau đó các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu bệnh tật toàn cầu trong các khảo sát mới nhất để ước lượng khả năng bị bệnh thận mãn tính do ô nhiễm không khí.
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy sự khác nhau phục thuộc về mặt địa lý, trong đó Trung Mỹ và Nam Á là nơi có tỉ lệ nhiễm bệnh nhiều nhất.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời Nhà nghiên cứu Benjamin Bowe nói rằng "Ít nhất thì ô nhiễm không khí có thể là một phần cho sự giải thích về tỷ lệ mắc bệnh CKD không rõ nguồn gốc ở nhiều vùng địa lý trên thế giới và sự gia tăng bệnh thận ở Mesoamerican ở Mexico và Trung Mỹ".
Cũng liên quan đến tình trạng ô nhiễm, vào ngày 7 tháng 11, tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô New Dehli của Ấn Độ được thông báo đến mức độc hại khi bầu trời thủ đô nước Ấn Độ bị phủ một màng xám dày đặc.
Bản tin của hãng AP cho biết hiện tượng này đã khiến các quan chức địa phương yêu cầu các trường học đóng cửa và cuộc chạy marathon diễn ra vào cuối nửa tháng 11 sẽ bị hủy bỏ.
Chỉ số chất lượng không khí của chính phủ đã chỉ ở mức từ 350 đến 450, cho thấy bầu không khí mà người dân nước này đang hít thở mỗi ngày là rất nguy hiểm. Mức độc nhất trong bảng chỉ số của Hội đồng kiểm soát ô nhiễm trung ương là 500.
Theo AP, khi thời tiết Ấn Độ đang vào mùa đông, người nghèo ở quốc gia này hay đốt than, cây trồng và rác thải để sưởi ấm, gây những đám khói mù dày đặc thường xuyên bao phủ hầu hết các vùng phía bắc Ấn Độ. Ngoài ra còn do khí thải từ các nhà máy.
Hơn hai năm qua, thành phố New Delhi được xem là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới.
Theo RFA