Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ loãng xương. (Hình: Peter Macdiarmid/Getty Images)
NEW YORK CITY, New York (NV) – Nghiên cứu mới nhất cho thấy, khói bụi trong không khí làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương nơi người cao niên, theo hãng thông tấn UPI.
Các nhà khoa học thu thập dữ kiện từ 9.2 triệu người ghi danh bảo hiểm Medicare tại khu miền Trung và Đông Bắc Atlantic, sau khi những người này phải nhập viện vì bệnh xương từ năm 2003 đến 2010.
Nghiên cứu cho thấy, dù chỉ tiếp xúc với lượng nhỏ loại vi khuẩn PM2.5, một loại bụi có kích thước 2.5 micrometer trở xuống trong không khí ô nhiễm, cũng làm tăng nguy cơ gãy xương ở người cao niên.
Sau đó, các chuyên gia cũng dành tám năm theo dõi 692 người trung niên có thu nhập thấp tại Boston.
Các chuyên gia cho biết, những ai sống tại khu vực có nhiều lượng PM2.5 và lượng Carbon đen, một loại ô nhiễm thải ra từ xe cộ, có lượng hormone xương và lượng calcium thấp. Ngoài ra, những người này cũng thiếu những khoáng chất giúp làm xương cứng cáp so với những ai ít tiếp xúc với hai loại bụi ô nhiễm trên.
Ông Andrea Baccarelli, tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết: “Sau nhiều thập niên nghiên cứu về những tác hại của ô nhiễm không khí, chúng ta biết về những tác hại về tim mạch, hệ thống hô hấp, ung thư, sự minh mẫn đầu óc, và nay, ảnh hưởng đến mức loãng xương.”
Nghiên cứu được công bố hôm 9 Tháng Mười Một tại The Lancet Planetary Health.
Trong một thông báo khác, ông Andrea Baccarelli cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, một trong những tác động tích cực đến sức khỏe của không khí sạch là tăng độ cứng cáp của xương, cùng lúc, giảm nguy cơ gãy xương.”
Dù cuộc nghiên cứu chứng minh được mức liên quan giữa không khí ô nhiễm và các vấn đề về xương, nhưng nghiên cứu không chứng minh những ảnh hưởng trực tiếp từ không khí ô nhiễm đến xương.
Theo báo Người Việt