Sau lễ “Thanksgiving,” quay đi quay lại đã thấy Mùa Giáng Sinh “xồng xộc” tới. Toàn những dịp, những cơ hội để mọi người phải... ham vui. Trẻ nít, trai gái vị thành niên ắt có những thú vui riêng của chúng. Ngược lại, người nhớn lại có những thứ khác; trong đó nam, nữ cũng biệt. Riêng ở đây, người viết chỉ mạn phép “lai rai chuyện... vui” của giới mày râu mà thôi. Phải nói, đó là một thứ phương tiện “giúp vui” đặc biệt, hữu hiệu và vô cùng... mê ly!
Vâng, hơn bất cứ thời gian nào trong năm, Năm Hết Tết Đến, tính cả về Dương lẫn Âm Lịch, là những ngày tưng bừng “hết ý” và “ấn tượng” hơn cả trong mọi lãnh vực. Thế nhưng, so sánh với các thành phần khác trong xã hội - dù ở Đông hay Tây, tại thành thị hoặc thôn quê - thì giới “con cháu Lưu Linh” bao giờ cũng... nhất: Vui nhất! “Chén cha chén chú” nhất! “Ngoắc cần câu” nhất! Và cũng “xỉn” nhất!
Tại sao thế? Thú thật, hỏi như rứa thì một là “ngây thơ cụ,” hai là “đạo đức giả.” Mà nói theo “con nhà có hồn có xác,” cả hai tình trạng vừa nêu trên đều phạm... “tội trọng” đấy. Tuy nhiên nói về mặt khác, học giả Phạm Quỳnh đã viết trong loạt bài Danh Dự Luận: “Khi ta nhận được một câu hỏi, tức là ta đã mặc nhiên mắc nợ câu trả lời.” Vậy, đành xin thưa, đó là nhờ RƯỢU!
Rượu đã và sẽ muôn đời giữ một vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong những cơ hội hiếu hỉ, cúng bái, lễ lạt và đặc biệt vào dịp Tết. Chẳng thế mà người xưa vẫn từng nhắc nhở hậu duệ rằng: “Vô tửu bất thành lễ.” Hơn nữa, cuộc đời lý tưởng của hiền nhân quân tử thưở xa xưa chỉ cần có hai thứ: “Rượu thánh, cờ tiên.” Do ảnh hưởng ấy mà con cháu đời sau đã dám khẳng định: “Nam vô tửu như kỳ vô phong,” bởi theo ca dao mà lý luận “chắc như bắp luộc” rằng: “Lật đật thì đất cũng đè / Những người thong thả, rượu chè quanh năm,” vốn được tóm tắt vào hai tiết mục: “Rượu sớm, trà trưa.”
Thế nhưng chẳng phải cứ có rượu là đương nhiên “sướng như tiên” mà phải thực hiện được điều kiện ắt có và đủ sau đây: “Rượu ngon phải có bạn hiền.” Về gương mẫu này, từ cổ chí kim không ai qua mặt nổi Lưu Linh, tên chữ là Bá Luân, bậc đại thánh suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm niềm vui. Bản Tửu Đức Tụng (Ca Ngợi Đức Rượu) của ông được con cháu sau này qua bao thế hệ vừa lấy làm kinh nhật tụng, vừa coi như một bản tuyên ngôn vĩ đại - đồng thời văn học sử Trung Hoa vẫn đánh giá đó là một áng danh văn về rượu.
Ở đời có vô số thứ tréo cẳng ngỗng
Thánh Tổ Lưu Linh sống thời trước Thiên Chúa giáng sinh những 300 năm nên uống rượu dù có say mềm cỡ nào và ở bất cứ chốn nao, vẫn cứ “vô tư” mà lăn ra ngủ thẳng cánh cò bợ. Không ma nào đến làm phiền, hỏi ID hay bắt thổi bong bóng. Tương truyền, Lưu Linh thường ngồi trên một chiếc tuần lộc (do hươu kéo, y chang kiểu xe của Ông Già Noel), chở theo những vò rượu lớn và uống “non stop,” triền miên bất kể giờ giấc hay tứ thời. Ông còn sai một gia nhân trung tín vác cuốc theo sau, ra lệnh là nếu ông chết ở đâu thì cứ chôn ngay tại đấy. Đối với dân rượu thì quá đẹp! Chẳng cần “insurance” hay “nhà quàn” gì cả. Thế nhưng, theo quan điểm của thi sĩ Tản Đà: “Khi say quên cả tấm hình phù du,” bởi thế việc Lưu Linh tiếc rẻ cái xác chết của mình đã bị thi hào Nguyễn Du Việt Nam... chê:
Bác Lưu Linh khéo dở thay,
Huênh hoang: “Sẵn cuốc chết chôn ngay.”
Say mèn đã biết hòa muôn chén,
Chết quách sao còn tiếc cái thây?
Bà vợ Lưu Linh thấy chồng luôn luôn “hiện hữu” trong trạng thái xỉn một cách “vượt chỉ tiêu” như thế, đến độ chẳng còn màng chi đến “nghĩa vụ quân sự” để bà mốc cả ra, thì cũng cằn nhằn, “Thánh Rượu” bèn đáp lễ bằng thơ: “Thiên sinh Lưu Linh - Dĩ tửu vi danh,” nghĩa là “Trời sinh Linh này - Lừng danh kẻ say,” thì “Phu nhân chi ngôn - Thận bất khả thính,” nghĩa là “Lời can của vợ - Ngang trời gió bay”...
Ở làng quê Việt Nam mình, uống rượu say vẫn cứ “khỏe re như con bò kéo xe,” là do hễ có tiếng: “Ai gọi tôi đó?” ắt: “Có tôi đây!” Chẳng thế mà: “Rượu tăm, thịt chó nướng vàng / Mời đi đánh chén, cách làng, cũng đi.” Vẫn “an toàn trên xa lộ,” bởi đi đâu thì cũng chỉ bằng “lô ca chân” thôi; say đâu lăn quay ra ngủ đó, “chẳng chết thằng Tây nào”...
Thế nhưng ngày nay - ở các đất nước văn minh - “cùi” vẫn cứ phải sợ “hủi.” Nói trắng ra, con cháu Lưu Linh bị bao vây trăm bề, nhất là lúc “xỉn” thì ngán gặp “pô-lít” thứ thiệt. Đời thật lắm mâu thuẫn, điển hình như 3 trường hợp cụ thể sau đây: Trong khi rượu giúp đắc lực vào việc “nhất dạ ngũ giao bất tri lao” (phỏng dịch, một đêm “vui vẻ” năm cú mà vẫn chẳng biết mệt) thì giới y khoa lại de dọa rượu ảnh hưởng bất lợi đến tim mạch, gây đột quỵ. Trong khi ca dao đề cao: “Hiu hiu gió thổi đầu non / Mấy người uống rượu là con Ngọc Hoàng” thì châm ngôn lại dằn mặt: “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa; sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.” Trong khi dân ghiền chính hiệu tự vỗ ngực: “Còn trời, còn nước, còn non / Hễ còn bạn nhậu, ta còn say sưa,” thì lập tức diễn ra cảnh: “Rượu say vì bởi men nồng - Cảnh sát mà bắt, nó còng cổ tay!”
Những phương thức cổ điển chữa say
Trên ngưỡng cửa Năm Mới nào cũng vậy, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều mời gọi: “Ngày Xuân, nâng chén ta chúc nơi nơi...” Vậy cứ mỗi nơi, ta “ực” một chén; “mừng anh nông phu” xong, ta “rót thêm tràn đầy chén quan san” để mừng “anh binh sĩ.” Rượu chưa kịp trôi khỏi cổ họng, ta lại đã “nhấc cao ly này” để mừng hết “mẹ già,” sau lại đến “thương gia,” hết “anh công nhân” lại tới “đôi uyên ương”... cứ thế mà không ngừng “á a a à,” đồng thời “ực” liên tiếp cốc to, ly nhỏ... rồi lại “á a a à,” “ực,” “ực, “ực.” Lúc này tốc độ “ực” không còn tà tà nữa mà phải nói như thi sĩ Cao Yên Tấn: “Nâng ly như trút vào trong dạ.” Cuối cùng thì Thánh Tổ Lưu Linh nếu có tái sinh cũng phải “chân nam đá chân chiêu” chứ nói chi đến hạng con cháu. Khổ nỗi, các con sâu rượu một khi đã lỡ... “nhấp chén đầy vơi” rồi, có thánh bảo cũng không ngừng. Bị xơ gan à? Chuyện nhỏ? Đột tử chăng? Càng chuyện nhỏ! Vợ cằn nhằn hả? Dẹp! Bộ, không ai nghe ông Tản Đà “ca” tuyệt vời đó sao:
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say!
Đất say, đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Phần để giải cứu những người đồng hội đồng thuyền chẳng may gặp cơn nguy khốn, phần nhằm khích lệ dân rượu “tới luôn, bác tài,” nhiều chuyên gia thứ thiệt lẫn thầy vườn, lăng băm đã “thi đua” đưa ra lắm bí quyết nhằm giúp uống như hũ chìm mà vẫn tỉnh bơ, không say hoặc lỡ say thì mau phục hồi - điển hình như:
-Trước khi nhập tiệc, chiêu 1: “Phe ta” nên dùng chút thức ăn nhiều dầu mỡ, nhờ thế “mặt bằng” bao tử và ruột được tráng một lớp dầu nhằm giảm thiểu lượng cồn xâm nhập qua niêm mạc của hai bộ phận này.
Chiêu 2: Ăn lòng trắng trứng gà hay trứng vịt đều OK. Chất albumin sẽ là thành trì kiên cố chống lại hoặc làm suy yếu sức tấn công của rượu hay còn có thể vô hiệu hóa tác động kích thích, xung huyết... của lượng cồn trong rượu.
Chiêu 3: Nốc cốc nước chanh hoặc nhai, nuốt mấy lát chanh thái mỏng hoặc vài trái cây (như cam, quýt) có vị chua a-xít lactic, acetic; các chất này có thể trung hòa lượng cồn trong rượu.
- Trong lúc “khilykhitô” (từ đặc biệt của giới tu xuất Công Giáo, đọc chậm là khi thì ly, khi thì tô): Đừng quên vừa ăn vừa uống. Mà uống thì từ từ thôi nhé, chớ mở hết tốc lực, bởi cơ thể chỉ phân giải trong một giờ được có 1/10 xị rượu (25ml) mạnh 45 độ mà thôi. “Phe ta” nên khôn ngoan bằng cách chịu khó ăn các loại rau như cải trắng, cần và các loại trái cây như chanh, quýt, cam, dâu tây. Càng khôn hơn nếu “phe ta” biết tránh các loại nước ngọt có gas... Dễ “cho chó ăn chè” lắm đấy.
- Thủ kỹ rồi mà vẫn “bại trận,” nghĩa là trời, đất và ta đều... lăn quay thì nên năn nỉ bà xã hoặc đã huấn luyện trước cho vợ rồi thì lấy một nắm rau cần, giã nát, vắt lấy nước cốt, pha chút đường rồi uống... từ từ, kẻo bị sặc. Bảo đảm nước cốt cần không những làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị váng đầu sau khi tỉnh. Hoặc pha một ly bột sắn dây, vắt thêm chanh cũng là thần dược chữa cơn say rượu (nhưng không chữa... say tình đâu nhé!)
Dĩ nhiên còn nhiều bí quyết thần sầu khác nữa mà mỗi dân nhậu thường vẫn “thủ thân” đôi ba chiêu. Kẻ hèn này vốn biết sợ, chẳng dám nói thêm ra ở đây, đề phòng bị tranh cãi bất phân thắng bại, bởi vì tổ tiên ta đã cảnh báo: “Ở đời chẳng biết sợ ai - Sợ thằng say rượu, nói dai đêm ngày”!
Tin vui trong giờ... tuyệt vọng
Tuyên ngôn “tửu quyền” của con cháu Lưu Linh là: “Uống rượu mà không say, nào hay!” - Thế nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể, “hay” đâu chẳng thấy, bỗng chỉ thấy lù lù ông cảnh sát đeo súng đứng chận xe. Thổi bong bóng. Đi đường thẳng làm “chim bay cò bay.” Thử máu. Thế là hết chối. Dính chấu nặng. Hậu quả là đời khố nạn ngay; tương lai đen còn hơn cột nhà cháy.
Chẳng luật pháp quốc gia nào cho phép uống rượu mà lái xe. Độ rượu trong máu (BAC/Blood Alcohol Content) được ấn định tùy theo mỗi nơi, chẳng hạn ở Hoa Kỳ: 0.8%, ở Na Uy: 0.01%. Phạm pháp lái xe khi trong người có chất kích thích (DUI/Driving Under the Influence) bị xét về hình sự, chẳng hạn nếu gây tai nạn chết người, sẽ bị kết án tội ngộ sát...
Cho tới nay, mọi phương kế triệt tiêu ngay lập tức mùi rượu, chất rượu vẫn chỉ là ước mơ. Có nhiều “bạn ta” say thì chưa (chịu nhận) say sau khi đã lỡ tiêu thụ... một xâu bia hay ba, bốn ly rượu mạnh nhưng vẫn “uống thuốc liều” lái xe về nhà. Thế là đầu óc bèn tính toán chậy con đường nào ít nguy cơ gặp “cớm,” tuyệt đối tránh các “check point.” Để chắc ăn, “bạn ta” hoặc nhai mấy tép tỏi, hoặc xúc miệng bằng mắm tôm, đề phòng cảnh sát “đánh hơi,” ắt sẽ phải lập tức... bỏ chậy vì không chịu nổi mùi khăm khẳm. Thế nhưng, dù thế nào, đó vẫn chỉ là những trò chơi “thử thời vận” mà số phận thì phần nhiều “treo chỉ mành.”
Trong lúc đa số con cháu Lưu Linh gặp cơn “tiến thoái lưỡng nan,” bỏ rượu thì không nỡ mà nhận “job... bóc lịch” trong 4 bức tường thì cũng chẳng bao giờ muốn, bỗng “có tia sáng ở cuối đường hầm”: Trên nhật báo The Guardian, số phát hành cách nay hai, ba tuần lễ, Giáo Sư David Nutt, chuyên gia môn Neuro-psychopharmacology giảng dậy tại Imperial College London, đã viết là ông đã tìm ra một chất có thể thay thế hiệu lực của rượu ở não bộ và đó là một chất giải độc (antidote) rất nhanh chóng bằng cách trung hòa hiệu lực ấy.
Giáo Sư Nutt - sau khi tự thí nghiệm vào bản thân mình bằng chất này - đã viết kết quả là ông “hoàn toàn tỉnh táo sau khi uống chất giải độc, triệt tiêu nhanh chóng cơn say vì đã hưởng thụ mấy chai rượu ngon, cái cặn cũng ngon, để rồi sau đó ông đã có đầy đủ phong độ và sáng suốt để vào lớp giảng bài cho sinh viên.” Nhà giáo Nutt - nay mai là “đại ân nhân” của con cháu Lưu Linh - hiện tiếp tục khai triển những “alcohol-pill” này. Ông viết thêm rằng giai đoạn duy nhất còn lại là hoàn tất các cuộc thử nghiệm và chế tạo sản phẩm này để tung ra thị trường.
Tiếc rằng người viết không thể dịch đầy đủ bản tin này sang Việt ngữ vì trang báo có hạn đồng thời lại gắp quá nhiều từ chuyên môn khó “tiêu hóa,” nhưng sơ lược như trên, thiết nghĩ cũng đủ làm “phe ta”... quá đã. Trong tương lai, Giáo Sư David Nutt sẽ được tôn vinh ngang hàng với Thánh Tổ Lưu Linh. Trong khi chờ đợi, các “sâu rượu” đã có quyền mượn tạm các câu ca của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng mà hát vang trước thềm Năm Mới 2018: “Cám ơn Trời, người vẫn thương người,” và: “Có tin vui trong giờ tuyệt vọng” - rồi mặc sức mà “ngày xuân, nâng chén ta chúc nơi nơi”...
HOÀI MỸ