Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ năm 2012.
Courtesy donghuonhatinh.vn Từ dân ca đến ví giặm xứ NghệMỗi khi nhắc đến ví giặm xứ Nghệ, người nghe sẽ nghĩ ngay đến những câu dân ca thắm đượm nghĩa tình, được chắt lọc từ cuộc sống thường nhật của người dân lao động Nghệ An và Hà Tĩnh. Người nghe nhớ đến ví giặm bởi sự giản dị, gợi nhớ, gợi thương của những lời ca mộc mạc, ân tình đặc tả những hình ảnh thân thương của quê hương chòm xóm hay cái đẹp chân chất trong cuộc sống của người lao động. Mỗi khi giai điệu của ví giặm cất lên là người nghe hẳn sẽ cảm nhận được tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, nghèo nhưng tình cảm.
Nhiều loại dân ca của Nghệ Tĩnh cũng được phổ biến ra CD cho các người yêu thích.Ban đầu, dân ca ví, giặm xứ Nghệ còn khá thô sơ, xuất phát từ lời ca, lời kể của những người lao động như kéo sợi, đi cấy, dệt vải… Theo dòng thời gian ví, giặm phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục và dần dần hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình.
Cũng bởi ví, giặm gắn liền với lao động sản xuất, trong các làng nghề truyền thống hoặc những lúc nông nhàn nên ví, giặm thường được gắn với những tên gọi như ví phường Vải, ví phường Đan, ví phường Cấy...
Để hiểu thêm về loại hình dân ca đặc sắc này, chúng tôi trao đổi với nhạc sĩ Trần Quang Hải và được ông phân tích như sau:
Ví và giặm là hai thể hát dân ca, thứ nhất là không có nhạc đệm, được cộng đồng người Việt Nam ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt và lao động. Dân ca ví giặm mang đậm bản sắc địa phương nhiều hơn, chỉ tập trung vào hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về điệu hát, ca từ, giọng điệu cũng như về âm điệu. Tất cả các chuyên gia cho biết hiện nay có khoảng 15 điệu ví và 8 điệu giặm gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động nghề nghiệp, thí dụ: lý phường vải, lý đò đưa, còn giặm thì có giặm ru, giặm kể. Ví giặm thông thường có ca từ bằng thơ dân gian, cô đọng, ví thì thường theo thể thơ lục bát, còn giặm thì thường bằng thơ ngũ ngôn dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát cho nên được truyền tụng đến ngày hôm nay.
Ngoài ra, loại hình dân ca này cũng có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử thể hiện những tâm tư tình cảm, tình yêu cuộc sống với quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa…
Thường hát ví là loại hát giao duyên, hát giữa trai gái với nhau lúc làm việc hay lúc tối. Đặc biệt nhất là ví phường vải là một loại hát được phổ biến rất rộng rãi vì nó tương tự giống hát quan họ, tức là những người con trai đến gặp những người con gái đang làm việc, thì người con trai mới thốt lên những câu để mà gợi những cuộc hát chung với nhau. Trong đó, có hát chào mừng, hát mời trầu sau đó mới là hát đối (hát đố), rồi tiếp đến là hát giao duyên, nói chuyện qua lại với nhau bằng thơ và sau cùng là hát giã bạn. Nó hơi giống quan họ nhưng trong quan họ thì luyện giọng rất quan trọng (vang, dền, nền, nảy) còn trong hát phường vải chỉ là hát thường thôi.
Điểm đặc biệt trong hát phường vải có những ông thày đồ nho hay gà những câu rất hóc hiểm để cho bên kia không đối được. Do đó, vấn đề hát ví là hát thể hiện sự giao duyên với nhau, còn hát giặm là hát ru, hát kể, kể về những phong tục lịch sử, trong đó, chúng ta được biết là những nhà nho hoặc những nhà thơ rất nổi tiếng giống như ông Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, có những nhà chính trị như Phan Bội Châu hay là cụ Hồ Chí Minh là những người ở trong vùng Nghệ Tĩnh.
Mỗi một điệu hát, thí dụ trong hát ví phường vải có một số nhạc điệu khi hát lên người ta biết tập trung vào âm giai ngũ cung, trong những loại hát ví khác dựa vào âm giai tứ cung (có 4 nốt nhạc) thôi, những ngôn từ khi đọc ra khác với các vùng khác, nên vấn đề giai điệu biến chuyển theo giọng nói, làm cho điệu đó trở thành một nhạc điệu rất đặc biệt của vùng Nghệ Tĩnh mà chúng ta không thấy ở miền Bắc, miền Nam hay miền Trung, Huế, Đà Nẵng…
Đối đáp ca Nghệ Tĩnh. VietnamonlineMỗi loại ví thì lại liên hệ đến các sinh hoạt, làm việc, thí dụ những người đi đan nón thì có hát ví phường nón hoặc những người đi chài lưới thì có hát lý chài lưới hoặc hát chèo thuyền, còn có những loại hát ví trong lúc làm việc thì có những người hát kể, xướng và xô, nghĩa là một người hát lên và cả đám sẽ hò theo, thí dụ: hò hô khoan hoặc hò hố khoan, đó là những nhịp điệu giúp cho người làm việc quên bớt sự mệt nhọc.
Bảo tồn nghệ thuật truyền thốngTheo N.S Trần Quang Hải thì việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này là việc hết sức nên làm lúc này và cần có sự chung tay góp sức của nhiều người, đặc biệt là những người yêu dân ca ví giặm:
Đặt thành một vấn đề nghiêm túc để bảo vệ một truyền thống dân ca nào đó mà muốn trở về vốn cổ thì rất khó vì chúng ta không thể nào duy trì một cái gì cổ xưa trong thời điểm hiện tại. Theo tôi nghĩ, chúng ta phải duy trì, giữ lại như một báu vật, từ đó, giúp cho những người nào muốn tìm hiểu, sau này trong tương lai, có thể nghe những tài liệu đó để học hỏi trở lại. Bởi vì những bài bản ngày càng mất đi, tất cả những điệu hát ví, hát giặm, có thể trong tương lai, những nghệ nhân lớn tuổi cũng dần mất đi, nếu chúng ta không kịp thời thu hình, thu thanh và làm những nghiên cứu điền dã gom góp những tài liệu đó, thì trong tương lai sẽ không còn có những điệu hát dân ca trung thực nữa, mà chỉ là những loại dân ca cải biên.
Vài năm nay ở 2 vùng Nghệ An và Hà Tĩnh đã xúc tiến rất nhiều, những nghệ nhân lớn tuổi bắt đầu đi truyền dạy lại cho trẻ em, để tạo thành những câu lạc bộ. Ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 51 câu lạc bộ dân ca ví giặm, có hơn 800 nghệ nhân, các nghệ sĩ và nhạc sĩ chuyên nghiệp ở trung tâm bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ nghệ quan tâm đến việc diễn xướng truyền dạy, bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví giặm.
Sau khi đã truyền dạy rồi có xu hướng khác là đưa ví giặm lên sân khấu, sân khấu hóa những điệu hát dân ca, đem vào đó những nhạc cụ để đệm và có một số nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác thêm những bài hát theo âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh.
Source: RFA