Trẻ con từ mấy tháng tuổi đến năm 6 tuổi vào lớp 1 thường ngộ nghĩnh, dễ thương như mầm non mới nhú.
Gia đình ở thành thị dù khá giả hay khó khăn cũng chỉ có từ một đến hai con chứ không sinh con đàn con lũ như xưa. Ngày nay không còn cảnh đại gia đình mấy đời sống chung dưới một mái nhà và người phụ nữ không chuyên tâm ở nhà tề gia nội trợ mà tuôn ra ngoài bươn chải kiếm sống như nam giới. Không ai chăm sóc nên đứa bé phải được gửi đến trường. Huống hồ nhà nghèo lại neo người tất nhiên phải cho con đến lớp để cha mẹ dành thời giờ đi kiếm ăn.
Ngoài việc thiếu người chăm sóc. Ngay cả những gia đình giàu có, dư người thân như ông bà, họ hàng… cũng mang bé gửi vào trường vì đang tuổi nghịch ngợm, hiếu động nhiều… Đồng thời ở đó, bé còn học nhiều thứ khác: Học hát múa, tập thể dục… cả học tiếng Anh… và nhiều sinh hoạt khác: tập xếp, tập rửa tay… nữa là những hoạt động mà ông bà hoặc người thân trong gia đình khó dạy.
Từ ba đến năm tuổi, trẻ vào trường mẫu giáo để qua ba lớp học là Mầm, Chồi và Lá. Lên sáu tuổi vào lớp Một của tiểu học.
Nhà trẻ nhận chăm sóc sức khỏe cho bé từ ba tháng đén ba tuổi. Mẫu giáo chuyên về giáo dục dành cho các bé từ ba tuổi. Còn mầm non là liên hợp bé từ ba tháng đến sáu tuổi. Thế nhưng hiện nay, ít ai phân biệt rõ mà thường đánh đồng các trường này với nhau dành cho bé từ ba tuổi.
Có nhiều loại trường mầm non: trường công lập, trường tư, trường tự phát. Trường công và trường tư được cấp phép hoạt động chính thức. Hiệu trưởng và giáo viên trên lớp phải có bằng cấp nhưng trường tự phát thì không có giấy phép.
Trường công phải đúng tuyến, đúng hộ khẩu mới được xét vào. Thậm chí xếp hàng từ đêm hôm trước để nộp đơn, phải lót tay, mua chỗ… Không phải chỉ trong các kỳ thi tuyển trung học, đại học, mỗi học sinh phải chọi tới vài học sinh để giành một chỗ trong ngôi trường mình lựa chọn. Ở trường Hoa Sen (Vinh, Nghệ An) mỗi bé cũng phải bốc thăm, chọi với ba bé khác để được lọt vào trường. Bởi vậy các trường mầm non công lập trở nên quá tải. Mỗi lớp từ năm mươi hai đến sáu mươi học sinh là bình thường. Có trường nhảy lên từ sáu mươi bốn đến sáu mươi chín bé một lớp. Trong gian phòng chật chội, các bé chen chúc đi qua đi lại đã đụng nhau rồi, chỗ đâu mà vui chơi. Hỏi sao cô giáo không xoay như chong chóng và dễ phát bẳn.
Trường tư mắc tiền hơn, dân nghèo hầu hết là dân nhập cư đều không với tới.
Một số nhà máy lớn từng mở nhà trẻ có lúc nhận đến hơn ba trăm bé nhưng rồi cũng lần lượt đóng cửa vì không gánh nổi chi phí.
Ở quanh các khu công nghiệp, khu chợ búa đông dân cư lao động, do các trường mầm non ngại nhận bé dưới một tuổi vì ở độ tuổi quá nhỏ này cần sự chăm sóc rất cẩn thận, sơ suất dễ gây nguy hiểm cao hơn các bé lớn, nên đa số các bậc cha mẹ phải tìm tới các nhà trẻ tư nhân, các nhóm tự phát..
Trường tự phát giá rẻ vì không đóng thuế, giống như nhờ bà hàng xóm trông con nít dùm đâu cần làm đơn xin phép mở lớp, lại có thể nhận giữ trẻ sớm hơn hoặc muộn hơn giờ quy định chứ không gò bó trong giờ hành chánh.
Ai cũng có thể làm bảo mẫu được, chỉ cần rảnh rỗi và có cái nền nhà trống là mở trường. Nói trường cũng quá. Gọi nhóm thì đúng hơn. Tùy theo có nhóm mười bé, nhóm dăm ba bé. Con bà bảo mẫu phụ đút cơm, có khi hàng xóm qua chơi, người ở trọ rảnh tay bế dùm.
Thông thường các gia đình sẵn người lớn tuổi, người đau yếu, bà nội trợ hoặc cô gái đang thất nghiệp không có lợi tức, sẵn sàng nhận giữ vài ba đứa bé để kiếm thêm. Số trẻ nuôi dần từ vài ba bé, lên mười mấy đến mấy chục tăng thành nơi giữ trẻ chính thức. Đó là những “nhóm tự phát” nhanh chóng mọc tràn lan đáp ứng nhu cầu trông trẻ ở các khu công nhân.
Nhà ở chỉ cần dẹp tém bớt đồ đạc để hành lang hay hàng ba rộng, gian phòng trống nền gạch hoa, thêm mảnh carton chặn cửa ra vào đằng trước, cửa xuống nhà bếp, vất vào đó vài món đồ chơi bằng nhựa rẻ tiền là có khoảng trống giữ trẻ. Trẻ suốt ngày tha hồ nằm lê la hoặc chơi với vài ba món đồ chơi đó là đủ qua ngày. Không dạy múa hát, dạy đếm… Chủ yếu chỉ là nhốt trẻ trong nhà, cho ăn uống trong giờ cha mẹ bận đi làm việc chứ trẻ con không học gì cả. Vả bà giữ trẻ đâu biết gì mà dạy. Bà chỉ giữ chúng thôi đã hết hơi rồi.
Kiểu nhà trẻ gia đình này rất thông dụng vì rất linh hoạt, thuận tiện cho phụ huynh là công nhân làm việc theo ca không thế bế con đi gửi vào lúc sáng sớm hay tối mịt mà chỉ có thể gửi con ở nhà người thân hay nhóm tự phát gần nhà. Vì chủ nhà làm bảo mẫu có mặt ở nhà suốt ngày nên phụ huynh còn có thể gửi con vào thứ Bảy chủ nhật tính thêm tiền.
Thế nhưng vì chủ trường tự phát làm hiệu trưởng kiêm giáo viên kiêm bảo mẫu, kiêm bảo vệ… chỉ là bà nội trợ không có chuyên môn nên lắm khi khá vất vả khi một mình xoay xở với đủ thứ việc. Để công việc trôi chảy thì bà cần phải trấn áp lũ trẻ quấy khóc để vãn hồi trật tự. Thành thử mới có những cảnh bà bảo mẫu xách ngược trẻ, đánh tát, dẫm đạp các bé không thương tiếc dẫn đến những tai nạn thương tâm.
Ở những tư thục có đóng tiền đàng hoàng, tình trạng cũng chẳng khá hơn là mấy. Có điều phòng ốc rộng rãi khang trang hơn nên các cô, sau khi đón trẻ vào trường, đóng cửa lại rồi… muốn làm gì thì làm khó ai biết.
Mấy hôm nay phổ biến clip ba cô giáo trường Mầm Xanh đánh đập trẻ. Nghe mà hết hồn khi cô quát tháo:
– Vả vào cái mỏ, đập cho ngậm cái họng, vả cho nó tét cái họng…
Một cô đồng nghiệp phân tích:
– Nói vậy chứ cũng… thông cảm cho mấy cô. Nhận con công nhân với giá rẻ nên một cô trông cả chục đứa. Trẻ con hiếu động. Đứa chạy, đứa nhảy, đứa đòi ị, đứa đánh nhau, đứa khóc, đứa mếu… Ở nhà bà mẹ trông một đứa con còn mướt mồ hôi nữa là. Lại nữa, mấy bà mẹ đòi hỏi con phải tăng cân, phải tròn ú, trong lúc trông cho bọn trẻ giờ ăn thật là trần ai, đứa ăn chậm, đứa cứ ngậm chặt miệng, đứa nuôi giấm trong miệng… Ở nhà có khi đút cơm cho một đứa cả hai tiếng dồng hồ, còn ở trường phải ăn nhanh còn dọn dẹp, ngủ trưa. Hỏi sao không nóng?!
Đúng là như vậy! “Mỗi ngày phải chăm sóc, dạy học, kể chuyện… cho 15 đứa trẻ trong suốt 12 giờ còn cực hơn… công nhân làm tăng ca, vậy mà tiền lương chỉ ngoài 1 triệu đồng, không đủ sống. Thật tình tôi không thể nuôi nổi con ăn học thì không thể yêu trẻ và “bám” nghề dạy trẻ này lâu hơn nữa” – cô Nguyễn Thị Mười, giáo viên Trường MN tư thục An Cư (quận Tân Bình), người có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ trên 5 năm, đã nghỉ dạy để đi làm bên ngoài, cho biết.
Trường công cũng không nằm ngoại lệ. Tại trường mầm non Bông Sen (Tiền Giang) “các giáo viên khác dùng khăn ướt đánh trẻ, lấy bô đập vào đầu trẻ, dùng hình nộm dọa trẻ, đánh vào lòng bàn chân trẻ, dùng khăn ướt bịt miệng trẻ khi ăn, thoa dầu gió xanh vào tay trẻ để ngăn trẻ ngậm tay, cho trẻ uống thuốc Peritol nhiều lần…”. Peritol là loại thuốc kích thích trẻ ăn và gây ngủ.
Ngay cả những giáo viên có bằng cấp, được đào tạo chuyên môn đàng hoàng cũng không chịu nổi lương thấp và áp lực công việc quá cao đã quát mắng, chửi thề nhất là khi bé ngậm cơm hoặc khóc nhè. Có khi thức ăn bé ói ra lại được đút vào miệng tiếp. Lý do là thức ăn có hạn, đâu có dư khẩu phần để đắp vào. Trẻ biếng ăn ói mấy cũng tống vào vì bé không ăn được sẽ sụt cân, mà sụt cân thì phụ huynh khó ăn nói, không kể ở trường công, bé sụt cân khiến cô mất điểm thi đua.
Phía các bà mẹ xem clip mà xót con. Con mình nâng trứng hứng hoa mà các cô đành đập tàn bạo, nào nhéo tai, đập bôm bốp vào đầu… Từng có một bé bị dán băng keo lên miệng đến ngưng thở, bé khác bị chấn thương sọ não…
Không đánh đập nhưng trường mầm non Thạch Ngàn cho các bé ăn bún trắng chan nước mặc dù phụ huynh có đóng tiền cho hai bữa ăn gồm bữa chính vào buổi trưa và bữa phụ vào buổi xế. Bớt xén tiền ăn của trẻ để sang qua người lớn dường như đã thành chuyện đương nhiên.
Mỗi lần có một vụ bạo hành trẻ con ở trường, dư luận ồn ào lên một chặp rồi lại dần dần lắng xuống.
Nhà nước không phải không biết những vụ lem nhem của trường mầm non, nhất là trường tư và nhóm tự phát. Nhưng trong trường hợp trường công có giới hạn không đáp ứng nổi số bé đông đảo nên đành chịu thua. Thỉnh thoảng kiểm tra, họ đóng phạt rồi đâu cũng vào đấy, đâu bắt người ta đóng phạt hoài được.
Chẳng nhóm tự phát nào đạt đủ điều kiện mở lớp. Nào bằng cấp của giáo viên, phòng ốc đúng tiêu chuẩn, điều kiện chăm sóc an toàn… lấy đâu ra, chỉ trường công mới đầy đủ thế. Buộc đóng cửa thì quá dễ nhưng sau đó lũ trẻ con bơ vơ biết gửi đi đâu, lại dạt vào nhóm tự phát khác.
Giáo viên mầm non thiếu trầm trọng. Làm nghề này phải rành tất tật từ chăm sóc trẻ, đến làm học cụ, nhạc lý, vẽ hình và có sức chịu đựng cao trong khi lương thấp không tưởng nên nhiều người không trụ nổi.
Đừng nghĩ trưởng mầm non chỉ ăn và chơi. Học hay không chẳng sao, học đâu cũng được. Từng có lúc nghe tin nếu không có giấy chứng nhận “tốt nghiệp” mầm non sẽ không được nhận vào lớp 1 của tiểu học. Thế là phụ huynh có con ở nhà hoặc học trường tư hốt hoảng đua nhau xin cho con vào lớp phổ cập cấp tốc hai tháng hè để lấy giấy chứng nhận.
Đồng lương quá thấp và khối công việc nặng nề khiến chẳng ai mặn mòi với nghề giáo viên mầm non. Giáo viên giỏi hoặc bỏ nghề tìm việc khác mưu sinh hoặc xin vào làm việc cho các trường quốc tế hiện đang mọc ra như nấm từ nội thành ra tới ngoại thành, lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn. Chảy máu chất xám. Và trong lúc đó bé con mỗi ngày đến lớp đành trông chờ vào tâm của bảo mẫu!
SGCN