Chỉ số khối cơ thể, huyết áp, đường máu và mức triglyceride có thể ảnh hưởng tới nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 ở phụ nữ. (Credit: ABC Licensed) .Các nhà nghiên cứu Úc đã xác định một loạt các yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 ở những phụ nữ từng bị tiểu đường trong thời kỳ mang thai.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ từng bị tiểu đường trong thai kỳ mà cũng có ít nhất 4 yếu tố nguy cơ chuyển hóa như hàm lượng glucose trong máu cao, huyết áp cao, chỉ số BMI trên 30, mức HDL thấp và mức triglyceride cao, sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn gấp 6 lần so với những phụ nữ không có các yếu tố nguy cơ bổ sung.
Nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Tây Australia và bệnh viện King Edward Memorial (Perth) được công bố trên tạp chí Nutrition and Diabetes.
“Như chúng tôi đã nêu, theo đánh giá của báo cáo phân tích với các trường hợp mang thai mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ hội chứng chuyển hóa tim tương quan với quá trình phát triển bệnh tiểu đường và nguy cơ mắc bệnh tim mạch 10 năm sau đó,” các nhà nghiên cứu viết.
Khoảng 35% trong số 150 phụ nữ mắc chứng tiểu đường trong thai kỳ tham gia nghiên cứu rơi vào nhóm ‘nguy cơ cao’ do có thêm ít nhất 4 yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong giai đoạn sau này nhưng thách thực đặt ra là xác định những phụ nữ nào trong trường hợp này có nguy cơ cao hơn.
“Chúng tôi muốn biết liệu trong số người mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ có những ai có nguy cơ cao hơn do có một số yếu tố giống hội chứng chuyển hóa dẫn đến tình trạng quá ký, lượng lipid và glucose bất thường cũng như huyết áp cao,” giáo sư Anne Barden, giáo sư nghiên cứu tại Khoa Y- Dược thuộc Đại học Tây Úc, cho biết.
Một phần vấn đề là bản thân quá trình mang thai làm thay đổi cơ chế chuyển hóa lipid và huyết áp. Do vậy, trước đây mục tiêu nghiên cứu phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ chỉ tập trung vào mức glucose trong máu.
“Mục tiêu này rất cần thiết nhưng nếu xét đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2 lâu dài, các dữ liệu khác cũng đóng vai trò quan trọng,” giáo sư Barden nhận định. “Có lẽ những phụ nữ bị tiểu đường trong thai kỳ không chỉ có lượng glucose bất thường mà cần xem xét các yếu tố khác cũng cần theo dõi.”
Can thiệp sớmTheo các nhà nghiên cứu, nhóm 4 hoặc nhiều hơn yếu tố nguy cơ cao giúp dự báo nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 chính xác hơn so với đơn giản chỉ xem xét mức glucose trong máu hay chỉ số BMI.
Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ có các yếu tố nguy cơ gia tăng này có thể được xác định sau thời kỳ mang thai 6 tháng. Giáo sư Barden cho rằng phát hiện vào thời điểm này sẽ mang lại cơ hội quý giá để có thể can thiệp sớm, nhằm ngăn chặn phát triển bệnh tiểu đường sau này.
“Phụ nữ thường có một lần mang thai phức tạp hơn nếu không được can thiệp hiệu quả giữa các lần mang thai,” giáo sư Barden nói. “Đây là cách cảnh báo cho bác sĩ điều trị cho những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn, và quan trọng hơn là cảnh báo ở độ tuổi khá sớm để có thể can thiệp nhằm ngăn chặn các hậu quả bất lợi lâu dài.”
Source: ABC Australia