Hơn 200 tăng ni tại Nam California đã dự lễ tưởng niệm chiều Chủ Nhật tại Santa Ana. (Hình: Phúc Quỳnh/Viễn Đông)SANTA ANA – “Nhắc lại lịch sử không phải để căm thù mà để không quên lịch sử, nhắc lại sự thật của lịch sử để hậu thế biết rõ mà cảnh giác, và cố gắng không để cái ác tiếp diễn.” Đây là lời nhận xét trong bài diễn văn khai mạc “Lễ Tưởng Niệm 50 Năm Pháp Nạn Bồ Tát Thích Quảng Đức Và Tăng Tín Đồ Vị Pháp Vong Thân” được tổ chức tại Jerome Center, thành phố Santa Ana vào trưa Chủ Nhật, 23/6/2013.
Trên 200 chư tôn đức tăng ni từ các chùa và tự viện tại miền Nam California, kể cả nhiều Hòa Thượng với chức vụ cao cấp trong các giáo hội Phật Giáo tại hải ngoại, cùng các tăng ni đang dự khóa An Cư Kiết Hạ tại Phật Học Viện Quốc Tế, đã đến dự lễ tưởng niệm sự hy sinh của một tăng sĩ trong một biến cố lịch sử xảy ra đúng nửa thế kỷ trước đây. Trong các quan khách còn có cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính, cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, và Chánh Án Nguyễn Trọng Nho tại Quận Cam
Hai em trong Gia Đình Phật Tử đang chuẩn bị lễ dâng hương.Vào tháng Sáu năm 1963, Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối một chính sách đàn áp đã được áp dụng đối với Phật Giáo tại miền Nam Việt Nam.
Nhắc lại biến cố lịch sử đó và nay là mục đích của lễ tưởng niệm 50 năm, Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê nói trong bài diễn văn khai mạc, “Cách đây vừa đúng nửa thế kỷ, vào lúc 10 giờ sáng ngày 11/6/1963, một vị tăng sĩ Phật Giáo đã từ trên chiếc xe Austin khoan thai bước xuống ngã tư đường Phan đình Phùng/Lê văn Duyệt, rồi ngồi xuống kiết già, chắp tay niệm Phật. Một vị tăng sĩ khác đứng giúp tưới xăng lên thân thể Ngài. Sau đó, chính tự tay Ngài quẹt que diêm để -theo lời thơ của Vũ Hoàng Chương là- Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ. Ngọn lửa bùng lên và Ngài vẫn giữ tư thế ngồi kiết già một lúc lâu trong lửa đỏ rồi mới từ từ ngã xuống .
“Hình ảnh bi hùng vô úy đó đã được các ký giả, phóng viên nước ngoài ghi lại đầy đủ từng động tác để chuyển đi mọi nơi, tạo nên một sự bàng hoàng xúc động trong lòng người trên khắp thế giới. Riêng đối với Việt Nam, dân chúng còn cảm nhận thêm một cảm giác đau thương, xót xa và bi phẫn. Sau ngọn lửa Thích Quảng Đức, còn thêm nhiều tu sĩ nữa cũng theo gương Ngài, hy sinh thân mình làm bó đuốc để cầu mong (…) lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở .”
Theo tiểu sử được phổ biến trong lễ tưởng niệm, Hòa Thượng Thích Quảng Đức sinh năm 1897 tại tỉnh Khánh Hòa. Ngài xuất gia tu học từ năm lên bảy. Năm hai mươi tuổi Ngài thọ Tỳ Kheo giới và tịnh tu ba năm trên một ngọn núi ở Ninh Hòa. Trong hai năm sau đó Hòa Thượng đã thực hiện pháp hạnh đầu đà, một mình với chiếc bình bát khất thực đó đây để gieo duyên lành với chúng sanh. Trong thời gian hoằng Pháp tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, Hòa Thượng Quảng Đức đã kiến tạo hoặc trùng tu hơn 30 ngôi Chùa.
Ngày 11/6/1963, trong một cuộc diễn hành của gần 1,000 tăng ni để tranh đấu cho chính sách “Bình Đẳng Tôn Giáo,” Hòa Thượng Quảng Đức đã quyết định thực hành nguyện ước tự thiêu thân để cúng dường Phật Pháp và cũng để làm động cơ thúc đẩy chính phủ giải quyết gấp rút 5 nguyện vọng của Phật giáo và giải tỏa cho 3 ngôi chùa bị vây khốn ở Huế.
Trước khi giác linh theo ngọn khói về cùng với Phật, Hòa Thượng kêu gọi chính quyền hãy “nên lấy lòng bác ái, từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.”
Trong buổi lễ tưởng niệm tại Jerome Center hôm Chủ Nhật, hàng chư tôn giáo phẩm có các Hòa Thượng (HT) theo thứ tự được giới thiệu sau đây: HT Thích Thắng Hoan, Chánh Văn phòng Hội Đồng Gíao Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK); HT Thích Chơn Thành, Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới; HT Thích Tín Nghĩa, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, từ Irving, Texas; HT Thích Phước Thuận, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm, Westminster; HT Thích Nguyên An, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Hội Đồng Điều Hành, từ Seattle, Washington, HT Thích Nguyên Trí, Phó Chủ Tịch Nội Vụ, Santa Ana; HT Thích Minh Tuyên Phó Chủ Tịch, Santa Ana; HT Thích Thái Siêu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục, Fremont; HT Thích Nguyên Siêu, Tổng Thư Ký, từ San Diego; HT Thích Thông Hải, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội, Honolulu, Hawaii; HT Thích Giác Sỹ, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hoằng Pháp, Westminster; HT Thích Từ Diệu, cố vấn Trung Tâm Huấn Luyện Quảng Đức, San Bernardino; HT Thích Trí Đức, từ Helmet, HT Thích Huệ Minh, Westminster, HT Thích Nhật Quang, Westminster; HT Thích Tâm Vân; HT Thích Minh Mẫn, Santa Ana; HT Thích Giác Ngôn, Santa Ana, và Thượng Tọa Thích Tuệ Gíác từ San Diego.
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan đã ban bài đạo từ đại diện chư tôn giáo phẩm.
Trong phần thuyết trình, tám giáo sư, đạo hữu, nhà văn, nhà báo đã trình bày những ý kiến, quan điểm chung quanh biến cố hy sinh thân người để làm ngọn lửa kêu gọi lòng từ bi của Ngài Quảng Đức. Tám thuyết trình viên theo thứ tự gồm có:
Giáo sư Trần Quang Thuận với đề tài Vị Pháp Vong Thân; giáo sư Nguyễn Văn Sâm, Ngọn Đuốc Tuệ 1963 và Con Đường Thương Yêu Đồng Loại; nhà báo Vũ Ánh, Cái Nhìn Của Một Nhà Báo Về Pháp Nạn 1963; giáo sư Cao Văn Hở, Trái Tim Kim Cang Quảng Đức: Một Vị Bồ Tát Xả Thân Trong Pháp Nạn 1963; nhà văn Đào Văn Bình, Cảm Nghĩ Về “Ngọn Lửa Thích Quảng Đức” Cách Đây 50 Năm; đạo hữu Đặng Nguyên Phả, Những Điều Nhớ Lại từ “Phật Giáo 1963” Của Một Chứng Nhân; nhà báo Nguyễn Thanh Huy, Tài Liệu Mật Của Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng và Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ Về Pháp Nạn 1963 do Nguyên Giác Dịch; và đạo hữu Tâm Duy Phan Duy Chiêm, Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Thích Quảng Đức và Tăng Tín Đồ Vị Pháp Vong Thân (1963-2013).
Trong phần cuối của bài phát biểu, giáo sư Nguyễn Văn Sâm nói về lòng từ bi, tình thương nhân loại trải dài từ thời Đức Phật đến giới trẻ Việt Nam ngày nay đang lên tiếng trước hiểm họa đất nước bị Trung Quốc xâm chiếm, “Đức Phật xưa bỏ hết để đi vào rừng tìm đường, năm 1963 Hoà Thượng Thích Quảng Đức bỏ hết để đi vào lửa trao ra một thông điệp yêu thương, bình đẳng, ngày nay tuổi trẻ Việt Nam cũng đang bỏ hết để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đại họa mất đất, mất biển, mất nước, mất tự do đương diễn ra ở trong nước.
“Con đường thương yêu đồng loại, thương yêu đồng bào là con đường liên tục nhưng thể hiện bằng nhiều cách thế. Cái khó là nhìn thấy!”
Một người khác đã có một bài phát biểu ngắn là cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính, người đã tham dự cuộc đảo chánh cuối năm 1963.
Ngoài các phái đoàn tăng ni, khoảng 400 cư sĩ và đạo hữu, các thành viên gia đình Phật tử đã có mặt trong buổi lễ dài hơn bốn tiếng đồng hồ tại Jerome Center. Hầu hết các cơ sở truyền thông, từ nhật báo, truyền thanh cho đến truyền hình của người Việt Nam tại Quận Cam, đều có người đại diện trong chương trình được tổ chức rất trang nghiêm trong một ngày nắng ấm, đẹp trời ở Nam California.
Theo Viendongdaily